Cả nước giảm giá riêng Hà Nội đòi tăng cước
Gần 50 doanh nghiệp taxi, xe khách ở Tp HCM, Đồng Tháp, An Giang vẫn chậm giảm giá cước, trong khi giá xăng của tháng 1 đã giảm hơn 12%. Đặc biệt, nhà xe Hà Nội còn đòi tăng giá cước dịp Tết.
Chiều 3/2, Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các tỉnh, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp chây ỳ, cần giảm ngay giá cước theo diễn biến giá xăng tháng 1, đặc biệt là Hà Nội và Hoà Bình.
Đáng chú ý nhất, ở Hà Nội, không chỉ có tình trạng không giảm cước mà một số nhà xe liên tỉnh Bắc- Nam còn đòi tăng giá cước dịp Tết.
Cụ thể, tại bến xe Giáp Bát ở Hà Nội, có 150 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách. Trong số này, một số tuyến vận tải cố định như Hà Nội - Hồ Chí Minh và tuyến Thanh Hoá - Hà Nội đã đề nghị phụ thu tăng giá cước trong dịp Tết 2015 với mức tăng đề nghị từ 20-60% trong khoảng thời gian 20 ngày trước và sau Tết.
Tương tự, tại Bến xe Nước Ngầm có 88 doanh nghiệp và hiện, một số tuyến vận tải cố định Hồ Chí Minh - Hà Nội và tuyến Quảng Ngãi - Hà Nội cũng đề nghị phụ thu tăng giá cước trong dịp Tết 2015 với mức tăng đề nghị là 40-60% trong khoảng thời gian 20 ngày trước và sau Tết.
Cùng chiều 3/2, đoàn công tác liên ngành về kiểm tra giá cước vận tải ô tô phía Nam đã có báo cáo kết quả làm việc tới Bộ Tài chính.
Qua kiểm tra 5 tỉnh, thành phía Nam, có khoảng 50 doanh nghiệp vận tải tập trung ở Tp HCM, Đồng Tháp, An Giang chậm giảm cước, chỉ giảm 1 lần sau đợt kiểm tra cuối năm ngoái. Một số ít trường hợp, sau khi Sở Tài chính và Sở GTVT lập đoàn kiểm tra trực tiếp doanh nghiệp thì mới chịu giảm lần 2 và giảm nhỏ giọt.
Cụ thể, tại Tp HCM hiện có 26 hãng taxi và 55 công ty xe khách đang hoạt động. Tính đến 30/1, hầu hết các DN đã kê khai giảm giá.
Tuy nhiên, chỉ có 14 công ty taxi giảm cước 3 lần. Lần gần đây nhất là giảm sau ngày giảm giá xăng hôm 21/1, với mức giảm giá từ 2,8%-13,3%, tức khoảng từ 500-2.000 đồng/km so với giá liền kề trước đó. Trong số này, có các tên tuổi như Mai Linh, Taxi Vinasun, taxi Phương Trang.
Với các hãng xe khách, cũng chỉ có 44 doanh nghiệp giảm cước 3 lần, mới mức giảm lần thứ 3 là từ 3%-10% cho tất cả các tuyến. Tại đây, có khoảng 11 doanh nghiệp xe khách và 20 hãng taxi chậm giảm cước, tần suất giảm chỉ 1 hoặc 2 lần, dưới sức ép của các đoàn kiểm tra liên bộ.
Tại Đồng Tháp, 18 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động đều đã giảm giảm cước trong năm 2014, trong đó, cước taxi giảm từ 4 -7,7%; vé xe xe buýt giảm từ 5 -7% và vé xe khách giảm từ 5 -11%.
Tuy nhiên, sang năm 2015, mới chỉ có 7 doanh nghiệp giảm cước theo mặt bằng mới của giá xăng dầu tháng 1. Mức giảm cước taxi từ 3,29 đến 5%, vé xe buýt giảm từ 5,8 - 8,3% và vé xe khách giảm từ 3 đến 6,9%. 11 doanh nghiệp vận tải ở tỉnh này vẫn chưa giảm cước lần hai.
Ở An Giang, hết tháng 1 năm nay cũng đã có 30 trên tổng số 39 doanh nghiệp vận tải ôtô giảm cước. Trong đó, 26 doanh nghiệp giảm giá cước vận tải từ 5-14% và 4 doanh nghiệp không giảm, do vẫn giữ nguyên giá cước từ năm 2012 đến nay. Còn lại, 9 doanh nghiệp vẫn không giảm cước, là các đơn vị kinh doanh vận chuyển theo hợp đồng và vận chuyển hàng hóa.
Các doanh nghiệp vận tải ở Kiên Giang, Đồng Nai nghiêm túc hơn trong việc điều chỉnh cước đảm bảo quyền lợi cho hành khách, mức giảm từ 3-20%.
Riêng ở Kiên Giang, đoàn công tác ghi nhận, 9 doanh nghiệp vận tải thuỷ bộ đã giảm cước từ 3,7-11,11%, 5/11 doanh nghiệp vận tải đường thuỷ giảm cước từ 1,92-14,29%. Tuy nhiên, công ty CP tàu Cao tốc Superdong Kiên Giang – đơn vị được độc quyền khai thác tuyến Rạch Giá- Phú Quốc lại có mức giảm thấp nhất từ 1,92-3,33%. 6 doanh nghiệp tàu thuỷ còn lại không giảm cước với lý do, giá cước vẫn giữ nguyên từ năm 2012 đến nay.
Bộ Tài chính cho biết đã yêu cầu các sở ngành địa phương phải kiểm tra gắt gao các doanh nghiệp, đề nghị giảm cước trên cơ sở giá xăng dầu tháng 1 đã giảm so với năm 2014 và cần thực hiện trước Tết Nguyên đán 2015. Các đơn vị cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế và quản lý tài chính, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách doanh nghiệp chậm kê khai giảm giá cước.
Qua 2 đợt điều chỉnh trong tháng 1, giá xăng đã giảm 2.210 đồng/lít, tương ứng giảm 12,3%. Giá dầu diezen giảm 1.820 đồng/lít, tức giảm tới 10,7%.
Phạm Huyền
vietnamnet
|