Ngành gas gặp khó
Cùng với đà lao dốc của giá dầu thế giới, giá gas bán lẻ trong nước đang ở mức thấp nhất trong 3 năm qua. Trong lúc người tiêu dùng phấn khởi thì các doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas đầu mối “méo mặt” vì vốn bốc hơi theo lượng hàng tồn kho.
* Nhạy cảm “GAS-Index”!
Sáng 4-1, đang nấu ăn thì nhà hết gas, bà Trần Thị Ngọc (ngụ quận 8, TP HCM) gọi đến đại lý quen để đổi; lúc trả tiền, bà không khỏi ngạc nhiên khi nhân viên thông báo giá chưa tới 300.000 đồng/bình 12 kg, lại được tặng thêm nửa kg đường. “Nhà tôi dùng 3 tháng mới hết một bình gas nên cứ nhớ là gas xấp xỉ 400.000 đồng/bình. Lúc gas gần nửa triệu đồng/bình, nhà tôi sắm thêm bếp điện; giờ giá gas hạ, tôi dẹp bớt một bếp cho gọn” - bà Ngọc cho hay.
Giá gas Saigon Petro đang ở mức dưới 300.000 đồng/bình 12 kg
|
Tính từ thời điểm tháng 12-2013 (lúc đó gas Shell 520.000 đồng/bình, Saigon Petro 486.000 đồng/bình) đến đợt giảm giá mới nhất vào ngày 1-1, giá gas đã có tổng cộng 9 lần giảm với mức giảm gần 200.000 đồng/bình 12 kg, tương đương 40%.
Theo ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, việc giá gas trong nước giảm theo giá thế giới là tin vui với người tiêu dùng cũng như các DN sử dụng gas làm nhiên liệu sản xuất. “Gas là nhiên liệu sạch, nếu duy trì được giá thấp như hiện nay chắc chắn tiêu thụ sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2015” - ông Thắng nói.
Về hiệu quả kinh doanh trong năm qua, ông Nguyễn Sỹ Thắng thừa nhận các DN đầu mối đang gặp nhiều khó khăn khi giá gas tháng sau thấp hơn tháng trước. Trong khi đó, gas là ngành kinh doanh có điều kiện và bắt buộc phải dự trữ lưu thông (7 ngày và tăng dần lên mức 15 ngày đến năm 2015 đối với DN đầu mối và 3 ngày đối với tổng đại lý - PV) nên DN tồn kho càng lớn thì lỗ càng nặng.
Ông Trần Minh Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dầu khí An Pha, giải thích thêm khi giá gas có xu hướng giảm, các khâu trung gian như tổng đại lý, đại lý, cửa hàng giảm lấy hàng, lượng hàng tập trung ở DN đầu mối nên đây là khâu bị thiệt hại nhất. “Hiện giá gas bị thả nổi theo giá thế giới. Dù quy định về dự trữ là bắt buộc nhưng nhà nước không cho DN hạch toán lượng hàng tồn kho giá cao của tháng trước vào giá bán của tháng sau nên DN rất khó trong điều hành kinh doanh” - ông Loan nêu quan điểm.
Đại diện một DN khác thì cho rằng do tác động từ cuộc “tháo chạy” không sử dụng gas cách đây 1 năm nên nhu cầu tiêu thụ gas trên thị trường chưa tăng tương xứng do khách hàng đã trót đầu tư cơ sở vật chất để sử dụng nhiên liệu khác. Do đó, nhiều DN than không biết còn đủ sức để chờ hay không.
Cùng quan điểm, một lãnh đạo Chi hội Gas miền Nam cho rằng nếu DN nào trụ được sau hàng loạt khó khăn của năm 2014 (từ giá gas giảm cho đến việc đầu tư nâng chuẩn theo quy định của cơ quan quản lý) thì ngành gas sẽ được “thanh lọc”. Khi giá gas ở mức thấp thì người tiêu dùng sẽ ưu tiên sử dụng những bình gas có thương hiệu, dịch vụ tốt thì giá có chênh nhau 10.000-20.000 đồng/bình không là vấn đề.
Vương Ngọc
người lao động
|