Thứ Tư, 25/02/2015 15:36

Thiệt đơn thiệt kép vì… không phải chịu thuế!

Theo luật mới, mặt hàng phân bón không phải chịu thuế GTGT, nhưng doanh nghiệp phân bón và ý kiến chuyên gia cho rằng quy định tưởng như có lợi này khiến doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép!

 

Ảnh minh họa

Tháng 11/2014, Quốc hội ban hành luật thuế sửa đổi, bổ sung, chuyển 3 nhóm mặt hàng thuộc diện áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) với thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT, gồm phân bón, thức ăn chăn nuôi, máy móc và thiết bị chuyên dùng trong nông nghiệp. Mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra.

Quy định này được kỳ vọng giúp giảm chi phí đầu vào cho nhà sản xuất, để các sản phẩm vật tư nông nghiệp này được bán cho nông dân với giá thấp hơn. Mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị UBND các tỉnh, TP có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh phân bón rà soát chi phí đầu vào, thực hiện giảm giá phân bón, thức ăn chăn nuôi. Nhưng thực tế dường như đang diễn ra khác với dự định.

Ý kiến doanh nghiệp gửi tới Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia cho biết đề nghị cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh, gỡ khó cho doanh nghiệp, theo hướng nên để phân bón trong danh mục “mặt hàng chịu thuế GTGT bằng 0%” thay vì “không phải chịu thuế GTGT”.

Theo doanh nghiệp, điểm chung giữa thuế VAT 0% và không đánh thuế VAT là doanh nghiệp không phải thực hiện nộp thuế. Nhưng nếu thuộc khung thuế suất VAT 0%, doanh nghiệp vẫn là đối tượng chịu thuế nên phải kê khai thuế VAT đầu ra và được hoàn thuế VAT đầu vào. Còn khi thuộc đối tượng không chịu thuế VAT thì doanh nghiệp bán phân bón trong nước cũng không được hoàn thuế GTGT đầu vào, vì thế giá thành sản xuất có thể tăng lên.

Trên báo chí, phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, ông Hoàng Văn Tại - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển cho rằng nếu thực hiện theo luật mới này thì doanh nghiệp không những chẳng hỗ trợ được gì mà còn bị thiệt rất nhiều.

Bởi từ trước tới nay, các doanh nghiệp sản xuất phân bón chịu thuế đầu vào 10% (than, điện, phụ gia, vỏ bao, chi phí quản lý, bán hàng…), thuế đầu ra là 5%, bao giờ cũng có chênh lệch thuế đầu vào-thuế đầu ra và doanh nghiệp được hoàn thuế. Có như vậy doanh nghiệp mới giữ được giá bán như thời gian qua. Giờ nếu áp dụng quy định mới, mặt hàng phân bón là đối tượng không phải chịu thuế GTGT thì doanh nghiệp sẽ không được hoàn thuế, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tự hạch toán hàng chục tỷ đồng do thuế đầu vào cao.

Một khi phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT bằng 0%, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế khi có khoản chênh lệch thuế đầu vào-đầu ra, nhờ vậy giá thành sản phẩm mới có điều kiện giảm xuống, nông dân mới được hưởng lợi.

Riêng với năm 2014, theo Thông tư 219 năm 2013 của Bộ Tài chính, việc khấu trừ được tính trong trường hợp lũy kế ít nhất 12 tháng mới được làm hồ sơ để hoàn thuế. Nhưng từ ngày 1/1/2015 thực hiện quy định mới, như vậy năm 2014, thời gian tính chưa đủ 12 tháng, nếu áp theo luật thuế thì doanh nghiệp phải tự hạch toán toàn bộ số tiền thuế chênh lệch.

Ông Hoàng Văn Tại cho biết nếu áp dụng luật thuế mới, Công ty Văn Điển sẽ bị mất 15 tỷ đồng tiền hoàn thuế trong năm 2014. Công ty đề nghị Bộ Tài Chính vẫn cho doanh nghiệp hoàn thuế trong năm 2014 dù chưa đủ thời gian 12 tháng như quy định trong Thông tư 219.

Doanh nghiệp nội “thiệt đơn thiệt kép”

Quan điểm của các doanh nghiệp nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế. GS Nguyễn Quang Thái và chuyên gia kinh tế Bùi Trinh trong một bài viết gửi tới Báo điện tử Chính phủ cho rằng, trong sản phẩm phân bón bao gồm rất nhiều các loại thuế nằm lẫn trong chi phí đầu vào. Khi phân bón không phải chịu thuế VAT (tức không được hoàn thuế) thì các doanh nghiệp thậm chí còn thiệt thòi hơn cả khi chịu một mức thuế suất nào đó.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI thường thuộc loại ưu đãi thứ nhất, chỉ làm gia công ở Việt Nam với giá trị nguyên vật liệu của người đặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài, sau khi gia công ở Việt Nam lại được ưu đãi tiếp do các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng mức thuế suất 0%, dẫn tới được khấu trừ thuế VAT cho chi phí đầu vào. “Như vậy các doanh nghiệp FDI được lợi kép và các doanh nghiệp nội thiệt đơn thiệt kép”, hai vị chuyên gia nhận định.

Do đó, để thực sự hỗ trợ ngành nông nghiệp, thì các ngành sản xuất các sản phẩm làm đầu vào cho nông nghiệp như phân bón cần phải được ưu đãi ở mức thuế suất bằng 0, giá của các sản phẩm này mới hạ và từ đó lan tỏa đến các ngành trong nền kinh tế.

Cũng theo các chuyên gia trên, kết quả tính toán từ mô hình cho thấy khi thuế sản xuất của các ngành phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc, dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến sản phẩm nông nghiệp và thủy sản giảm 5% sẽ làm tổng chi phí trung gian của toàn nền kinh tế giảm 2,3%, chỉ số giá sản xuất (P.P.I) giảm 1,4%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 1,5%, tổng giá trị gia tăng (GVA/GDP) tăng xấp xỉ 2% và nguồn thu thuế sản xuất tăng 1% do toàn nền kinh tế tăng trưởng.

Chính sách thuế như quy định mới còn triệt tiêu động cơ đầu tư để làm các sản phẩm phụ trợ, vì sản phẩm phụ trợ đương nhiên phải bán trong nước, ngành nọ bán sản phẩm cho ngành kia làm chi phí đầu vào. “Tình hình hiện nay cho thấy rất cần một chính sách sòng phẳng đối với các doanh nghiệp nội”, các chuyên gia nhận định.

Hà Chính

chính phủ

Các tin tức khác

>   Ngành tài chính đau đầu vì nhiều doanh nghiệp "thi gan" nợ thuế (24/02/2015)

>   Dự toán NSNN 2015: Giảm dần bội chi, giữ vững an ninh tài chính (23/02/2015)

>   Thu ngân sách nhà nước: Thực trạng 2014 và dự báo 2015 (22/02/2015)

>   Thuế điện tử "phủ sóng" cả nước (21/02/2015)

>   Lộ trình cắt giảm thuế quan trong các FTA: Tác động hai chiều (20/02/2015)

>   Ngành Tài chính: Cam kết đi tiên phong trong cải cách TTHC (19/02/2015)

>   Ngành công nghiệp hỗ trợ được hưởng thuế ưu đãi 10% (16/02/2015)

>   Thúc đẩy tăng thu ngân sách (16/02/2015)

>   Phạt chậm nộp thuế 0,05%/ngày (16/02/2015)

>   Quy định mới về thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân (15/02/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật