Rắc rối nhà xây thô
Từng là xu hướng nóng trên thị trường BĐS, được coi là giải pháp hiệu quả để tăng thanh khoản cho chủ đầu tư và được người mua đón nhận, tuy nhiên, thời gian gần đây, việc bán-mua nhà xây thô rồi tự hoàn thiện không còn được nhiều người mặn mà như trước. Nguyên nhân do những rắc rối phát sinh trong quá trình hoàn thiện khiến hình thức mua nhà tưởng lợi này lại hóa ra… hại.
Xung đột đủ đường
Xuất phát từ thực tế nhiều khách hàng khi mua căn hộ rồi vẫn phải làm mới, cải tạo toàn bộ nội thất, từ cách đây 2 năm, nhiều chủ đầu tư đã quyết định sẽ chỉ bán nhà xây thô và khách hàng được tự ý hoàn thiện căn hộ theo ý thích của mình. Đây là cách làm được xem là có lợi cho cả 2 bên, bởi theo tính toán, giá nhà sẽ giảm trung bình 3-8 triệu đồng/m2, hấp dẫn hơn trong việc thu hút khách mua.
Dẫn đầu cho xu hướng này có thể kể đến Flamingo Đại Lải Resort với 30 căn biệt thự xây thô với giá 2,8 tỷ đồng mỗi căn. Mandarine Garden có giá bán xây thô 26,5-42,5 triệu đồng/m2 thay vì 36-37 triệu đồng/m2 khi đã hoàn thiện. Golden Land Building chỉ có giá bàn giao thô từ 21,5 triệu đồng/m2. Golden Palace Mễ Trì bán căn hộ hoàn thiện cơ bản với giá 22,6 triệu đồng/m2 (chưa VAT), thay vì giá từ 27 triệu đồng/m2 cả nội thất, Vinaconex 7 cũng đang chào bán dự án tại Cầu Diễn với giá 15,2 triệu đồng/m2 (chưa VAT) cho căn hộ bàn giao thô…
Tuy nhiên, theo nhiều khách hàng đã mua căn hộ xây thô, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, sau khi hào hứng vì mua được căn hộ giá rẻ hơn, nhiều khách hàng mới thực sự cảm nhận được sự rắc rối khi phải tự mình hoàn thiện. Ngoài việc phải tự mình tính toán về công việc, chi phí, thuê thợ đến hoàn thiện, nhiều khách hàng cho rằng, tự mình hoàn thiện thực sự không rẻ hơn giao phó cho chủ đầu tư.
Thậm chí, ở nhiều dự án, chủ đầu tư và khách hàng đã không ít phen xung đột bởi những chính sách không đồng nhất. Điển hình có thể kể đến việc nhiều cư dân dự án Golden Palace (K1, đường Mễ Trì, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bức xúc khi chủ đầu tư yêu cầu khách hàng muốn tự hoàn thiện căn hộ mà không sử dụng nhà thầu do chủ đầu tư đưa ra phải nộp 200 triệu đồng cho chủ đầu tư (có bảo lãnh ngân hàng). Còn nếu thuê nhà thầu do chủ đầu tư chọn, theo khách hàng, nhiều nhà thầu không đảm bảo năng lực và giá hoàn thiện cũng khá cao.
Tương tự, tại dự án Mandarin Garden, chủ đầu tư lại “chơi khó” bằng cách khi khách hàng muốn hoàn thiện nhà, chủ đầu tư đã áp dụng quy định là khách hàng phải mua vật liệu như cát, gạch, xi măng của công ty do chủ đầu tư chỉ định từ trước. Nếu khách hàng tự mua sẽ gặp phải nhiều thủ tục phiền hà khi đem vào thi công. Tuy nhiên, giá thành bán vật liệu của đơn vị này cao hơn giá thị trường rất nhiều. Một số khu chung cư khác ở Hà Nội yêu cầu khách hàng nộp tiền làm vệ sinh do rơi vãi vật liệu xây dựng trong quá trình thi công với mức phí từ 2-5 triệu đồng. Thậm chí, tại nhiều dự án, đã xảy ra xung đột giữa các cư dân với nhau bởi việc hoàn thiện căn hộ khiến cả khu đô thị như một công trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống của những hộ dân dọn vào ở trước.
Sẽ thành dĩ vãng?
Không chỉ khách hàng mới gặp phải rắc rối với căn hộ xây thô, nhiều chủ đầu tư cũng nhức đầu không kém khi giao căn hộ cho khách hàng “tự tung tự tác”. Sự phức tạp về an ninh khi số lượng thợ đến sửa nhà đông, việc mất trật tự, ảnh hưởng đến môi trường sống chung của cả khu đô thị rất nghiêm trọng mà chủ đầu tư không quản lý nổi. Chưa hết, việc sửa chữa trong hàng trăm căn hộ mà chủ đầu tư không thể giám sát được còn dẫn đến tình trạng ảnh hưởng chung đến chất lượng kỹ thuật của tòa nhà như hệ thống đường ống nước, hệ thống điện, thang máy…
Nhiều chủ đầu tư đã tuyên bố “cạch” phương án bán nhà xây thô rồi để cho cư dân tự hoàn thiện sau khi nếm trải đủ mọi rắc rối từ việc không quản lý được khách đang hoàn thiện nhà, người đến trước lại khiếu kiện ban quản lý khi bị ảnh hưởng chất lượng sống…
Mua-bán nhà xây thô luôn gặp rắc rối cho cả người mua và chủ đầu tư.
|
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS, nhà chung cư là một loại hình nhà ở rất đặc thù, là một cộng đồng, do vậy mọi hoạt động phải thực hiện theo quy chế, không thể để người dân tự làm theo ý thích.
“Việc chủ đầu tư bán nhà cho khách hàng tự hoàn thiện chỉ nên tồn tại trong giai đoạn thị trường khó khăn, phải hạ giá bán, còn khi thị trường đã quay trở lại bình thường, thực sự là chủ đầu tư không nên khuyến khích. Có thể cho người mua nhà thay đổi các vật liệu hoàn thiện, thí dụ như tự lựa chọn màu sơn, tự lựa chọn các mẫu mã… nhưng chỉ ở một thời hạn nhất định nào đó, không thể có tình trạng trong một tòa nhà có 100 hộ thì có đến 100 tiến độ hoàn thiện, 100 đội công nhân sửa chữa... Điều này sẽ gây nên tình trạng khó chịu, bức xúc cho người vào ở trước” - ông Hà nhận định.
Khôi Nguyên
sài gòn đầu tư
|