Khi môi giới chứng khoán “thở oxy và ngậm sâm”
Khi thị trường quay trở lại xu hướng giảm sâu, bản thân người môi giới chứng khoán có tham gia đầu tư cổ phiếu và nhận quản lý tài khoản cho khách hàng, nếu rút kịp thời thì đỡ, còn không thì phải gồng mình hay nói vui là “thở oxy và ngậm sâm”.
Đó là những lời chia sẻ chân thành của một môi giới có kinh nghiệm nhiều năm khi trao đổi với người viết về tâm lý người môi giới chứng khoán trong bối cảnh thị trường chứng khoán xấu đi nhiều trong đợt vừa qua.
Trước đó, trong một lần cùng với nhiều môi giới chứng khoán thăm một doanh nghiệp sản xuất, người viết có dịp trò chuyện với chủ một doanh nghiệp này, một người cũng rất đam mê đầu tư chứng khoán. So sánh giữa công việc của mình và vai trò của những người làm trong ngành chứng khoán, ông hóm hỉnh khi nói rằng: “Nghề chúng tôi quen cày cuốc, lao động chân tay, vất vả lắm chứ đâu ngồi phòng lạnh, “gõ bàn phím, bình thiên hạ” như mấy chú”.
“Nhưng phía sau lưng lại là… ô cửa sổ”, một môi giới chứng khoán tiếp lời về nghề.
Câu nói này có phần hư cấu, nó mang một ý nghĩa tiêu cực với những người làm trong ngành chứng khoán, bởi hào nhoáng là thế nhưng khi thị trường kinh qua những đợt “rơi tự do” thì áp lực nhiều khi chịu không thấu. Ranh giới giữa sống và chết khi đó thực sự rất mong manh.
Ai cũng biết một môi giới chứng khoán chuyên nghiệp ngoài kiến thức thì cũng phải có kinh nghiệm nhiều trong việc xử lý những biến động bất ngờ của thị trường. Thế nhưng ngay cả những môi giới chinh chiến lâu năm và am hiểu thị trường cũng chưa chắc đã tránh được những cú sốc trên thị trường.
Trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam, xu hướng giảm điểm bắt đầu từ giữa tháng 9. Từ đó đến gần cuối năm, thị trường đã trải qua nhiều thông tin xấu gây tiêu cực như vụ lãnh đạo ngân hàng bị bắt hay thông tin mới nhất là giá dầu thế giới giảm mạnh. Kể từ mức đỉnh đạt được trong tháng 9, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 100 điểm, hay 16%, một con số không hề nhỏ chỉ trong 3 tháng. Con số này cũng gần như xóa tan mọi thành quả tăng điểm của của thị trường trong suốt giai đoạn 3 quý đầu năm 2014.
Cùng với xu hướng giảm điểm đó, một trưởng bộ phận môi giới tại công ty chứng khoán lớn cho biết, chẳng những thành quả của khách hàng mà cả bản thân từ trước đó trôi sạch mà còn thua lỗ. Nguyên nhân thua lỗ chính là do đã tham gia mua vào cổ phiếu dầu khí và có sử dụng cả margin. Có thể kể đến nhiều nhóm cổ phiếu dầu khí nổi bật như GAS, PVD, PVS… sau đợt tăng mạnh từ đầu năm thì nay đã giảm về mức thấp nhất trong 1 năm qua.
Đối với những môi giới mới vào nghề, đây là một cú sốc quá lớn khiến họ cảm thấy bất lực, không biết phải làm gì. Ngay cả những người có kinh nghiệm, đã từng trải qua chuyện này cũng không khỏi bất ngờ trước “tốc độ” giảm nhanh và mạnh của thị trường. Những lúc như thế này, áp lực một môi giới hứng chịu là chính từ khách hàng của mình. Riêng bản thân nếu tham gia đầu tư, đặc biệt là sử dụng margin thì còn áp lực tăng gấp bội, phải gồng mình hay nói vui là “thở oxy và ngậm sâm”.
Đó là chưa kể đến vấn đề hiện nay, rất nhiều môi giới thuyết phục khách hàng để đầu tư giùm bằng chính tài khoản khách hàng và ăn chia lợi nhuận, hay nói theo chuyên môn là quản lý tài khoản cho khách hàng.
Kết quả, khi thị trường tăng đúng sóng, lợi thì được rất nhiều, môi giới vừa được hưởng theo tỷ lệ thỏa thuận với khách hàng mà không phải chịu thuế vừa được tiếng “thơm”. Nhưng rủi thay, giai đoạn cuối năm 2014 có vẻ không phải là “đất sống” cho những hoạt động đầu tư mang hình thức ủy thác như thế này. Một chuyên gia trong ngành chứng khoán cho biết có rất nhiều tài khoản khách hàng bị lỗ rất nặng, khách hàng đến dễ tính cũng tìm đến công ty, yêu cầu bồi thường. Thường thì các CTCK sẽ cho môi giới thôi việc khi có khiếu nại và nếu thiệt hại không lớn thì sẽ đền bằng cách khấu trừ vào tiền phí giao dịch sau này. Còn thiệt hại nặng thì trừ vào lương và hoa hồng của môi giới kia. Chưa kể nhiều khách hàng khó tính còn thuê cả giang hồ để “nói chuyện” với môi giới.
Đó là một trong những lý do tại sao nhiều môi giới chứng khoán hiện nay rơi vào tình trạng “stress” nặng.
Có thể không liên quan đến nguyên nhân từ chứng khoán nhưng câu chuyện đột quỵ của một môi giới chứng khoán lâu năm tại một công ty chứng khoán lớn vừa xảy ra giữa lúc thị trường diễn biến xấu khiến không ít người cảm thấy sự khắc nghiệt của chứng khoán… Chưa kể đến những tin đồn (mà thực tế vẫn có) về sự việc nhiều người do thua lỗ mà nghĩ quẩn.
Lợi nhuận nhiều thì rủi ro càng lớn, đó là quy luật bất thành văn khi tham gia thị trường chứng khoán. Những người bước vào nghề môi giới chứng khoán cũng không nằm ngoài quy luật này, nhưng cái đáng nói là ranh giới giữa được và mất mỏng manh đến dễ vỡ. Phải là người có bản lĩnh và một chút may mắn mới bước qua vũng đen của tâm bão.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm ở TTCK Việt Nam, người giao dịch chứng khoán Việt Nam, được hỗ trợ bởi công cụ margin, là đòn bẩy gia tăng lợi nhuận khi thị trường diễn biến theo chiều hướng tốt, nhưng cũng chính điều này mang lại rủi ro càng lớn nếu thị trường đảo chiều như những gì chúng ta đã và đang chứng kiến. Bán khống (short selling) giúp cân bằng thị trường và phòng ngừa rủi ro giá xuống vẫn chưa được áp dụng tại Việt Nam.
Sanh Tín
|