USD lên 'vùn vụt': Chớ để trở tay không kịp
Việc USD tăng giá nên cân nhắc khả năng USD chảy ngược từ Việt Nam ra ngoài ra sao và ảnh hưởng thế nào đến sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam.
Từ tháng 6/2014 đến nay có hai hiện tượng kinh tế diễn biến khá bất thường, đó là việc sụt giảm mạnh giá dầu và sự tăng giá chóng mặt của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Chỉ trong vòng nửa năm, đồng USD đã tăng giá khoảng 20% so với đồng Yên Nhật và Đô-la Australia, 15% so với đồng Euro và 12% so với đồng Bảng Anh, chưa kể việc đồng Rúp bị mất giá tới 50%. Trong khi chưa hết bàng hoàng về sự tụt giảm giá dầu, nhiều nhà kinh tế và hoạch định chính sách bắt đầu ngơ ngác nhìn nhau không biết chuyện gì đang xảy ra với đồng USD và xử lý ra sao.
Trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới gắn kết chặt chẽ với nhau, việc đồng USD lên giá “vùn vụt” đang trở thành câu chuyện kinh tế, tài chính toàn cầu cần được bàn kỹ và có cách ứng phó kịp thời trước khi trở nên quá muộn. Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính châu Á 1997-98 bắt nguồn từ việc phá giá đồng Baht và các tác động lan tỏa của nó khiến nhiều nước phải trả giá vì trở tay không kịp đến nay vẫn là bài học nhãn tiền.
Chỉ trong vòng nửa năm, đồng USD đã tăng giá khoảng 20% so với đồng Yên Nhật và Đô-la Australia
|
Vì sao USD tăng nhanh
Trong lĩnh vực tài chính, chỉ số DXY so sánh giá trị của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt trong thanh toán quốc tế gồm Euro, Yên Nhật, Bảng Anh, Đô-la Canada, France Thụy sĩ và Krone Thụy Điển được coi là “chuẩn mực” để xác định giá trị của đồng tiền này.
Trong vòng 1 năm qua, chỉ số của đồng USD trong rổ tiền tệ này tăng từ 79 lên 92 điểm, và có khả năng vượt 115 điểm của năm 2002, tức giá trị USD tăng tiếp khoảng 25%. Một số nguyên nhân chính đưa đến sự tăng giá của đồng USD trong thời gian qua gồm:
Thứ nhất, đó là sự tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế Mỹ trong năm 2014. Sau giai đoạn phục hồi ì ạch sau khủng hoảng 2008-2009, năm 2014 kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng cả năm là 3,3%, vượt xa mức dự báo trước đó là 2,2%. Riêng Quý III/2014, tăng trưởng GDP đạt 5% - mức cao nhất trong một quý trong 11 năm qua. Sự phục hồi của kình tế Mỹ trái với bức tranh khá ảm đạm của các trung tâm kinh tế khác trong năm qua, như các nước trong khu vực sử dụng đồng Euro chỉ tăng trưởng 0,8%, Nhật Bản là 0,5%, Nga là 0,6%. Trung Quốc tuy đạt tốc độ tăng trưởng cao là 7,4%, nhưng đây là mức thấp nhất kể từ năm 1990 và không đạt so với kế hoạch đặt ra là 7,5%.
Thứ hai, quyết định của Mỹ chấm dứt Gói nới lỏng định lượng (QE) vào ngày 29/10/2014, mà thực chất là gói kích cầu khổng lồ trị giá 3,7 ngàn tỷ USD mà Mỹ bơm ra suốt 6 năm qua kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng 2008-2009 nhằm đưa kinh tế Mỹ thoát khỏi viễn cảnh khủng hoảng 1929-1933.
Động thái này cùng với khả năng Cục dự trữ liên bang FED sẽ nâng lãi suất từ mức cận 0 hiện nay do tăng trưởng kinh tế Mỹ cao cùng với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp dưới 6% sẽ có tác dụng thu USD trở lại và khiến đồng bạc xanh trở nên “khan hiếm” và “có giá” hơn so với các đồng tiền khác.
Bên cạnh đó, cả Ngân hàng trung ương Nhật BOJ lẫn Ngân hàng trung ương châu Âu ECB đều đánh tín hiệu về khả năng sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp và bơm thêm tiền vào nền kinh tế thông qua các gói kích cầu để giúp Nhật và EU tránh rơi vào suy thoái. Điều này càng làm cho Euro và đồng Yên thêm mất giá so với đồng USD.
Thứ ba, triển vọng kinh tế trong năm 2015 với các trung tâm kinh tế lớn cũng không khác mấy so với năm 2014.
Theo đó, kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ cao, trung bình khoảng 3,5%, còn Nhật và EU khoảng 0,9% trong khi kinh tế TQ tăng trưởng chậm lai, còn Nga bước vào giai đoạn suy trầm.
Nắm bắt xu hướng này, hiện một số nước đã chuyển trạng thái tích trữ của mình sang đồng USD và bán dự trữ bằng các đồng tiền khác. Tuy đây mới chỉ là xu hướng ngắn hạn, nhưng nó cũng góp phần làm cho USD thêm khan hiếm và đẩy giá trị của đồng tiền này lên cao.
USD tăng giá và các tác động
Việc Mỹ chấm dứt Gói nới lỏng định lượng đồng nghĩa với việc kỷ nguyên đồng USD rẻ đã đi đến hồi kết.
Giá trị đồng USD đã đảo chiều và các động lực thúc đẩy đà tăng giá của đồng USD trong cả ngắn hạn lẫn trung hạn vẫn rất lớn. Về ngắn hạn, đó là: (i) kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt trong khi các nền kinh tế khác còn trì trệ; (ii) nhu cầu tiêu thụ dầu lửa và các loại hàng hóa cơ bản khác đang giảm mạnh do kinh tế thế giới tăng trưởng thấp; (iii) tình hình chính trị bất ổn ở nhiều nơi trên thế giới (tình hình kinh tế và nội trị Nga, quan hệ giữa Nga với phương Tây, các bất ổn tại khu vực Trung Đông và xung đột ở U-crai-na…); (iv) khan hiếm đồng đô la do khả năng FED tăng lãi suất cơ bản và các nhà đầu tư có xu hướng rút tiền từ các thị trường mới nổi đầy rủi ro sang nơi trú ẩn an toàn hơn là Mỹ.
Về trung và dài hạn, hiện vẫn chưa rõ xu hướng tăng giá USD sẽ kết thúc khi nào nhưng tờ Spiegel của Đức đã đưa ra dự báo khả năng 1 Euro đổi tương đương với 1 USD vào năm 2017, tức Eurro sẽ mất giá thêm khoảng 20% trong vòng 2 năm nữa.
Như vậy, Đức và một số nền kinh tế lớn đã chuẩn bị cho phương án chỉ số đồng USD ở mức 115. Tuy nhiên, nếu tương quan triển vọng các nền kinh tế lớn không thay đối, khả năng USD tăng lên và “trụ lại” ở mức đỉnh 130 như thời kỳ đầu năm 1985 khi Mỹ thực thi chính sách Reaganomics là không loại trừ.
Do USD là đồng tiền chủ chốt, hiện chiếm khoảng 66% tổng dự trữ ngoại tệ và 85% khối lượng trao đổi thương mại trên thế giới, nên sự lên giá mau chóng của đồng USD đang tác động mạnh đến thị trường tài chính, thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhưng do mức độ phụ thuộc vào đồng USD của từng quốc gia, cũng như của từng lĩnh vực, ngành hàng ở mỗi nước khác nhau, nên các tác động cũng khác nhau. Sơ bộ có thể thấy như sau:
Với Mỹ: USD lên giá mạnh là một thực tế khách quan, ngoài dự tính. Điều này khác với thời kỳ USD lên giá có chủ đích đầu những năm 1980, khi Tổng thống Reagan thi hành chính sach kinh tế bảo thủ gọi là Reganomics khi Mỹ chủ trương nâng lãi suất cao, với mức cực đỉnh là 20%, để thu hút dòng tiền từ bên ngoài nhằm “làm mới” lại nước Mỹ.
Năm 2015, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 18.000 điểm hiện nay lên khoảng 15%, tức 20,500 điểm trong năm 2015.
Việc USD một lần nữa “chảy” về nước Mỹ sẽ giúp người Mỹ có thêm tiền để chi tiêu; doanh nghiệp Mỹ có thêm tiền để chi mạnh tay cho nghiên cứu, đối mới công nghệ và mở rộng sản xuất; còn chính quyền tăng thêm nguồn thu từ thuế.
Trong ngắn hạn, Mỹ có thể chấp nhận “thiệt thòi” do xuất khẩu khó khăn vì giá hàng hóa xuất từ Mỹ tính theo USD trở nên đắt đỏ; kinh tế tăng trưởng tốt và việc thu hẹp thâm hụt ngân sách có thể giúp “bù” thâm hụt thương mại. Song về trung và dài hạn, thâm hụt thương mại lớn và kéo dài lại đe dọa đến công ăn việc làm của người Mỹ và tương lai tăng trưởng của nước Mỹ. Đây sẽ là nguyên nhân chính “kéo” đồng USD không ở mức quá cao.
Đối với các nền kinh tế khác thì hệ quả sẽ là: Thứ nhất, việc đồng nội tệ của họ mất giá so với USD sẽ giúp việc xuất khẩu sang Mỹ có nhiều lợi thế do giá cả rẻ và có tính cạnh tranh hơn so với hàng hóa sản xuất tại Mỹ. Tuy nhiên, chưa chắc việc xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Mỹ sẽ có thuận lợi tương tự do đồng nội tệ của các nước khác cũng mất giá so với đồng USD gần như tương đương với sự mất giá đồng nội tệ của họ. Điều này có thể dẫn đến cuộc “chiến tranh” hạ giá tiền tệ giữa các nước nhằm giành lợi thế tương đối.
Thứ hai, thị trường các nước mới nổi sẽ trở nên chao đảo do làn sóng rút USD chạy về Mỹ và việc này có thể cản trở đến quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của họ.
Thứ ba, các nước bị thiệt hại nhất là những nước thi hành chính sách tỷ giá cứng nhắc, gắn chặt đồng nội tệ của mình với đồng USD. Việc này sẽ làm cho hàng hóa của họ trở nên đắt đỏ, mất sức cạnh tranh không chỉ ở thị trường trong nước, mà cả trên phạm vi quốc tế.
Thứ tư, gánh nặng trả nợ bằng đồng USD đắt đỏ hơn từ các đồng USD rẻ trước đây sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách và kìm hãm triển vọng tăng trưởng tại nhiều nước.
Khả năng USD chảy ngược từ Việt Nam ra ngoài ra sao?
|
Đối với Việt Nam, ngày 6/1/2015 Ngân hàng nhà nước VN đã tiến hành điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng, theo đó đồng USD tăng giá 1% so với VND. Khác với các lần điều chỉnh trước, lần điều chỉnh này diễn ra trong bối cảnh các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá tốt: Năm 2014, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 5,9%, cao hơn năm 2013 là 5,42% và dự kiến trong năm 2015 là 6,2%. Do đó, việc điều chỉnh này cần được xem là nhằm giảm bớt các bất lợi từ việc USD tăng giá quá nhanh.
Do đặc điểm của nước ta là đồng VND gắn khá chặt với đồng USD và độ mở của nền kinh tế khá lớn so với nhiều nước khác với tỷ lệ tổng thương mại/GDP là 164%, nên bất kỳ thay đổi nào trong giá trị của đồng USD đều tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Mặt khác, nền kinh tế của chúng ta cũng có đặc điểm khác là đồng VND không phải là đồng tiền chuyển đổi tự do với tỷ giá thả nổi như các đồng tiền khác nên các tác động chưa trực tiếp và tức thì như các nền kinh tế khác.
Vào lúc này chúng ta cần theo dõi kỹ, đánh giá các tác động tiêu cực cũng như tích cực của việc USD lên giá và có sự điều chỉnh chính sách tỷ giá kịp thời, hợp lý.
Những vấn đề cần xem xét, đánh giá lúc này: Một là, việc VND “neo” theo đồng USD vô hình trung làm cho VND lên giá mạnh so với hàng loạt đồng tiền chủ chốt khác. Nên cân nhắc xem việc này tác động ra sao đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, có làm cho hàng hóa xuất khẩu của chúng ta trở nên đắt đỏ, khó cạnh tranh hơn không?
Hai là, chi phí đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có trở nên đắt đỏ hơn các nước xung quanh không, tác động ra sao đến môi trường kinh doanh cũng như thu hút đầu tư nước ngoài?
Ba là, việc đồng USD tăng giá ảnh hưởng ra sao đến khả năng và việc thực thi các nghĩa vụ trả nợ của chúng ta. Bốn là, khả năng USD chảy ngược từ Việt Nam ra ngoài ra sao và khả năng ngân hàng trung ương tăng lãi suất liên ngân hàng đối với tiền gửi ngoại tệ tác động ra sao đối với lãi suất gửi và cho vay bằng VND, và từ đó ảnh hưởng thế nào đến sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam.
Hoàng Anh Tuấn
tuanvietnam
|