Thu ngân sách nhà nước: Thực trạng 2014 và dự báo 2015
Tốc độ tăng GDP cả năm 2014 đã vượt kế hoạch đề ra và đạt tới 5,98, CPI bình quân năm dừng lại ở mức tăng 4,09% hàng loạt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội vĩ mô đã được cải thiện tốt... tất cả đang làm cho tình hình thu NSNN năm 2014 tiếp tục duy trì thành tích “đạt và vượt dự toán”.
Thu NSNN tiếp tục vượt so với dự toán
Lường trước những khó khăn kinh tế có thể tác động tới nguồn thu NSNN, nên dự toán tổng thu NSNN năm 2014 đã thấp hơn 4,8% so với con số thực hiện năm 2013, song thực tế số thu NSNN năm 2014 không những vượt 8,1% so với dự toán, mà còn cao hơn tới 24.400 tỷ đồng so với năm trước.
Nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi các khoản thu lớn đều vượt so với dự toán.
Mặc dù trong năm 2014 vẫn duy trì một số ưu đãi về thuế phí, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, song một mặt nhờ số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 7,1% so với năm 2013, đạt con số 15.419 doanh nghiệp, cùng với 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, và dù vẫn có tới 67.823 doanh nghiệp phải giải thể hoặc dừng hoạt động, kết cục tổng số thu thuế và phí năm 2014 vẫn đạt tới trên 800 ngàn tỷ đồng, hơn 8,1% so với dự toán và tăng 4,7% so với thực hiện năm 2013.
Theo đó, tỷ trọng thu thuế phí trong tổng thu NSNN năm 2014 tiếp tục xu hướng tăng và đạt xấp xỉ 94,8% (cao hơn so với con số tương ứng 93,2% năm 2013). Bên cạnh đó, nỗ lực đốc thu và chống thất thu cũng như chống nợ đọng thuế suốt năm 2014, cả ở cấp Trung ương cũng như cấp địa phương, đã hỗ trợ tích cực, đảm bảo hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ thu nộp NSNN.
Thực tế thu NSNN năm 2014 là tiền đề quan trọng để xây dựng dự toán và triển khai thực hiện dự toán thu NSNN năm 2015.
Với dự toán thu NSNN tăng khoảng 7,6% so với thực hiện năm 2014 trong bối cảnh giá dầu thô được dự báo có thể xuống tới 40 USD/thùng và dự toán năm 2015 tương tự như năm 2014, thì việc đạt và vượt dự toán thu NSNN năm 2015 thật không dễ dàng.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá dầu thô sụt giảm có thể làm NSNN hụt thu từ 7.500 tỷ đồng đến 11.500 tỷ đồng tuỳ theo kịch bản giá dầu thô bình quân tương ứng từ 60 USD/thùng hay 40 USD/thùng.
Tuy vậy, triển vọng thu NSNN vẫn được bảo đảm bởi các yếu tố tích cực không kém phần quan trọng, như: khả năng tăng trưởng kinh tế cao hơn so với năm 2014 với GDP tăng khoảng 6,2%, lạm phát được kiềm chế ở mức khoảng 5%.
Hơn nữa, kinh tế phục hồi với sự hỗ trợ của giảm chi phí năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng là điều kiện tốt để tăng tổng cầu đầu tư và tổng cầu tiêu dùng.
Dĩ nhiên, những cố gắng nỗ lực thu NSNN của ngành Tài chính trong năm 2015 sẽ còn phải cao hơn so với năm 2014.
Một điểm cần lưu ý là theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ huy động NSNN năm 2014 là 20,5% GDP với qui mô GDP trên 4,2 triệu tỷ đồng, nhưng thực tế GDP chỉ xấp xỉ 4 triệu tỷ đồng, nên gánh nặng huy động NSNN năm 2014 lên đến 21,5% GDP tuy đã thấp hơn con số tương ứng 22,9% GDP thực hiện năm 2013 nhưng vẫn cần đảm bảo trong thực tế không cao hơn so với mức dự toán thu 20,3% GDP năm 2015.
Điểm sáng thu từ xuất khẩu và nhập khẩu
Bên cạnh thành tích kiềm chế lạm phát, xuất khẩu và nhập khẩu đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2014. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt kỷ lục xấp xỉ 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 48,4 tỷ USD, tăng 10,4%, mức tăng cao nhất từ năm 2012 đến nay, còn khu vực FDI xuất khẩu được 101,6 tỷ USD, tăng 15,2% (xuất khẩu 94,4 tỷ USD không kể dầu thô, tăng 16,7%).
Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2014 tăng 9,1%.
Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2014, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 66,5 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 44,3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu và nhóm hàng công nghiệp nhẹ đạt 57,9 tỷ USD, tăng 15,9% và chiếm 38,6%, còn nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước 17,8 tỷ USD, tăng 11,4% và chiếm 11,9%.
Tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước, trong đó khu vực FDI nhập khẩu 84,5 tỷ USD, tăng 13,6% còn khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 63,5 tỷ USD, tăng 10,2%. Trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất là 135 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2013, chiếm tỷ trọng lớn nhất với 91,2%, trong đó nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải, phụ tùng đạt 55,6 tỷ USD, tăng 10,1% và chiếm 37,6%; nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu đạt 79,4 tỷ USD, tăng 14,3% và chiếm 53,6% còn nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng nhập khẩu 13,1 tỷ USD, tăng 9,3% và chiếm tỷ trọng 8,8%.
Chính vì vậy, thu cân đối từ xuất - nhập khẩu vượt 4,4% so với dự toán và vượt tới 23,8% so với thực hiện năm 2013, đưa tỷ trọng thu từ xuất - nhập khẩu tăng từ 15,8% năm 2013 lên 18,9% tổng thu NSNN năm 2014.
Tốc độ tăng thu vượt dự toán trên 4% thể hiện ở cả hai khoản thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu là Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường hàng nhập khẩu, cũng như thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu (trừ 70.000 tỷ đồng hoàn thuế GTGT theo dự toán).
Triển vọng xuất khẩu năm 2015 được dự báo khả quan với tốc độ tăng tổng kim ngạch trên 10% và nhập khẩu tiếp tục được kiểm soát tốt đi đôi với tăng cường chống buôn lậu, cơ cấu lại hàng hoá và thị trường xuất - nhập khẩu đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu… thì chắc chắn thu NSNN từ xuất - nhập khẩu năm 2015 sẽ vượt con số dự toán là 175 ngàn tỷ đồng, tăng 8,8% so với thực hiện năm 2014.
Thách thức thu từ dầu thô
Khoản thu lớn đáng quan tâm nhất trong năm 2014 chính là thu từ dầu thô, do giá dự toán từ đầu năm tới 100 USD/thùng, nhưng từ tháng 7/2014 giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm, thậm chí xuống dưới 60 USD/thùng vào cuối năm.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số thu từ dầu thô năm 2014 không những không giảm, mà vẫn đạt 107 ngàn tỷ đồng, vượt tới 25,6% so với dự toán, tuy thấp hơn 13.000 tỷ đồng so với số thu thực hiện năm 2013, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng khai thác dầu thô năm 2014 phải đẩy cao hơn so với năm 2013.
Kim ngạch xuất khẩu dầu thô biến động mạnh chủ yếu do tác động của giá xuất khẩu, trong khi sản lượng khai thác có xu hướng giảm dần từ đỉnh cao 19,5 triệu tấn năm 2004 xuống đáy khoảng 8 triệu tấn từ năm 2010, riêng năm 2012 và 2014 nỗ lực khai thác được trên 9 triệu tấn.
Do hạn chế về khả năng khai thác và sự tiến bộ vượt bậc của xuất khẩu hàng hoá phi dầu mỏ, nên tỷ trọng của dầu thô trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng giảm rõ rệt từ gần ¼ năm 2000 xuống còn hơn 7% giai đoạn 2010-2012, thậm chí chỉ còn chiếm trên dưới 5% giai đoạn 2013-2014.
Theo cơ chế thu NSNN từ dầu thô, qui mô đóng góp của dầu thô vào NSNN đã tăng liên tục từ 26,5 ngàn tỷ đồng năm 2002 lên đến kỷ lục 89,6 ngàn tỷ đồng năm 2008 rồi lại giảm xuống trong hai năm 2009-2010 trước khi tăng vọt lên trên 140 ngàn tỷ đồng năm 2012 và duy trì ở mức trên 100 ngàn tỷ đồng những năm 2013-2014. Ngay hai năm gần đây, so với dự toán, thu NSNN từ dầu thô cũng vượt tới trên 20%.
Trong thu NSNN hiện nay, khoản thu từ dầu thô được thể hiện từ hai khoản thuế thu từ khu vực có vốn FDI là thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế Tài nguyên.
Số liệu thu NSNN năm 2014 cho thấy, nếu khu vực FDI đóng góp 27,5% trong tổng số 846.400 tỷ đồng thu NSNN (tương đương 20,05% GDP), thì riêng thu từ dầu thô chiếm 46% tổng thu từ khu vực này.
Trong 107.000 tỷ đồng thu từ dầu thô, thuế TNDN chiếm 72,2% còn thuế tài nguyên chiếm 27,8%, theo đó, thuế TNDN từ dầu thô chiếm 35% tổng số thu thuế TNDN và 55,9% tổng số thu thuế TNDN từ khu vực FDI. Các con số tương ứng đối với thuế tài nguyên lần lượt là 74,6% và 98,5%.
Hơn nữa, thuế TNDN là sắc thuế quan trọng nhất với tỷ trọng khoảng 26% tổng thu NSNN còn thuế tài nguyên dự báo năm 2015 cũng đóng góp gần 5% tổng thu NSNN.
Rõ ràng, tuy vai trò của khai thác và xuất khẩu dầu thô đối với nền kinh tế giảm xuống, kéo theo tỷ trọng thu NSNN từ dầu thô cũng có xu hướng giảm rõ rệt với tốc độ giảm có chậm hơn, song khai thác và xuất khẩu dầu thô nói chung, thu NSNN từ dầu thô nói riêng, vẫn đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí là cứu cánh trong một số giai đoạn phát triển của đất nước. Chẳng hạn, suốt giai đoạn 2002-2008, dầu thô liên tục đóng góp từ 20% đến 30% tổng thu NSNN (Biểu đồ 3).
Dự báo năm 2015 – Yếu tố giá dầu vẫn là ẩn số lớn
Dự báo thu NSNN từ dầu thô năm 2015 khó có thể đạt dự toán thu 93.000 tỷ đồng do việc tăng sản lượng khai thác không dễ dàng, thậm chí còn cần giảm sản lượng khai thác do diễn biến giá cả không thuận lợi.
Tuy nhiên, tổng thu NSNN vẫn có thể đạt dự toán do có thêm các khoản thu khác bù đắp cho hụt thu từ khai thác và xuất khẩu dầu thô.
Theo ước lượng của chúng tôi, hụt thu NSNN do giá xuất khẩu dầu thô giảm sẽ dao động trong khoảng 13.950 tỷ - 32.550 tỷ đồng trong khi qui mô thiệt hại của nền kinh tế do giá dầu thô giảm lại lên đến 2,8 tỷ - 4,2 tỷ USD do không những không giảm mà còn tăng sản lượng khai thác.
Trước hết, cần khẳng định là giá dầu thô giảm, theo đó giá xăng dầu giảm có tác động tích cực tới sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2015 dưới 5%, nhờ đó, thu NSNN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu phi dầu thô có thể tăng bù đắp cho khoản hụt thu từ khai thác và xuất khẩu dầu thô cũng như từ nhập khẩu xăng dầu thành phẩm.
Thậm chí, nhờ lạm phát có xu hướng giảm, nên tỷ lệ thu NSNN trong cơ cấu giá cả nhiều hàng hoá dịch vụ có điều kiện tăng lên.
Tuy nhiên, một lần nữa, vấn đề bất cập trong cơ cấu thu NSNN lại được đặt ra thể hiện nguy cơ thiếu bền vững do cơ cấu thu NSNN chưa hợp lý khi nguồn thu NSNN vẫn dựa rất lớn vào thu từ khai thác tài nguyên và hoạt động xuất - nhập khẩu, những lĩnh vực phụ thuộc rất nhiều vào biến động trên thị trường quốc tế, đồng thời làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên lẫn tài nguyên sức lao động và nguồn lực tài chính.
Rõ ràng, tính bền vững thu NSNN chỉ tăng lên khi cơ cấu thu NSNN chuyển dịch dựa chủ yếu vào thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Thu từ dầu thô gồm thuế tài nguyên và thuế TNDN vẫn chiếm tỷ lệ 10,2% trong dự toán thu NSNN năm 2015 với 93.000 tỷ đồng, tuy đã giảm so với tỷ lệ 12,6% tổng thu NSNN thực hiện năm 2014, song con số hụt thu có thể xảy ra nhất định ảnh hưởng mạnh tới khả năng thực hiện dự toán thu NSNN năm 2015, thậm chí gây ra thay đổi nhất định trong cơ cấu thu NSNN một cách bị động.
Trên đây chưa kể các khoản thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) hàng nhập khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường (BVMT) hàng nhập khẩu vốn chịu tác động mạnh của giá xăng dầu nhập khẩu cũng chiếm tới 19,2% tổng dự toán thu NSNN năm 2015.
Biến động trực tiếp trong qui mô và cơ cấu thu NSNN năm 2015 do ảnh hưởng của khả năng giá dầu thô và xăng dầu giảm sâu sẽ gây hậu quả xấu hơn trong bối cảnh các nhiệm vụ chi theo dự toán đều không thể trì hoãn với nhu cầu chi vẫn tăng lên, cả chi đầu tư phát triển lẫn chi thường xuyên và chi trả nợ. Rõ ràng, muốn đảm bảo các nhiệm vụ chi NSNN theo dự toán năm 2015 đồng thời không làm tăng qui mô thâm hụt NSNN đã được Quốc hội phê duyệt, thì gánh nặng khai thác nguồn thu đủ bù đắp khoản hụt thu do giảm giá dầu thô và xăng dầu được đặt lên vai Chính phủ và Bộ Tài chính.
Trong khi vẫn chưa có chiến lược và kế hoạch bài bản cơ cấu lại nguồn thu NSNN thì sự chuyển dịch cơ cấu thu NSNN bị động năm 2015 buộc các cơ quan chức năng phải tìm kiếm các giải pháp đối phó.
Trước hết, Bộ Tài chính cần lập các phương án qui mô hụt thu khác nhau tương ứng với từng giả định về giá dầu thô và giá xăng dầu năm 2015, cả giá bình quân cũng như giá cho từng giai đoạn theo tháng và theo quí.
Thứ hai, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan có liên quan phân tích, đánh giá toàn diện tác động của từng phương án giá dầu thô (và cả giá xăng dầu thành phẩm) đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước tới hoạt động xuất - nhập khẩu, tiêu dùng trong nước để xây dựng các phương án thu NSNN cụ thể dựa trên dự báo tổng nguồn thu và chuyển dịch cơ cấu nguồn thu.
Thứ ba, trên cơ sở dự báo qui mô và tiến độ hụt thu càng chính xác càng tốt, Bộ Tài chính cần chủ động đề xuất phương án bù đắp thiếu hụt nguồn thu tạm thời và không tạm thời từ khai thác các nguồn thu khác, kể cả tăng cường chống thất thu NSNN đồng thời điều chỉnh tiến độ chi NSNN cho phù hợp.
Thứ tư, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan chức năng tính toán khả năng không những không đẩy mạnh khai thác và xuất khẩu dầu thô.
Đồng thời, cân nhắc tăng nhập khẩu xăng dầu không phải là nhằm lấy tăng lượng bù cho giảm giá đảm bảo thu đủ NSNN, mà ngược lại phải lấy lợi ích quốc gia làm trọng thông qua giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô, nhất là tại những địa điểm đã có chi phí khai thác cao hơn so với giá xuất khẩu để tránh bán rẻ nguồn tài nguyên quí giá không thể tái tạo của đất nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương cần trình Chính phủ các phương án tranh thủ lúc giá dầu thấp để tích trữ xăng dầu thành phẩm, cả từ nguồn nhập khẩu và lọc hoá dầu trong nước phục vụ lợi ích trung hạn của quốc gia. Dĩ nhiên, các phương án này phải dựa trên những phân tích và dự báo thị trường chuẩn xác, có độ tin cậy cao, đồng thời không vì giá dầu giảm mà buông lỏng quản lý, sử dụng xăng dầu tiết kiệm và hiệu quả.
Tóm lại, biến động giá dầu là yếu tố khách quan từ thị trường thế giới trong khi Việt Nam chịu tác động cả với vai trò nhà xuất khẩu dầu thô lẫn nhà nhập khẩu và sản xuất xăng dầu thành phẩm. Tác động tổng hợp của biến động giá dầu thế giới tới kinh tế nước ta nói chung, tới thu NSNN nói riêng, cần được tính toán nghiêm túc, cụ thể, dựa trên cơ sở khoa học thật sự, tránh cảm tính, kể cả cảm tính tích cực, bốc đồng cũng như tiêu cực, hoảng hốt thái quá. Thêm một lần nữa chúng ta có cơ hội và căn cứ thúc đẩy cơ cấu lại thu NSNN đảm bảo tính bền vững hơn. Dường như đó mới chính là khía cạnh quan trọng nhất trong thu NSNN năm 2015 và các năm tiếp theo./.
Tài liệu tham khảo:
Bộ Tài chính (2014). Báo cáo tổng kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2014
Tổng cục Thống kê (2014). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014
TS. Vũ Đình Ánh
Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 4/2015
kinh tế & dự báo
|