Thứ Hai, 02/02/2015 22:39

Gói tín dụng 50.000 tỉ đồng: Ai vay?

Muốn gói tín dụng này không bị “chết yểu” phải có sản phẩm phù hợp thị trường, túi tiền của người dân và để người mua nhà tiếp cận được vốn vay một cách dễ dàng nhất

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cả gói 30.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi dành cho người thu nhập thấp đang triển khai và gói tín dụng 50.000 tỉ đồng dự kiến bơm vào thị trường bất động sản (BĐS) đều chưa đánh giá đúng yêu cầu “phải phù hợp với túi tiền, khả năng trả nợ của người dân” nên khó khả thi.

Quá sức người mua nhà

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tại hội thảo về thị trường BĐS ở TP HCM cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết Ngân hàng (NH) Nhà nước đang trình Chính phủ gói tín dụng 50.000 tỉ đồng dành cho người vay mua nhà ở thương mại, lãi suất cố định 7%/năm trong 10 năm. Các NH thương mại có thể cho vay 10-20 năm nhưng trong 10 năm đầu, lãi suất sẽ giữ ổn định ở mức 7%/năm nhằm tạo điều kiện cho người vay tính toán khả năng trả nợ. Gói 50.000 tỉ đồng nếu được bơm ra thị trường hướng vào phân khúc trung, cao cấp sẽ hỗ trợ tốt hơn cho BĐS hồi phục.

Các gói tín dụng bơm vào bất động sản kỳ vọng sẽ giúp người dân có nhà ở, giải phóng hàng tồn kho và kích thích thị trường hồi phục Ảnh: Tấn Thạnh

Với gói 30.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất 5%/năm trong vòng 15 năm đang triển khai, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết đang giải ngân tốt với 15 NH thương mại tham gia cho vay. Nhiều doanh nghiệp (DN) khi được hỏi cho rằng việc có thêm gói tín dụng hỗ trợ BĐS với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung thị trường là tốt, thậm chí nếu lãi suất giảm về 5%/năm sẽ càng tốt hơn.

Tuy nhiên, đưa ra gói tín dụng là một chuyện, có giải ngân được và người vay tiếp cận dễ dàng không là chuyện khác. TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cả 2 gói tín dụng 30.000 tỉ đồng và 50.000 tỉ đồng đều có thời gian vay 10-15 năm là quá ngắn, tạo áp lực trả nợ cho người mua nhà. Với thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam là 1.900 USD/người/năm (tương đương gần 42 triệu đồng), mỗi tháng thu nhập 3,5 triệu đồng/người. Tính ra, một gia đình có 2 vợ chồng sẽ thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Nếu họ mua căn hộ giá 1 tỉ đồng, vay 800 triệu đồng từ NH thương mại ở gói 30.000 tỉ đồng trong 10 năm với lãi suất 5%/năm, hằng tháng họ phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 7 triệu đồng. Nay, gói 50.000 tỉ đồng cho vay lãi suất 7%/năm, cũng với số tiền vay tương đương, mỗi tháng họ phải trả 9,3 triệu đồng.

“Người vay mua nhà không những không ăn uống, tiêu xài mà còn phải mượn thêm tiền để đủ trả NH hằng tháng. Dẫn chứng để thấy tính khả thi của các gói tín dụng là không cao. Gói 30.000 tỉ đồng giải ngân đã khó, nay thêm gói ưu đãi quy mô lớn hơn sẽ càng khó hơn” - TS Hiếu phân tích.

Tránh “vết xe đổ”

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, đề xuất gói tín dụng này có thể dành cho các đối tượng có nhu cầu mua nhà ở thương mại giá từ 1-2 tỉ đồng nhưng cần khống chế mức cho vay, không bơm tiền cho các khách hàng vay mua nhà ở giá từ 5-10 tỉ đồng để tránh lợi dụng vốn vay ưu đãi, đưa dòng tiền vào phân khúc biệt thự, nhà phố… “Gói 30.000 tỉ đồng trong gần 2 năm giải ngân chưa đến 1/3 là thất bại bởi thiếu sản phẩm phù hợp thị trường và người vay tiếp cận quá khó. Để tránh “vết xe đổ” của gói ưu đãi này, nếu được áp dụng, các quy định triển khai gói 50.000 tỉ đồng phải thật đơn giản để người dân dễ tiếp cận” - ông Đực nói.

Giám đốc một DN BĐS có dự án được vay gói 30.000 tỉ đồng cho rằng khả năng thực hiện gói 50.000 tỉ đồng trong năm nay là rất khó. Hơn nữa, nền kinh tế đang ổn định và phục hồi liệu có cần thiết bơm ồ ạt vốn vào BĐS. “Khi vốn dồn quá nhiều vào thị trường BĐS sẽ dẫn đến khó kiểm soát, dư nợ tín dụng tăng mạnh có nguy cơ dẫn đến nợ xấu như trước đây” - vị này lo ngại.

Quá nản tín dụng ưu đãi

Anh Hoàng Đức Huynh (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết sau một thời gian chạy đi chạy lại giữa UBND phường và NH thương mại để vay gói 30.000 tỉ đồng, anh đành bỏ cuộc. Gia đình anh Huynh dự tính mua căn hộ ở chung cư Lan Phương (quận Thủ Đức) với giá khoảng 1 tỉ đồng, tiền sẽ vay NH TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, khi lên UBND phường xác nhận tình trạng nhà ở, lãnh đạo nơi đây đã bút phê chi tiết nên NH không chấp nhận. “Cán bộ NH hướng dẫn về xin phường xác nhận lại, chỉ cần ký tên đóng dấu nhưng phường nói phải xác định chi tiết... Không ai nhường ai nên cuối cùng tôi đành bỏ cuộc, không thể vay gói ưu đãi này” - anh Huynh bức xúc.

Ông Đoàn Chí Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, đơn vị phân phối các dự án được vay gói 30.000 tỉ đồng - nhận xét tình trạng không thống nhất giữa địa phương và NH trong xét duyệt hiện trạng nhà ở để cho vay vẫn còn khá nhiều. Do đó, nếu triển khai các gói tín dụng tiếp theo thì cần linh hoạt giữa các cơ quan quản lý để tạo điều kiện tốt nhất cho người vay.

Thái Phương

người lao động

Các tin tức khác

>   Khởi động dự án xây dựng sân gofl 27 lỗ ở thành phố Hạ Long (02/02/2015)

>   Hà Nội: Nhiều sai phạm trong 2 dự án CapitaLand-Hoàng Thành (02/02/2015)

>   Cho phép góp vốn bằng bất động sản để thành lập quỹ đầu tư bất động sản? (02/02/2015)

>   Giảm giá nhà đất không dễ (02/02/2015)

>   Sụt lún nghiêm trọng tại công trình kênh nghìn tỷ (02/02/2015)

>   Người nước ngoài được sở hữu nhà tại Đà Nẵng trong 50 năm (02/02/2015)

>   TP.HCM: Gần 700 dự án ‘trùm mền’ (02/02/2015)

>   Rắc rối nhà xây thô (01/02/2015)

>   Đà Nẵng đề xuất bán nhà cho người nước ngoài 70 năm (01/02/2015)

>   Dự án 1 bis-1 kép Nguyễn Đình Chiểu: ‘Rối’ thời hạn giao đất (31/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật