Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Hỗ trợ sản xuất để tạo nguồn thu vững chắc
Theo dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 do Bộ Tài chính vừa công bố, tổng thu NSNN dự tính đạt 911,1 nghìn tỷ đồng; chi NSNN dự tính là 1.147,1 nghìn tỷ đồng; bội chi chiếm khoảng 5% GDP; nợ công chiếm 64% GDP...
Hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra là thách thức lớn của toàn ngành tài chính, bởi theo dự báo, nền kinh tế sẽ còn không ít khó khăn trong năm nay. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiều nhiệm vụ quan trọng như hoàn thành chỉ tiêu cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), bảo đảm nợ công ở ngưỡng an toàn và tìm nguồn bù đắp số giảm thu do giá dầu giảm… sẽ được ngành triển khai trong năm nay. Nhiều phương án đã được ngành tài chính chuẩn bị để ứng phó với những biến động của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp có môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi sẽ tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách. Ảnh: Gia Hiếu
|
- Thưa Bộ trưởng, nợ công là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận năm 2014. Vậy, ngành tài chính sẽ làm gì để kiểm soát các khoản nợ, qua đó bảo đảm an ninh tài chính quốc gia trong năm 2015?
- Thời gian qua, nợ công không chỉ được Quốc hội, Chính phủ, mà cả người dân cũng hết sức quan tâm. Bên cạnh những thành công đạt được trong công tác quản lý nợ công như bảo đảm bổ sung đầy đủ nguồn vốn cần thiết cho đầu tư phát triển, tạo thêm việc làm, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo..., hiện vẫn còn một số tồn tại trong công tác quản lý nợ như: Mức dư nợ công tăng cao, rủi ro thanh khoản/tái cấp vốn đối với danh mục nợ công lớn và vẫn còn tình trạng một số chương trình dự án gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Để tăng cường quản lý nợ công và kiểm soát các khoản nợ, qua đó bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Nội dung tập trung vào một số nhóm giải pháp: Quản lý chặt chẽ nợ công trong giới hạn cho phép; tập trung nguồn vốn có được từ nợ công cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng KT-XH quan trọng, thiết yếu; đồng thời tiếp tục cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và chi phí vay vốn. Đặc biệt là sẽ từng bước chủ động điều chỉnh cơ cấu NSNN theo hướng lành mạnh, tập trung thu nội địa, tiết kiệm, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư và bố trí đủ nguồn trả nợ. Trong năm 2015, Bộ Tài chính sẽ xây dựng đề án chương trình trung hạn về phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế nhằm tăng cường huy động vốn vay dài hạn để tái cơ cấu các khoản nợ ngắn hạn và giảm chi phí vay nợ.
- Theo kế hoạch sắp xếp, CPH đã được duyệt, trong giai đoạn 2014-2015 cả nước sẽ thực hiện CPH 432 DN. Tính đến cuối năm 2014, chúng ta mới sắp xếp 167 DN. Như vậy, công việc còn lại của năm 2015 khá bộn bề, liệu mục tiêu này có được hoàn thành đúng thời hạn?
- Năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 167 DN, tăng gấp 1,65 lần năm 2013; trong đó, CPH 143 DN, tăng gấp gần 2 lần năm 2013. Quá trình sắp xếp, CPH thời gian qua vẫn còn chậm so với yêu cầu là do một số đơn vị chưa chỉ đạo quyết liệt. Để hoàn thành mục tiêu của Chính phủ, trong năm nay những biện pháp mạnh sẽ được thực hiện. Đối với DN đã được phê duyệt kế hoạch sắp xếp, CPH trong giai đoạn 2014-2015, phải thành lập ngay Ban chỉ đạo CPH, tổ chức xác định giá trị DN, phấn đấu phê duyệt xong toàn bộ phương án CPH trong năm 2015. Các đơn vị tiếp tục thực hiện rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình theo quy định để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, qua đó đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DN.
- Theo công bố của Bộ Tài chính, dự toán thu NSNN năm 2015 là 911,1 nghìn tỷ đồng, trong khi đó giá dầu thô thế giới đang có chiều hướng tiếp tục giảm mạnh. Vậy, dự toán NSNN có bị ảnh hưởng và giải pháp nào sẽ được thực hiện để bù đắp khoản giảm thu, thưa Bộ trưởng?
- Theo tính toán của chúng tôi, tổng số thu ngân sách có liên quan trực tiếp/gián tiếp đến yếu tố giá dầu chiếm xấp xỉ 20% dự toán thu NSNN năm 2015. Theo đó, nếu loại trừ tác động của các yếu tố như giá bán, thuế suất thuế xuất nhập khẩu dầu thô và các mặt hàng xăng dầu... thì sự biến động tăng/giảm giá dầu thô 1 USD/thùng sẽ tác động tương ứng đến thu NSNN khoảng 2.000 tỷ đồng.
Nhìn nhận một cách khách quan thì giá dầu thô giảm có tác động hai chiều đến nền kinh tế và thu NSNN. Một mặt, giá dầu ở mức thấp sẽ góp phần làm giảm chi phí đầu vào của nền kinh tế, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nguồn thu cho NSNN. Mặt khác, giá dầu giảm có ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác các mỏ dầu, nhất là các mỏ có giá thành cao hơn hoặc bằng giá bán, làm giảm nguồn thu NSNN trực tiếp từ hoạt động sản xuất dầu thô và thuế nhập khẩu xăng dầu. Do vậy, trong chỉ đạo điều hành sẽ phải lưu ý khai thác khía cạnh tích cực, hạn chế ảnh hưởng không có lợi của việc giá dầu giảm đến nền kinh tế nói chung và hoạt động thu, chi NSNN nói riêng.
Để hạn chế tác động của việc giá dầu thô giảm đến số thu ngân sách, Bộ Tài chính đã, đang theo dõi chặt chẽ diễn biến giá dầu thô, kịp thời điều chỉnh các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng dầu phù hợp với biến động giá của các mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới, góp phần ổn định giá xăng dầu trong nước và hạn chế số giảm thu ngân sách. Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan và cơ quan tài chính các cấp ở địa phương tập trung triển khai công tác thu NSNN năm 2015 ngay từ đầu năm nhằm hoàn thành ở mức cao nhất dự toán thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu để bù đắp số giảm thu từ dầu thô.
Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành và địa phương đặc biệt chú ý đến việc thực hiện các giải pháp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, hoàn thành các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2015, qua đó tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN. Tôi tin rằng, với sự đồng thuận cao, nhiệm vụ thu NSNN năm 2015 sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Hương Ly
hà nội mới
|