Phản ứng phụ từ liều “thuốc đắng”
Thị trường chứng khoán (TTCK) trồi sụt, đánh mất thành quả trong cả năm 2014 chỉ trong vòng 1 tháng cuối năm, gây thất vọng cho giới đầu tư. Một nguyên nhân được nhiều người nhắc tới là thông tư 36 của NHNN với những điều khoản được cho là gây bất lợi tới TTCK.
Mới đây, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) vừa có ý kiến gửi Thống đốc NHNN về những tác động cần được quan tâm trước khi thông tư 36 có hiệu lực. Trong đó có ý kiến của VASB cho rằng NHNN nên xem xét có lộ trình thích hợp cho việc triển khai thông tư 36 nhằm góp phần thúc đẩy chương trình cổ phần hoá, tái cấu trúc DNNN.
Theo VASB, đến nay, tốc độ cổ phần hoá đang rất chậm. Tính đến hết tháng 8, Nhà nước thu về được 2,23 nghìn tỉ từ việc IPO 33 Cty quốc doanh, tức mới đạt chưa đến một nửa kế hoạch năm. Đến nay, đã qua tháng 11, nhưng tình hình không mấy khả quan hơn. Sự chậm trễ và khả năng hấp thụ của thị trường đối với cổ phiếu của các DN quốc doanh vẫn hạn chế. Tuy nhiên theo VASB thì sắp tới đây sự ra đời của thông tư 36 sẽ khiến đồng vốn phục vụ cho thanh khoản thị trường sẽ bị thu hẹp.
Theo tính toán của VASB, VĐL của các NHTM và chi nhánh nước ngoài khoảng 450.000 tỉ đồng thì việc giới hạn mức 5% cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các tổ chức tín dụng có thể lên đến 22.500 tỉ, đây là mức vốn không nhỏ, trong khi đó dư nợ cho vay chứng khoán đến 10.2014 là 17.000 tỉ đồng nhưng nhiều NH có tỉ lệ nợ xấu trên 3% như Agribank, Vietcombank, ACB, Oceanbank... Như vậy, số dư nợ 17.000 tỉ phải cắt giảm 50% còn khoảng 8.000 tỉ. Đây là khó khăn cho TTCK, nguồn cung chứng khoán sẽ ồ ạt bán ra, tác động trực tiếp đến TTCK đặc biệt là các Cty chứng khoán trực thuộc NH.
Bên cạnh đó, một trong nỗi lo khác của VASB là thông tư 36 sẽ tác động đến tái cấu trúc NHTM, Cty tài chính yếu kém. Cụ thể, theo nội dung của thông tư 36, NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu không qua 2 tổ chức tín dụng. Song, thực tế hiện nay, nhiều NHTM đang sở hữu trên 5% cổ phần của nhiều NH, Cty tài chính. Nếu phải điều chỉnh ngay để đáp ứng quy định của thông tư 36 thì sẽ gây xáo trộn mạnh trong một thời gian ngắn, tác động đến quá trình tái cấu trúc hệ thống NH, đặc biệt là NH yếu kém.
Những lo ngại này cũng được nhóm phân tích của CTCK SSI đưa ra trong bản báo cáo mới đây với các nhà đầu tư. Theo đó, để tuân thủ các quy định về nắm giữ tối đa cổ phần của 2 NH (trừ các NH chi nhánh của TCTD) và ít hơn 5% cổ phần tại mỗi NH, một số NH phải bán cổ phần tại NH, Cty tài chính khác dẫn đến làm tăng cung cổ phiếu trên thị trường. Đơn cử như Vietcombank có thể sẽ phải bán cổ phần tại 3 TCTD và giảm tỉ lệ sở hữu tại 2 TCTD còn lại xuống dưới 5%.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của CTCK SSI cho rằng thông tư 36 cũng gây rủi ro nhất định cho thanh khoản thị trường khi thúc đẩy các TCTD cho vay dài hạn như cho vay mua nhà, vay cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Bởi vì phần lớn các khoản tiền gửi NH là các khoản tiền gửi ngắn hạn.
“Việc tăng gấp đôi tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, 30% lên 60%, dường như hơi nhiều và đặt ra câu hỏi về tỉ trọng thực tế của tín dụng trung và dài hạn bằng nguồn vốn ngắn hạn tại một số NH; trong bối cảnh một số khoản vay phải tái cấu trúc khi thời hạn hết hiệu lực của Quyết định 780 đang đến gần” - nhóm phân tích đánh giá.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn giữ quan điểm chung thông tư 36 chính là liều thuốc “đắng” cần thiết cho những NH đang còn chứa đầy yếu kém, khuyết tật.
Gia Miêu
lao động
|