Đà giảm vẫn còn, chưa nên bắt đáy?
Ngày giao dịch thứ hai sau khi Thông tư 36 được áp dụng đã có sự bất ngờ xảy ra với thị trường chứng khoán. Nhiều cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo, đẩy cả hai chỉ số giảm sâu.
* Nhịp đập Thị trường 03/02: Cổ phiếu Ngân hàng sàn hàng loạt
Những chuyên gia chứng khoán mà người viết trao đổi đều tỏ ra bất ngờ nhưng cũng có ý kiến cho rằng là do sức ép của dòng tiền.
Ông Nguyễn Hồng Điệp – Thành viên điều hành Môi giới và Tư vấn CTCK Vndirect (VND) nhìn nhận: “Thị trường phiên ngày 03/02 xuất hiện bán tháo mạnh ở phiên ATC với nhóm ngân hàng là nhân tố chủ đạo, đây là nhóm dẫn dắt trong thời gian gần đây nên sẽ cần nhiều thời gian để thị trường có thể phục hồi”.
Tác động mạnh nhất, theo ông Điệp là Thông tư 36 và được thể hiện rõ qua việc thiếu hụt dòng tiền cho vay của các công ty chứng khoán (CTCK), đặc biệt là đối với các cổ phiếu ngoài danh mục cho phép của UBCKNN.
Ảnh hưởng dòng tiền tại các CTCK làm hiệu ứng mua vào hay nói cách khác là lực cầu giảm sút, đồng thời tâm lý lo ngại dâng cao đã làm nhiều nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra nhằm thu hồi vốn cũng như hạn chế rủi ro. Lực bán tăng mạnh và tập trung vào những cổ phiếu có thanh khoản cao sẽ làm lực cầu đỡ giá khó chống đỡ. Nhóm các cổ phiếu ngân hàng là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp thừ Thông tư 36 bị bán ra mạnh nhất.
Điểm ảnh hưởng thứ hai là do rơi vào kỳ giáp Tết, tâm lý nghỉ Tết dài ngày cũng làm dòng tiền rút ra thị trường tăng cao hơn bình thường.
Theo đó, ông Điệp nhìn nhận thị trường trong một vài phiên tới khó có khả năng phục hồi ngay.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra yếu tố tích cực tác động là nhân tố vĩ mô. Cụ thể, thông tin ngân hàng yếu kém đang được xử lý bởi Ngân hàng nhà nước (mua lại Ngân hàng Xây dựng với giá chỉ 0 đồng) sẽ là thông tin tốt cho hệ thống ngân hàng, qua đó các ngân hàng lớn sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn và tác động tốt hơn đến nền kinh tế. Ngoài ra, Thông tư 36 sẽ giúp chống sở hữu chéo, qua đó giúp khối ngân hàng hoạt động lành mạnh hơn, góp phần đáng kể cho triển vọng trung và dài hạn.
Ông tin rằng sẽ sớm có những chính sách, phương thức thức khác nhau để thúc đẩy thị trường chứng khoán qua đó vấn đề thiếu hụt dòng tiền sẽ sớm được giải quyết.
Sự suy giảm như phiên 03/02 chỉ là ngắn hạn và phản ứng tức thì do Thông tư 36. Nhưng trong 3-6 tháng tới sẽ tích cực. Những người có tiền mặt cũng chưa nên giải ngân bắt đáy sớm và chờ đợi những chính sách mới tích cực hơn đối với vấn đề dòng tiền và việc tháo gỡ cho vay margin.
Còn ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS) tỏ ra khá bất ngờ trước đà giảm mạnh của thị trường kể từ sau 14h00 chiều nay (03/02). Các cổ phiếu ngân hàng bất ngờ bị bán khá mạnh đã khiến thị trường lao dốc. Trong phiên giao dịch tới, đà giảm của nhiều nhóm cổ phiếu này có thể vẫn tiếp diễn.
Về xu hướng thị trường trong các phiên tới, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Phòng Phân tích CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng diễn biến sẽ rất khó chịu. Nếu nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh thêm 1, 2 phiên nữa thì khả năng giải chấp sẽ rất cao, khi đó thị trường sẽ còn giảm mạnh hơn nữa. Song, nếu hai phiên tới mà thị trường có thể “cầm máu” thì áp lực short sell sẽ không xảy ra.
Trong bối cảnh tình hình thị trường đang mất kiểm soát như hiện nay, ông Lâm khuyến nghị nhà đầu tư nên đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng với tiền mặt và hạn chế tối đa việc bắt đáy.
Duy Hoàng - Sanh Tín
|