Góc nhìn 05/02: Tín hiệu bán vẫn còn?
Tăng điểm phiên 04/02 nhưng đa số các chuyên gia công ty chứng khoán vẫn chưa có cái nhìn tích cực hơn với thị trường. Theo đó, đa số các chuyên gia cho rằng thị trường sẽ còn giảm nữa để có thể tìm lại những điểm cân bằng.
Khả năng tích cực trong các phiên tới
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Thị trường hoàn toàn bình thường. Sự hồi phục tích cực trở lại trong phiên giao dịch 04/02 cho thấy 15 phút cuối bán tháo mạnh mẽ của phiên 03/02 là sự bất thường.
Dòng tiền vẫn giao dịch hết sức dè dặt trong phiên do ám ảnh của diễn biến bất ngờ cuối phiên 03/02. Giao dịch cũng vì thế tiếp tục giữ ở mức rất thấp. Tuy vậy lượng cầu giá cao xuất hiện khá mạnh mẽ về cuối phiên tại hầu hết các mã là tín hiệu khá tích cực cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã ổn định và dòng tiền đang dần quay trở lại.
Phiên hồi phục 04/02 ngoài ý nghĩa về việc hai chỉ số được giữ thành công trên các mốc cản kỹ thuật còn giúp cho áp lực cắt lỗ giảm bớt khi tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn và áp lực giải chấp không còn đặt trong trạng thái căng thẳng, đặc biệt tại nhóm các cổ phiếu ngân hàng. Điều này giúp xu hướng thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục được cải thiện trong các phiên tới.
SHS tiếp tục giữ quan điểm hiện tại đang là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư trung hạn tiếp tục tiến hành giải ngân vào các cổ phiếu tốt.
Vùng hỗ trợ vẫn ở 540-545 điểm
CTCK Bảo Việt (BVS): Thị trường trở lại trạng thái giao dịch cân bằng hơn trong phiên 04/02. Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi bị bán mạnh trong phiên 03/02 đã có diễn biến tương đối phân hóa. Trong khi VCB, CTG và BID tiếp tục điều chỉnh nhẹ thì MBB và EIB lại tăng điểm khá tích cực. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu dầu khí với sự dẫn dắt của GAS và PVD cũng trở thành trụ cột vững chắc cho thị trường. BVH cũng là một cổ phiếu vốn hóa lớn có giao dịch nổi bật trong phiên 04/02 với hơn 50% lực cầu đến từ nhà đầu tư nước ngoài.
BVS cho rằng, vùng hỗ trợ gần của 2 chỉ số vẫn nằm tại 540-545 điểm đối với VN-Index và 80-81 điểm đối với HNX-Index. Đây tiếp tục được xem là điểm mua trading mang tính đo đáy với tỷ trọng thấp cho các vị thế ngắn hạn.
Xu hướng chính vẫn giảm
CTCK Sacombank (SBS): Phiên giao dịch 04/02 đã không còn lặp lại cú sốc cổ phiếu ngân hàng khi nhóm ngành này đã có sự hồi phục đáng kể ở một số mã thuộc ngân hàng thương mại như ACB, EIB, STB riêng VCB, CTG, BID vẫn tiếp tục giảm nhẹ.
Giá dầu thế giới tiếp tục phục hồi mạnh trên 52USD/thùng là tin tốt cho nhóm cổ phiếu dầu khí tăng trở lại. Lực cầu thị trường vào cuối phiên 04/02 tăng khá mạnh và đẩy thanh khoản xấp xỉ với phiên trước. Khối ngoại giao dịch khá cân bằng và bán ròng nhẹ khoảng 9.4 tỷ đồng tại HOSE.
Chỉ số VN-Index lấy lại được khoảng 4 điểm lên lại trên 560 điểm. Tín hiệu STO ngắn hạn cho thấy xu hướng chính vẫn giảm và đang gần đi vào vùng quá bán. Phiên hồi phục 04/02 chưa khẳng định VN-Index hoàn toàn hồi phục khi những cổ phiếu trụ lớn có ảnh hưởng đến chỉ số chung vẫn diễn biến khá phức tạp. Dù vậy nhìn về thanh khoản chung thị trường đã có sự ổn định trở lại dù thời điểm cuối năm dòng tiền có xu hướng yếu hơn. Việc giảm dần tỷ lệ margin là cần thiết và chỉ ưu tiên mua vào giới hạn. Một số cổ phiếu đã giảm về vùng hỗ trợ có khả năng tích lũy dần như DXG, KDC, HT1, KBC, SSI.
Cần thêm một vài phiên để tìm điểm cân bằng
CTCK MB (MBS): Sau 4 phiên giảm mạnh, thị trương bất ngờ hồi phục về cuối phiên 04/02 với lực đẩy chính là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như dầu khí và ngân hàng. Lực đẩy thị trường về cuối phiên được hỗ trợ khá lớn từ đà hồi phục của nhóm cổ phiếu ngân hàng như MBB, STB, EIB, ACB, SHB…đồng loạt tăng trở lại sau khoảng 3-4 phiên điều chỉnh của đợt tăng nóng vừa qua. Diễn biến này tác động khá tích cực tới tâm lý giao dịch chung toàn thị trường và có tác dụng kéo dòng tiền gia tăng trở lại về cuối phiên.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index kiểm nghiệm thành công hỗ trợ MA50 tương ứng vùng 560 điểm và của HNX-Index là vùng 83 điểm. Ngắn hạn, thị trường cần một vài phiên để tìm điểm cân bằng sau nhịp giảm vừa qua do đó MBS tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng và khuyến nghị nhà đầu tư giữ tỷ trọng danh mục an toàn ở mức 30% cổ phiếu và 70% tiền mặt. Với NĐT trung và dài hạn có thể xem xét gom mua cổ phiếu tốt tại các vùng thấp với nhóm ngành tham khảo như bất động sản, xây dựng – vật liệu (HLD, CVT, HUT, DXG, CII, KBC, NDN…), nhóm bluechip cơ bản (REE, HPG, FPT, PPC, SSI, VCB…), nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ giá (BCC, HT1, NT2…), nguyên liệu đầu vào giảm(PAC, SKG, TYA, PLC...), Xuất khẩu(TCM, TNG, TTF, APC...)
Có thể thêm 1 nhịp giảm nữa
CTCK Maritime (MSBS): Thị trường có phiên đảo chiều mạnh khi tăng từ mức thấp nhất 553 điểm lên trên 61điểm, tuy nhiên thanh khoản vẫn đang ở mức thấp, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn chưa cho tín hiệu đảo chiều thực sự thuyết phục. Thị trường nhiều khả năng chỉ là hồi phục kỹ thuật và có thể tiếp tục có thêm 1 nhịp giảm nữa.
MSBS khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng, hạn chế tham gia bắt đáy trading T+. Tiếp nối đà tăng điểm, ngày 05/02 chỉ số VN-Index có thể tăng mạnh vào đầu phiên sau đó áp lực bán ra sẽ lớn dần đẩy chỉ số giảm dần về cuối phiên, kết thúc phiên chỉ tăng nhẹ.
Đang cho tín hiệu bán
CTCK Ngân hàng Công Thương Việt Nam (CTS): VN-Index hồi phục tăng 3.98 điểm là mức tăng cao nhất trong phiên ngày 04/02. Tuy nhiên khối lượng giao dịch sụt giảm nên khả năng phiên hồi phục phiên 04/02 chỉ mang tính kỹ thuật. Đường MACD cắt xuống đường tín hiệu, cùng với việc đường giá cắt xuống MA30 cho thấy tín hiệu bán ra.
Chỉ số HNX cũng phục hồi 0.63 điểm song thanh khoản sụt giảm khá mạnh, gần 30% so với phiên 03/02 cho thấy phiên hồi 04/02 mang tính kỹ thuật. Khả năng giảm trong ngắn hạn vẫn còn. Đường MACD đã cắt xuống đường zezo, đường giá cắt xuống MA30 cho tín hiệu bán. Đặc biệt chỉ số Stochatic Oscillator tiếp tục giảm còn 10 điểm vào sâu trong vùng quá bán.
Duy Hoàng tổng hợp
|