Thứ Sáu, 06/02/2015 18:26

“Chặn” nguy cơ tham nhũng trong các dự án ODA

Những biểu hiện tiêu cực, gian lận, tham nhũng trong các dự án ODA vẫn đang là thực trạng đáng lo ngại đối với cơ quan quản lý cũng như đối với các nhà tài trợ. Những nghi án tham nhũng, hối lộ trong các dự án sử dụng vốn ODA gây bức xúc, bất bình trong xã hội…

Nghi án hối lộ tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội (JTC) đang trong quá trình điều tra làm rõ. Ảnh: Thảo Nguyên

30 năm, 3 vụ tham nhũng

Trong gần 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, Việt Nam đã nhận được nguồn hỗ trợ ODA khoảng 80 tỷ USD. Một tỷ trọng lớn số tiền này được phân bổ cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - thường là những dự án lớn, phức tạp về kỹ thuật, thực hiện trong thời gian dài với nhiều bên liên quan nên dễ xảy ra các hành vi tham nhũng, gian lận.

Tuy nhiên, thực tế những vụ việc tham nhũng, gian lận được phát hiện và xử lý chưa tương xứng  với những đánh giá rủi ro trong lĩnh vực này. Cho đến nay, những vụ việc có tính điển hình liên quan đến ODA không nhiều. Mới chỉ có 3 vụ tham nhũng liên quan đến ODA bị phanh phui: Vụ tại Ban Quản lý các dự án (PMU18) thuộc Bộ Giao thông Vận tải năm 2005; vụ án nhận hối lộ tại Đại lộ Đông - Tây (PCI) năm 2008 và gần đây nhất là nghi án hối lộ tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội (JTC) đang trong quá trình điều tra làm rõ.

“Trong các dự án ODA hay lĩnh vực đầu tư công nói chung, các hành vi gian lận,tham nhũng có mối liên hệ chặt chẽ. Biểu hiện phố biến nhất là sự câu kết giữa các doanh nghiệp, các nhà thầu với chủ đầu tư và các bên liên quan, thôngqua việc hối lộ để giành lợi thế và những ưu đãi không chính đáng trong quá trình xem xét, quyết định danh mục đầu tư, trong hoạt động đấu thầu, mua sắm; hay nhằm che dấu những vi phạm, gian lận trong quá trinh thực hiện dự án nhằm đối phó với hoạt động thanh kiểm tra, giám sát và thanh quyết toán công trình”, Phó Tổng Thanh traTrần Đức Lượng nói.

Trong cả 3 vụ điển hình trên, những nghi vấn tham nhũng, sai phạm không phải do chủ đầu tư hay các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm quản lý nguồn vốn ODA phát hiện mà do báo chí nước ngoài đưa tin (vụ PCI và JTC) hay vụ PMU được cơ quan điều tra phát hiện từ một vụ án hình sự khác.

Trong khi đó, kết quả phát hiện các gian lận, tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán trong quá trình thực hiện các dự án ODA cho đến nay chưa có một tổng kết, đánh giá chuyên đề về vấn đề này.

Pháp lý, nhận thức về ODA đều… yếu

Nói về những cái khó trong việc phát hiện tham nhũng, gian lận trong lĩnh vực này, các chuyên gia cho rằng, ODA chủ yếu được điều chỉnh bởi Nghị định 38 CP/2013, quyết định của Thủ tướng, hướng dẫn của các bộ, ngành, địa phương và quy định của nhà tài trợ - mang yếu tố nước ngoài nhưng các quy định này phức tạp, phân tán, hiệu lực pháp lý thấp.

Việc "đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình" trong Nghị định 38 mới chỉ mang tính nguyên tắc mà chưa được cụ thể hóa hết vào quy trình ODA, dẫn đến chưa ngăn chặn tình trạng xin - cho, “cò dự án”, tiêu cực, tham nhũng.

Đáng chú ý, pháp lý về ODA đã và đang bộc lộ 2 điểm yếu rất cơ bản là: Quốc hội - cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công và người dân - chủ thể phải đóng thuế và là người trả nợ cuối cùng gần như đứng ngoài quy trình ODA.

Thêm vào đó, phần lớn ODA là tiền đi vay mà Việt Nam phải hoàn trả trong tương lai, nhưng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh từng bức xúc cho biết, một tỉ lệ không nhỏ cán bộ và người dân, đặc biệt là lãnh đạo địa phương còn hiểu một cách rất sơ đẳng rằng: ODA là cho không, vay được càng nhiều càng tốt, bất chấp khả năng trả nợ.

Chính vì vậy, các địa phương, bộ, ngành thường đặt mục tiêu phê duyệt ODA là ưu tiên cao nhất mà chưa chú trọng đúng mức tới yêu cầu phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, chứ chưa nói đến việc phải tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm toán, xử lý sai phạm tại các dự án sử dụng ODA.

Kiên quyết áp dụng các chế tài

Thực tế, tham nhũng trong các dự án ODA là vấn đề nhức nhối không chỉ của riêng Việt Nam. Các chuyên gia quốc tế và cả cơ quan quản lý của Việt Nam đều phải thừa nhận, phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực này rất khó phát hiện, là một thách thức trong quản trị công của Việt Nam.

Bà Conchita Carpio Morales, nguyên công tố viên TAND Tối cao Philippines cho rằng, phải tăng quyền cho cơ quan thanh tra. “Thanh tra là con hổ thực sự, không phải là con hổ không răng, có thể điều tra, xử lý đến cùng người có tội. Là một cơ quan đứng đầu về chống tham nhũng, Phòng Thanh tra ở Philippines ưu tiên cao nhất các khiếu kiện liên quan tới các quan chức cấp cao của Chính phủ và những vị trí giám sát, liên quan tới những buộc tội nghiêm trọng hoặc khoản tiền, tài sản lớn trên nguyên tắc không trừ một ai, không ai có thể cho rằng mình nằm ngoài tầm tay của luật phạp, kể cả những nhân viên của Phòng Thanh tra”, bà Conchita Carpio Morales cho biết.

Nhắc lại khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế về “bẫy ODA”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề xuất, cần tiến hành giám sát ODA, chỉ ra những khiếm khuyết trong chính sách, những nhóm lợi ích liên quan ở cả trong nước và nước tài trợ; phân tích những mặt lợi và bất lợi của ODA, từ đó đề xuất chiến lược sử dụng có chọn lọc theo lộ trình giảm dần, tiến đến chấm dứt ODA. “Bất cứ quốc gia nào, nếu phụ thuộc lâu dài vào ODA thì đó là thất bại của chiến lược phát triển”, bà Nga nói.

Còn Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng đề nghị, cần thay đổi nhận thức về ODA cả ở cấp bộ, ngành và các địa phương, phải thực sự thay đổi tâm lý coi ODA là nguồn “viện trợ không hoàn lại”, hoặc chí ít thì “đời mình chưa phải lo trả nợ”, dẫn đến tình trạng “lobby ODA” để được triển khai các dự án không thực sự cần thiết hoặc buông lỏng công tác giám sát, kiểm tra trong triển khai thực hiện dự án, dẫn đến những “dự án ODA đắt đỏ”, lãng phí nguồn lực, ít phát huy tác dụng trong thúc đẩy tăng trưởng.

“Phải tăng cường thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng ODA, từ khâu thẩm định, phê duyệt danh mục đầu tư, tới hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm. Đặc biệt, cần khuyến khích  sự tham gia giám sát của xã hội, cơ quan báo chí, truyền thông đối với các dự án đầu tư công nói chung và sử dụng nguồn vốn ODA nói riêng”, Phó Tổng Thanh tra lưu ý.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi vừayêu cầu các thành viên bộ, ngành xác định nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên làm thế nào để hạn chế tối đa tham nhũng, tiêu cực ở các dự ánODA. Qua đó tiếp tục thu hút, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn được dự báo là sẽ ngày càng khó khăn, hạn chế trong thời gian tới.

“Trong điều hành nhiệm vụ năm 2015 trở đi, cứ 6 tháng 1 lần, các Ban Quản lý, các chủ đầu tư trong báo cáo đánh giá về triển khai các dự án, phải có phần riêng báo cáo về kiểm soát tiêu cực và lãng phí như thế nào. Thấy có vấn đề gì có khả năng và nguy cơ như thông thầu, chạy thầu thì phải báo cáo ngay. Không để sự việc trôi đi, không xử lý để sai phạm có nguy cơ diễn ra”, Phó Thủ tướng nêu rõ.


Thảo Nguyên

Thanh Tra

Các tin tức khác

>   TPHCM: Cháy lớn ở 1 kho hàng (06/02/2015)

>   Thành phố Cần Thơ sẽ “dời đô” về khu nam (06/02/2015)

>   Trung Quốc “đánh” tham nhũng ngân hàng (06/02/2015)

>   Công ty bảo hiểm y tế lớn thứ hai của Mỹ bị tin tặc tấn công (05/02/2015)

>   Khởi tố GĐ phòng giao dịch Agribank "biến mất" cùng 17 tỷ (05/02/2015)

>   ‘Ai cũng hưởng lợi’ hay phát ngôn gây sốc của quan chức (05/02/2015)

>   Cổ đông ĐH Hoa Sen được chia cổ tức mức cao nhất (04/02/2015)

>   Bịt “lỗ rò” hành lang pháp lý (04/02/2015)

>   Hãng xe không giảm giá cước, Bộ trưởng Thăng kêu gọi tẩy chay (03/02/2015)

>   Cả nước giảm giá riêng Hà Nội đòi tăng cước (03/02/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật