Vietstock Daily 29/01: Lại nổi sóng Ngân hàng trước khi áp dụng Thông tư 36
Sóng ở nhóm cổ phiếu Ngân hàng trong thời gian gần đây dường như đang giúp việc chuyển nhượng cổ phiếu trong ngành diễn ra thuận lợi hơn.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NGÀY 29.01.2015
- Hai chỉ số thị trường bất ngờ tăng mạnh trở lại với VN-Index tăng 0.77% lên 583.76 điểm, HNX-Index tăng mạnh 1.32% lên 87.23 điểm. Tại các nhóm Market Cap, trong khi VS-Large Cap và VS-Mid Cap vẫn giữ được mức tăng lần lượt 1.24% và 0.26% thì VS-Small Cap tiếp tục giảm 0.15%, VS-Micro Cap giảm 0.42%.
- Số ngành tăng điểm và giảm điểm khá sát sao với tỷ lệ 11/12 nhóm ngành; trong đó, nhóm Ngân hàng tăng mạnh nhất với 4.20%, tiếp theo là Bảo hiểm (2.33%), SX Cơ khí (1.55%), SX Hàng gia dụng (0.64%)… Các nhóm giảm điểm bao gồm CNTT – Truyền thông giảm 1.86%, DV Chuyên môn – KHCN (-1.66%), SX Vật liệu xây dựng (-1.25%), SX Cao su (-1.04%), DV Lưu trú và Giải trí (-0.99%)... Các nhóm ngành nóng có sự trái chiều khi ngoài nhóm Ngân hàng tăng mạnh, nhóm Chứng khoán và Xây dựng cũng tăng lần lượt 0.20% và 0.18%. Tuy nhiên, nhóm Khai khoáng giảm 0.75%, nhóm Bất động sản giảm 0.17%.
- Tâm điểm thị trường lại hướng về nhóm cổ phiếu Ngân hàng khi nhóm này lại bất ngờ có phiên giao dịch rất sôi động. Cụ thể, sắc xanh bao trùm VCB, CTG, BID, STB, SHB… và hỗ trợ tích cực tới các chỉ số thị trường. Đặc biệt là CTG, BID và STB khi ba mã này nhanh chóng “đóng trần” trong phiên giao dịch buổi chiều, tổng khối lượng khớp lệnh qua đó tăng đột biến lên hơn 16 triệu đơn vị.
Một điểm đáng chú ý nữa là EIB đã xanh giá trở lại từ phiên điều chỉnh hôm qua, sau khi đã sang tay thỏa thuận tổng cộng hơn 100 triệu cổ phiếu trong vài phiên vừa rồi, ngay trước thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực vào đầu tuần sau. Số cổ phiếu này chiếm đến hơn 8% vốn điều lệ của EIB.
Sóng ở nhóm cổ phiếu Ngân hàng trong thời gian gần đây dường như đang giúp việc chuyển nhượng cổ phiếu trong ngành diễn ra thuận lợi hơn.
- Thị trường kết thúc trong bối cảnh nhóm cổ phiếu Ngân hàng trở lại với vị thế dẫn dắt mặc dù ngày Thông tư 36 chính thức có hiệu lực đã tới gần, nhóm Large Cap “theo bước” ngành Ngân hàng cũng tăng mạnh tới 1.24%.
- Những cổ phiếu vốn hóa lớn tác động mạnh lên VN-Index bao gồm BID, VCB, CTG, STB, BVH, MBB, EIB, MSN, MWG, REE kéo chỉ số này tăng 1.19%. Ở chiều ngược lại, GAS, VNM, VIC, KDC, HT1, PPC, HAG, PVD kéo VN-Index giảm gần 0.43%. Trên HNX, ACB, PVI, PVS, DGC, VCG kéo HNX-Index tăng tới gần 1.20%, trong khi SCR, BCC, PLC, HUT, VNT, LAS kéo chỉ số này giảm 0.20%.
- “Hiệu ứng” SCR có vẻ như vẫn chưa chấm dứt khi giá cổ phiếu này nhiều thời điểm chạm mức sàn ngay trong phiên sáng. Tình hình chỉ sáng sủa hơn khi lực cầu bắt đáy bất ngờ tham gia mạnh mẽ trong phiên ATC và giúp SCR thoát khỏi giá sàn, kết thúc phiên giảm hơn 6% với lượng giao dịch rất lớn gần 14 triệu đơn vị. Khối ngoại qua đó cũng ghi nhận mức mua ròng mạnh nhất đối với cổ phiếu này trên HNX.
- Diễn biến ở nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn còn tiêu cực khi lần lượt FLC, OGC, KLF, HUT, BAM, ITQ, FIT, HAI… đều đỏ lửa. KDC sau hai phiên tăng nóng với thông tin “cổ tức khủng” cũng đã giảm điểm trở lại. Nhóm Small Cap và Micro Cap theo đó giảm lần lượt 0.15% và 0.42%.
- Thanh khoản giảm trở lại sau phiên giao dịch hôm qua nhưng vẫn được duy trì ở mức cao kể từ đầu năm. Theo đó, thanh khoản trên HOSE giảm 22.55% đạt 107.4 triệu đơn vị; trong khi trên HNX giảm 20.65% khớp 62.31 triệu đơn vị.
- Khối ngoại đã trở lại mua ròng trên HOSE với giá trị 26.3 tỷ đồng, nhưng vẫn đang bán ròng 15.3 tỷ đồng trên HNX. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng mạnh ở KDC (11.2 tỷ đồng), HAG (7.2 tỷ đồng), VCB (4.0 tỷ đồng)... và mua ròng mạnh nhất ở CTG (14.0 tỷ), MWG (13.7 tỷ đồng), VHC (7.3 tỷ đồng). Trên HNX, họ bán ròng chủ yếu ở PVS (5.6 tỷ đồng), NTP (3.6 tỷ đồng), SHB (2.6 tỷ đồng), PGS (1.8 tỷ đồng).
- Cổ phiếu Ngân hàng lại bất chợt nổi sóng kéo mạnh các chỉ số thị trường bất chấp áp lực bán tháo vẫn diễn ra ở cổ phiếu nhóm đầu cơ và một số cổ phiếu trụ cột nhóm Dầu khí như GAS, PVD. Cùng với thanh khoản đang được duy trì ở mức tốt, đây sẽ là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho tâm lý giới đầu tư để chuẩn bị cho việc Thông tư 36 chính thức có hiệu lực trong tuần giao dịch tới đây.
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Phân tích Xu hướng và Dao động giá
VN-Index – đang test vùng 581 – 588 điểm. VN-Index vẫn tiếp tục bứt phá trong phiên giao dịch ngày 28/01/2015 dù test lại vùng kháng cự mạnh 581 – 588 điểm. Vùng này có sự hội tụ của các đường SMA100 và SMA200. Nếu VN-Index vượt lên trên vùng này thì xu hướng tăng trưởng dài hạn sẽ được khẳng định và kịch bản tháng 06/2011 sẽ không lặp lại.
Mặc dù sự tăng trưởng trong những tuần qua có sự đóng góp rất lớn của các mã vốn hóa lớn trong nhóm Ngân hàng như VCB, BID, CTG nhưng khối lượng vẫn đang cho thấy sự tích cực. Khối lượng khớp lệnh liên tục duy trì trên mức bình quân của 20 phiên giao dịch gần nhất (tương đương 99 triệu đơn vị). Điều này cho thấy lực cầu giá thấp vẫn hiện diện và rủi ro thị trường vẫn chưa cao.
Chỉ báo MACD đang đi ngang và có thể cho tín hiệu bán trở lại. Tuy nhiên, VN-Index đang ở bên trên đường SMA300 (vùng 570 – 573 điểm) nên xu hướng dài hạn tích cực. Vùng này sẽ là ngưỡng hỗ trợ gần nhất nếu chỉ số này có điều chỉnh trở lại.
HNX-Index – Chuẩn bị test vùng đỉnh cũ 90 – 93 điểm. HNX-Index cũng có diễn biến tương tự như VN-Index trong phiên giao dịch ngày 28/01/2015 và vượt qua ngưỡng kháng cự tương ứng với ngưỡng Fibonacci Retracement 61.8% tại vùng 86.5 – 87 điểm.
Cây nến xanh dài bao trùm toàn bộ cây nến đỏ trước đó cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá lạc quan. Bên cạnh đó, Stochastic Oscillator vẫn đang duy trì trong vùng overbought nên rủi ro không quá cao.
Vùng đỉnh cũ 90 – 93 điểm đang ở khá gần. Vùng này đã tồn tại từ tháng 09/2014 và có nhiều lần báo hiệu chính xác sự đảo chiều giảm điểm mạnh của HNX-Index nên độ tin cậy cao. Hiện nay, HNX-Index đã ở khá gần vùng này nên chỉ cần vài phiên tăng điểm mạnh là vùng đỉnh cũ 90 – 93 điểm sẽ được test lại. Đường middle của Bollinger Bands và ngưỡng Fibonacci Retracement 50.0% ở vùng 84.5-85.5 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ nếu có điều chỉnh.
Phân tích Market Strength
VS-Arms VN giảm mạnh xuống mức thấp 0.63, cho thấy bên mua đang chiếm ưu thế trong phiên ngày 28/01/2015. Đường EMA 5 ngày của VS-Arms VN cũng giảm mạnh xuống mức 0.74, cho thấy bên mua đang chiếm ưu thế trong những phiên gần đây.
Mức độ tham gia của nhà đầu tư lớn đã tăng mạnh trong 2 phiên gần đây khi VS-LBR liên tục duy trì mức cao. Nhà đầu tư lớn tham gia mạnh hơn được kỳ vọng sẽ là yếu tố có thể nâng đỡ cho thị trường tránh khỏi những nhịp giảm sâu bất ngờ.
Phân tích Dòng tiền
Biến động của dòng tiền thông minh: Mức độ tham gia của dòng tiền thông minh ngày càng mạnh mẽ hơn khi mà VS-NVI VN liên tục tăng trưởng mạnh. Chỉ số này hiện đạt mức 73.41 và duy trì khoảng cách khá xa so với EMA 5 ngày và EMA 20 ngày.
Biến động của dòng tiền từ khối ngoại: Khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trong phiên ngày 28/01/2015. Do đó, kỳ vọng bứt phá của thị trường trong ngắn hạn vẫn còn.
Nếu đường EMA 5 ngày và EMA 20 ngày của chỉ số NetValForVN cũng vượt lên trên ngưỡng 0 trong thời gian tới thì rủi ro sẽ giảm bớt.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 28.01.2015
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|