Thứ Tư, 24/12/2014 13:32

Bài học đầu tư chứng khoán 2014: Những yếu tố đẩy giá cổ phiếu!

Hàng loạt con sóng tăng-giảm rất mạnh xuất hiện trên thị trường năm 2014, nhà đầu tư thu được lợi nhuận khủng nhưng cũng có thể bị “sóng đè”. Đâu là những chất xúc tác đằng sau các đợt sóng này và bài học có thể rút ra?

Kết quả kinh doanh: Bán triệt để khi thông tin thực xuất hiện!

Cứ mỗi mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) hàng quý và năm thì giới đầu tư lại có dịp rỉ tai nhau về các con số doanh thu và lợi nhuận “ước tính” đạt được trong kỳ. Những đồn thổi mang hơi hướng tích cực là chất xúc tác mạnh mẽ cho đà tăng vọt của các cổ phiếu. Dấu hiệu có thể để ý là cổ phiếu thường có thanh khoản đột biến và/hoặc giá cổ phiếu đi ngang một thời gian dài kèm với thanh khoản suy giảm trước đó.

Tuy nhiên, ở một số mã sau khi xuất hiện thông tin thực, bất kể là đúng hay sai, thì giới đầu tư vẫn bán ra để hiện thực hóa khoản lời.

Những tháng đầu năm là thời điểm rôm rả nhất của những thông tin “nghe đồn” KQKD quý 4 và cả năm trước đó. Đầu năm 2014, sóng tăng mạnh mẽ của các chỉ số thị trường kéo dài tới đầu tháng 4, trong khi năm 2013, con sóng đầu năm bắt đầu từ đầu tháng 12/2012 cho đến đầu tháng 06/2013, năm 2012 là từ đầu tháng 01/2012 cho đến đầu tháng 05/2012. Hầu hết các cổ phiếu đều tăng điểm tích cực trong giai đoạn này. Điều này cũng tạo hiệu ứng lan tỏa tới những cổ phiếu có KQKD kém khả quan mà giới đầu tư gọi là hưởng lợi chung từ xu hướng của thị trường.

Dòng tiền đầu cơ: Một khi đã “chọn” thì không cần thông tin

Có những cổ phiếu lại được dòng tiền chú ý sau khi KQKD đã được thông báo trước đó khá lâu. Hay thậm chí không cần thông tin hỗ trợ nào khác và dù KQKD tích cực hay không, một khi dòng tiền đầu cơ đã “chọn” thì giá chắc chắn sẽ tăng mạnh. Những cổ phiếu tăng mạnh với bệ đỡ từ KQKD tích cực có thể kể đến ITQ (tăng 350% từ 05/11 – 03/12), NDN (tăng 57% từ 20/10 – 03/11)…, trong khi các mã tăng giá mạnh khác như HNM (tăng 68% trong tháng 7/2014 và tăng 116% từ 25/09 – 15/10), TNC (tăng 29% trong từ 18 – 21/11), DTA (tăng 82% từ 26/09 -15/10), KAC (tăng gần 100% từ 10 – 25/11), VNI (tăng 70% từ 13 – 31/03) mặc dù KQKD ảm đạm (LNST âm hoặc giảm mạnh).

Sóng từ nhóm cổ phiếu dòng họ Dầu khí và Sông Đà

Trong quý 03/2014 (đặc biệt tháng 8 và 9), nhóm cổ phiếu Dầu khí nổi lên như cồn, chẳng hạn như PVD, PVS, PVC (Khai khoáng), PXT, PXS, PXI, PVX (Xây dựng), PET, PSD (Bán buôn), PVT, GSP (Vận tải đường thủy), PTL, PXL (Bất động sản), GAS (GAS bắt đầu xu hướng giảm từ đầu tháng 9), PGS, PVG (Phân phối khí đốt) và PVB.

Mức tăng ấn tượng nhất là 3 cổ phiếu PXT, PXS, PXI thuộc ngành Xây dựng, trong đó PXT tăng 124% từ 27/08 – 17/09, PXI tăng 135% từ 01/08 – 17/09, PXS tăng 98% từ 13/08 – 16/09 và cổ phiếu PVC tăng 137% từ 28/07 – 27/08. Ngoài ra, PPE tăng mạnh trong tháng 11 với mức tăng 185% từ 6 – 21/11.

Nhóm này nổi sóng nhờ vào LNST quý 2/2014 của nhiều doanh nghiệp cải thiện tích cực so với cùng kỳ 2013 và trước đó đã sụt giảm khá nhiều sau sự kiện Biển Đông. Làn sóng này cũng thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu các doanh nghiệp có LNST kém khởi sắc trong nhóm như GSP, PGS, PTL, PVT, PVX (mức lỗ quý 2/2014 đã thu hẹp nhiều so với cùng kỳ 2013), PXT (lỗ gần 108 tỷ đồng).

Một nhóm khác cũng rất nổi bật trong năm 2014 là cổ phiếu dòng họ Sông Đà, xuất hiện sóng tăng từ cuối tháng 9 và chỉ kéo dài trong 1 tới 2 tuần, gồm các mã S55, S74, S99, SD2, SD4, SD5, SD6, SDA, SDP, SJS, SKS, trong đó nổi bật nhất là S55, SDP, SDA, SD4 lần lượt tăng 80%, 42%, 30% và 22.6%. Điểm chú ý là trước hay trong đợt tăng giá của các cổ phiếu họ Sông Đà nói trên thì không thấy thông tin nào hỗ trợ tích cực, ngoài trừ các thông báo về kết KQKD soát xét 6 tháng đầu năm 2014 được đưa ra trước đó hơn cả tháng.

Giá cổ phiếu cao để phát hành thêm thành công

Một yếu tố khác cũng rất cần cổ phiếu tăng giá càng cao càng tốt, có liên quan đến việc phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn.

Với những cổ phiếu có thị giá dưới 10,000 đồng thì việc đẩy giá lên mức này sẽ giúp tránh những thủ tục phức tạp theo yêu cầu của UBCKNN khi giá cổ phiếu phát hành thêm dưới mệnh giá.

Ở những cổ phiếu có thị giá trên 10,000 đồng thì giá trên thị trường tại thời điểm hạn chót đóng tiền càng cao sẽ giúp việc phát hành thêm cổ phiếu thành công. Có thể xem thêm một số “kịch bản” thường gặp ở đây.

Bán cổ phiếu quỹ hay tổ chức lớn, cổ đông nội bộ lớn thoái vốn

Các cổ phiếu khi phát đi những thông báo này thường sẽ có “cuộc cách mạng” giá trong thời gian đăng ký thực hiện giao dịch bán.

Ngược với hiện tượng trên, có khá nhiều doanh nghiệp sau khi thông báo cổ đông nội bộ bán hết cổ phiếu hay các doanh nghiệp, tổ chức nắm giữ cổ phiếu vừa thoái vốn xong thì giá cổ phiếu tăng “vù vù”. Điển hình có thể kể đến như: PPE (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam thoái hết 1,020,000 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 51% vốn của PPE trong phiên 07/11 thì giá cổ phiếu PPE tăng trần 10 phiên liên tục sau đó), DQC (SCIC đã thoái toàn bộ 3.9 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 16% vốn của DQC thông qua giao dịch thoả thuận và CTCP Đầu tư & Thương mại Điện Quang bán 500,000 cổ phiếu vào ngày 15/09 thì DQC tăng trần thêm 2 phiên),...

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng rất đáng chú ý như khối lượng cổ phiếu tự do lưu hành thấp. Với những doanh nghiệp có cổ phiếu lưu hành khiêm tốn, và thêm thị giá thấp là yếu tố thuận lợi để giá có thể bay cao như PPE, SBC, L14, NGC (Xem thêm tại đây). Hay doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ với khối lượng lớn giúp giá tăng như KBC mua 21.5 triệu cp từ ngày 20 - 26/08; kết quả là từ 20/8 – 05/09, giá cổ phiếu KBC tăng 44%.

Thu Hoa

Các tin tức khác

>   Tỷ phú thế giới lao đao vì giá dầu (22/12/2014)

>   Đứt tay vì “bắt dao rơi” (19/12/2014)

>   Cổ phiếu Thủy sản ngày càng kém hấp dẫn? (18/12/2014)

>   Thị trường chứng khoán: Khi nợ tiền được trả bằng “giấy” (16/12/2014)

>   Sắc màu chứng khoán (12/12/2014)

>   Khi “cá mập” thành sao (10/12/2014)

>   Những rủi ro của thị trường trong ngắn hạn (10/12/2014)

>   Khi cáo rời hang (04/12/2014)

>   Bầu dồn phiếu: Cơ hội cho cổ đông nhỏ lẻ lên tiếng (02/12/2014)

>   1001 yếu tố ảnh hưởng đến giá chứng khoán (29/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật