Nhiều điểm nghẽn, tiền vẫn chờ... tàu
Dù nhận được chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, nhưng ở nhiều nơi, việc triển khai Nghị định 67/2014 vẫn rất chậm chễ, gây bức xúc cho ngư dân.
Tiền đợi tàu, vì sao?
Hơn 4 tháng qua, từ khi Nghị định 67 có hiệu lực, nguồn vốn mà ngành ngân hàng (NH) cam kết dành cho chương trình đã sẵn sàng hàng nghìn tỷ đồng, đang đợi giải ngân cho những hộ ngư dân muốn có tàu cá mới hoặc nâng cấp. Bộ NNPTNT cũng đã phân bổ cho 28 địa phương 2.079 tàu khai thác và 205 tàu dịch vụ hậu cần. Nhưng, đến nay mới có 6 UBND tỉnh, thành phố chấp thuận cho 152 chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.
Ngư dân Nguyễn Sáu, thôn Thạnh Bình 1, xã Phổ thiện, huyện Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) đang hoàn thiện thủ tục cuối cùng đợi phê duyệt thiết kế, dự toán tàu. Ngọc Quyết
|
Vậy đâu là “điểm nghẽn” của dòng vốn tín dụng này? Để tìm câu trả lời, phóng viên đã tìm hiểu những vấn đề này tại tỉnh Quảng Ngãi – địa phương có số tàu cá đăng ký vay vốn đã được phê duyệt trong dẫn đầu cả nước với 40/152 tàu. Thực tiễn cho thấy, vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là “nút thắt” ở khâu thiết kế mẫu tàu và quy trình phê duyệt hồ sơ ở địa phương.
Ông Phạm Trường Thọ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi đã phê duyệt danh sách hộ ngư dân đợt 1 được vay vốn gồm 40 tàu. Trong đó, Agribank mới ký kết hợp đồng tín dụng số tiền 20,4 tỷ đồng. Từ nay đến hết tháng 12.2014 sẽ cố gắng để giải ngân thêm 1 - 2 trường hợp nữa. Rào cản lớn nhất hiện nay, theo ông Thọ, là do các thiết kế mẫu tàu. “21 mẫu tàu của Bộ NNPTNT là đại diện cho các vùng biển trên cả nước. Tuy nhiên, từng chủ tàu do kinh nghiệm, đặc điểm ngư trường, ngư dân lại muốn đóng tàu phù hợp với ngư trường đã quen để điều khiển con tàu được tốt nhất. Do vậy, 21 mẫu thiết kế tàu chỉ là mẫu thôi chứ không thể dùng thiết kế đóng 100% con tàu theo mẫu thiết kế này đuợc. Bởi thế, dù có thiết kế 100 mẫu đi nữa cũng không đáp ứng hết cho yêu cầu của từng ngư dân…” -ông Thọ nói.
Đồng quan điểm này, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Ngãi, Phan Huy Hoàng cho biết, nguyên nhân chưa giải ngân là do còn phải tuân thủ theo tuần tự thủ tục: Từ UBND tỉnh phê duyệt, đến công ty tư vấn lập thiết kế; dự toán, sau đó chủ tàu liên hệ công ty để đặt hàng đóng tàu, sau đó ngân hàng mới ký hợp đồng tín dụng cho vay.
“Thiết kế mẫu tàu, đăng trên trang web của Bộ NNPTNT, mỗi bản thiết kế từ 80 – 90 bản vẽ, kèm theo khái toán để chủ tàu lựa chọn vay sử dụng đóng tàu của mình, ngư dân vào trang web của Bộ NNPTNT để in bộ thiết kế này ra cũng không hề đơn giản. Hiện tại, Bộ NNPTNT đang in ấn mẫu tàu để gửi cho các địa phương, cung cấp cho chủ tàu, làm cơ sở để ngân hàng cho vay…” - ông Hoàng chia sẻ.
Ngư dân cũng bị tâm lý
Một lý do “bất ngờ” nữa trong thực tế làm chậm giải ngân nguồn vốn Nghị định 67, theo phong tục, các chủ tàu “kiêng” đóng tàu 2 năm (âm lịch), vì vậy đa số có tư tưởng đợi sang năm mới ký hợp đồng đóng tàu và vay ngân hàng. Ngư dân Nguyễn Sáu, thôn Thạnh Bình 1, xã Phổ Thạnh, huyện Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cho biết, tôi đang làm thủ tục vay ngân hàng để đóng mới tàu gỗ trị giá 6 tỷ đồng, đang đợi được phê duyệt thiết kế và dự toán kinh phí tàu do tỉnh phê duyệt. Do kiêng đóng tàu 2 năm “âm lịch”, tôi đã ứng trước gần 2 tỷ đồng (30%) vốn đối ứng theo quy định của Nghị định 67 để đóng tàu cho kịp trước Tết âm lịch nhằm tránh đến khi ký hợp đồng với ngân hàng mới triển khai thì muộn.
Ông Lê Hồng- Phó Giám đốc phụ trách Agribank chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, trong số 18 hồ sơ được tỉnh phê duyệt vay vốn của Agribank, có 3 trường hợp đang vướng về vốn tự có. Những trường hợp này, do không tính toán kỹ ngay từ đầu, khi đăng ký qua xã, đã trình lên rồi, xong họ lại cân nhắc, tìm hiểu kỹ lại và nhiều khả năng họ không có nhu cầu vay vốn.
Qua trao đổi với các ngư dân, hàng loạt các vấn đề ngư dân đặt ra cho việc tiếp cận nguồn vốn Nghị định 67 như: quy định tàu khi nâng cấp phải sử dụng máy mới 100% nhưng không có quy định bắt buộc phải sử dụng máy mới 100% đối với đóng mới tàu. Vì thế, người dân lại có xu hướng sử dụng máy cũ để giảm giá thành khi đóng mới tàu. Các cơ sở đóng tàu, hoặc không đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Thông tư số 26/2014/TT-BNNPTNT hoặc ở xa nơi bà con ngư dân có nhu cầu đóng tàu, đã gây khó khăn, tốn kém và mất thời gian cho bà con trong quá trình lai dắt tàu về địa phương để đưa vào khai thác…
Như vậy, điểm nghẽn của dòng vốn tín dụng thực hiện Nghị định 67 đã được xác định: chậm khâu thủ tục trình duyệt thiết kế, dự toán tàu; thiếu khả năng vốn đối ứng của ngư dân; tập quán phong tục kiêng đóng tàu trong 2 năm...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình ngay những ngày đầu triển khai Nghị định 67 đã liên tưởng về “con số” của Nghị định 67 tới hình ảnh chiếc xe Honda 67, Thống đốc cho rằng, chiếc xe Honda 67 chạy rất bền bỉ, và đến nay nhiều người còn sử dụng. Vì vậy, chính quyền cũng như từng hộ ngư dân phải xác định đây là chủ trương bền chặt, lâu dài. Do vậy, không thể triển khai theo kiểu phong trào.
1.Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.
2. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.
(Trích khoản c Điều 4 Nghị định 67)
|
"Trong giai đoạn đầu, số mẫu tàu thiết kế ít, thời gian tới số mẫu tàu tăng lên, thì thủ tục trình duyệt thiết kế, dự toán tàu phải nhanh hơn”.
Ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Ngãi
"Trong quá trình xét duyệt ngân hàng phải được tham gia ngay từ khâu ở xã, có như vậy mới hiệu quả, rút ngắn được thời gian”.
Ông Lê Hồng - Phó Giám đốc phụ trách Agribank chi nhánh Quảng Ngãi.
|
Ngọc Quyết
dân việt
|