Thứ Bảy, 31/01/2015 22:06

Náo loạn tại đại hội toàn trường ĐH Hoa Sen

Sáng 31/01, Trường ĐH Hoa Sen tổ chức đại hội toàn trường để tổng kết năm học 2014, góp ý sửa đổi quy chế hoạt động, quy chế tài chính của trường.

* Diễn biến mới vụ kiện ở Trường Đại học Hoa Sen

ĐH Hoa Sen đề xuất thoái vốn, cổ đông phản ứng

Chưa công nhận HĐQT qua đại hội bất thường ĐH Hoa Sen

Đình chỉ tuyển sinh chương trình liên kết của Đại học Hoa Sen

Tranh cãi tính pháp lý

Đại hội được tổ chức theo quyết định 70/2014 (Điều lệ trường đại học) do Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 30.1.2015. Chủ trì đại hội là bà Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng, ông Trần Văn Tạo - chủ tịch hội đồng quản trị và ông Trần Trung Liệt - Ban kiểm soát.

Ngay mở đầu đại hội xảy ra tình trạng náo loạn do tranh cãi về tính pháp lý giữa các cổ đông và ban tổ chức.

Náo loạn dẫn tới cưỡng chế tại đại hội toàn trường ĐH Hoa Sen

Phía ban tổ chức đại hội cho biết toàn trường có 431 đại biểu đủ tư cách tham dự, trong đó có 353 đại biểu tham dự và được ủy quyền (có 269 cán bộ, giảng viên trong tổng số 270 cán bộ giảng viên toàn trường) chiếm tỉ lệ 81,9% đại biểu đủ tư cách tham dự. Vì vậy đại hội toàn trường là hợp pháp.

Ngay sau khi ban tổ chức công bố tính pháp lý và thể lệ làm việc, hai cổ đông là ông Nguyễn Trung Đức và bà Nguyễn Thị Hòa liền giật micro đòi phát biểu cho rằng đại hội này không hợp pháp.

Cổ đông Nguyễn Trung Đức cho rằng đại hội này là trái luật vì trước đó ngày 29.1, Sở GD-ĐT TP.HCM vừa ban hành văn bản nêu rõ, nếu ĐH Hoa Sen muốn hoạt động theo cơ chế trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận theo điều lệ trường ĐH mới, cần phải làm hồ sơ để Bộ GD-ĐT thẩm định, trình Thủ tướng chính phủ công nhận. Nay ĐH Hoa Sen chưa được Bộ thẩm định, Thủ tướng có quyết định công nhận đã vội vàng tổ chức đại hội là sai luật.

Vừa dứt lời, ông Đức bị 4 bảo vệ cưỡng ép khỏi đại hội gây ra không khí náo loạn. Cổ đông Nguyễn Thị Hòa phát biểu: Tôi đến với tư cách được mời là thành viên góp vốn.Và đại hội này chỉ đúng luật khi Bộ GD-ĐT thẩm định, Thủ tướng thông qua và ĐH Hoa Sen muốn trở thành đại học tư thục không vì lợi nhuận vào ngày 31.1 này phải được 75% tổng số góp vốn của các thành viên góp vốn thông qua. Xin nói thẳng Trường ĐH Hoa Sen là lợi nhuận vì từ năm 2007 đến nay năm nào cũng chia cổ tức, cổ phần thưởng…

Cổ đông Nguyễn Hồng Phong đặt câu hỏi với bà Bùi Trân Phượng, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản yều cầu Trường ĐH Hoa Sen làm đúng luật tại sao nhà trường không thông báo văn bản của Sở cho các thành viên, Trường nên làm đúng luật trước khi triển khai cái khác.

Một số cổ đông khác cũng gây náo loạn tranh cãi về quyền lợi, tính pháp lý và cho rằng chủ tọa đại hội nên giải thích đầy đủ những thắc mắc của cổ đông tránh tình trạng úp mở, lạc hướng.

Bà Bùi Trân Phượng cho biết: "Về tính pháp lý, tuy chưa có quyết định công nhận của Thủ tướng nhưng chúng tôi đã nhờ luật sư tư vấn. Vì vậy, đại hội này là hoàn toàn hợp pháp. Chúng tôi hoàn toàn tuân thủ theo quy định của Bộ GD-ĐT, đại biểu nào thắc mắc có thể nhờ cơ quan pháp luật can thiệp. Trường chúng tôi tuân thủ và hiểu rõ Điều lệ trường đại học".

Để đại hội diễn ra ổn định ban tổ chức phải nhờ đến lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt. Một số cổ đông khác vì bức xúc bỏ về trước khi phần chính đại hội chưa diễn ra.

“Phi lợi nhuận tôi mới góp vốn”

Tại đại hội vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận tiếp tục được nhiều cổ đông đặt lên hàng đầu. Cổ đông Nguyễn Công Đức (góp 6% vốn) cho rằng “ĐH Hoa Sen là đại học phi lợi nhuận từ lâu, tôi đầu tư vào trường vì phi lợi nhuận và không cần bàn về vấn đề này”.

Các đại biểu biểu quyết thông qua quy chế chức hoạt động và tài chính nội bộ ĐH Hoa Sen từ ngày 31.1.2015

Đại biểu Trương Quốc Tụy cho biết “trong thời gian dài Trường ĐH Hoa Sen đi rất vững chắc, nhưng một vài năm vừa qua có trục trặc. Các cổ đông đừng vì đồng tiền mà này nọ, lộn xộn, la lối, làm mất uy tín ĐH Hoa Sen là một tội ác”.

Tuy nhiên, một vấn đề khác cũng được cổ đông quan tâm là vấn đề ĐH Hoa Sen tiến hành khởi kiện nghị quyết đại hội cổ đông bất thường ngày 2.8.2014 trước đó của nhóm cổ đông 30% đã bị tòa đỉnh chỉ.

Ông Lê Ngọc Luân người đại diện theo ủy quyền cho vụ kiện của ĐH Hoa Sen cho biết, sau khi có đơn khởi kiện gửi tới tòa án về quyết định về đại hội cổ đông bất thường của nhóm cổ đông tiến hành ngày 2.8.2014 Tòa án đã ra thông báo thụ lý và có mời những khởi kiện lên để tham gia phiên tòa. Nhưng lúc mời (22.1.2015) ông bị bệnh (có bệnh án) và theo luật tòa chỉ hoãn buổi làm việc chứ không đình chỉ vụ kiện nhưng tòa lại ra quyết định đình chỉ. Hiện tại quyết định tòa án chưa có hiệu lực pháp lý vì vậy thứ 2 tới ông sẽ làm đơn kháng cáo.

Nhiều điểm mới trong quy chế tổ chức hoạt động và tài chính nội bộ ĐH Hoa Sen

Đại hội toàn trường ĐH Hoa Sen thông qua quy chế tổ chức hoạt động và tài chính nội bộ với nhiều điểm mới như:

Về quy chế hoạt động:

- Hội đồng quản trị tối thiểu 15 thành viên (trước đây 7 thành viên) gồm 1 đại diện cơ quan quản lý nhà nước, 3 đại diện góp vốn, Hiệu trưởng là thành viên đương nhiên, 5 thành viên đại diện cán bộ quản lý, giảng viên, 1 đại diện tổ chức Đảng, 1 đại diện Công đoàn, Chủ tịch hội đồng khoa học-đào tạo và các thành viên ngoài trường do HĐQT mời.

- Ban kiểm soát từ 3-5 người trong đó ít nhất 1 thành viên chuyên về kế toán, 1-2 đại diện cho góp vốn; 1-2 đại diện cho người lao động.

- Kể từ ngày 30/1/2015, trường đại học tư thực hoạt động không vì lợi nhuận sẽ không tổ chức Đại hội đồng cổ đông thay vào đó là tổ chức Đại học toàn trường.

- Trong trường nếu tổng cán bộ giàng viên hơn 300 người thì tiến cử đại biểu tham dự Đại hội toàn trường với số lượng đại biểu không ít hơn 75%.

- Đại hội toàn trường hợp lệ khi có ít nhất 75% số đại biểu quy định tham dự

- Quyết nghị đại hội thành công khi có 65% các thành viên dự họp chấp thuận

Về tài chính:

- Người lao động được nhận lương theo quy định khung lương và phúc lợi của trường.

- Nhận phụ cấp ổn định (chức vụ, trách nhiệm) và phụ cấp khác (cơm, đi lại, kiêm nhiệm).

- Đối với phụ cấp kiêm nhiệm tương ứng 30% lương căn bản và 100% phụ cấp cho trường hợp kiêm ngang; 100% phụ cấp chức vụ cho trường hợp kiêm nhiệm dọc; 25% mức lương bậc 1 cho vị trí kiêm nhiệm ở vị trí dọc bậc thấp.

- Thưởng tối đa 1 tháng lương 13 vào tết Nguyên Đán, trường hợp đặc biệt được thưởng 20 triệu.

- Mỗi nhân viên, giảng viên, nghiên cứu viên được chi 5 triệu đồng/năm đồng phục.

- Ban giám hiệu - Trưởng khoa – Chủ nhiệm môn được chi tiền điện thoại với các mức tương ứng 1.000.000-300.000-200.000/tháng.


Lê Huyền

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Bịa dự án trồng rừng 7-8 tỉ USD, lừa đảo cả tỉ đồng (31/01/2015)

>   Mua bán hóa đơn khống hưởng lợi bất chính hàng chục tỷ đồng (31/01/2015)

>   Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2015 (30/01/2015)

>   Diễn biến mới vụ kiện ở Trường Đại học Hoa Sen (30/01/2015)

>   Kho mỹ phẩm trôi nổi ở trung tâm TPHCM (30/01/2015)

>   Chi 24 tỷ phân làn rồi bỏ: Nên thừa nhận thất bại! (30/01/2015)

>   Bị đóng cửa, phạt tiền vì bán mỳ tôm "cắt cổ" tại sân bay (29/01/2015)

>   Bán đất xong, đòi tăng giá (29/01/2015)

>   4G là xu thế tất yếu của thị trường viễn thông VN (28/01/2015)

>   Bắt tạm giam nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc OceanBank (28/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật