Thứ Bảy, 31/01/2015 14:08

Đường sắt ‘thắt’ đường bộ

Nhiều điểm trong số 27 điểm giao cắt giữa đường ngang - đường sắt ở TP.HCM bị thắt cổ chai hoặc nằm trên trục đường chính dẫn đến ùn ứ, nhất là lúc cao điểm.

7 giờ 30 ngày 30-1, trong lúc dòng người từ quốc lộ 13 theo hướng từ Thủ Đức vào trung tâm TP.HCM đến gần giao lộ Kha Vạn Cân - quốc lộ 13 thì sắp có tàu qua. Nhân viên gác chắn đường sắt đẩy thanh gác chắn cắt ngang đường và lập tức dòng xe nối đuôi chen chúc kín mặt đường.

Tuyến đường sắt Bắc-Nam đi sâu vào lòng nội thành tạo ra nhiều điểm giao cắt với nhiều trục đường chính ở các quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức. Trong số này có nhiều trục đường có lưu lượng xe đông đúc như Nguyễn Trọng Tuyển, Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận); quốc lộ 13, Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức)… nên tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra.

 Một nhân viên gác chắn ngã tư Bình Triệu cho biết hiện chưa tới thời điểm tăng thêm tàu chạy phục vụ tết nhưng tại đây cũng thường xuyên xảy ra ùn ứ từ 7 giờ đến 8 giờ và từ 17 giờ đến 18 giờ hằng ngày. “Trung bình mỗi ngày có khoảng 20-24 lượt tàu qua lại. Ngày cao điểm, khi có nhiều đợt tăng cường số chuyến tàu sẽ tăng gấp đôi.

Giao cắt giữa đường bộ - đường sắt hiện nay là đồng mức nên ùn ứ tại các đường ngang này thường xuyên xảy ra. Ảnh: MP

Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM, hiện toàn TP.HCM có 27 đường ngang giao cắt với đường sắt. Nhiều điểm giao cắt bị thắt cổ chai, gây trở ngại cho giao thông đường bộ khi có đoàn tàu đi qua.

 “Khi vào cao điểm phục vụ tết, ùn ứ tại các điểm giao cắt trên sẽ càng nghiêm trọng nên kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo ngành đường sắt điều chỉnh thời gian chạy tàu ngoài giờ cao điểm ở khu vực nội đô nhằm hạn chế tình trạng trên” - đại diện Ban ATGT TP nói.

Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Công ty Vận tải Hành khách đường sắt Sài Gòn, cho biết tồn tại lớn nhất hiện nay là giao cắt của tuyến đường sắt Bắc-Nam với đường bộ trên địa bàn TP là giao cắt đồng mức. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Sài Gòn đã cố gắng thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến đường bộ”.

Theo ông Sơn, cuối năm 2014 ngành đã giảm mỗi ngày khoảng 20 lượt đầu máy tàu hàng chạy vào ga Sài Gòn khi xây dựng xong trạm đầu máy ở ga Sóng Thần. Ngành cũng cố gắng điều chỉnh thời gian chạy tàu lệch giờ cao điểm bằng việc chuyển nhiều chuyến tàu khởi hành vào ban đêm từ ga Sài Gòn hoặc các chuyến đến ga Sài Gòn vào tầm 4-5 giờ sáng. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để phải có cầu vượt, hầm chui tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ.

Chờ đường sắt trên cao

Lượng xe máy, ô tô tăng lên hằng ngày (mỗi ngày có khoảng 1.000 xe máy và 100 ô tô các loại đăng ký mới) nhưng tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ vẫn là gác chắn, đèn báo tự động như hàng chục năm qua.

Theo quy hoạch, ngành đường sắt sẽ thực hiện dự án xây tuyến đường sắt trên cao từ Trảng Bom (Đồng Nai) về ga Sài Gòn (quận 3, TP.HCM). Tuyến đường sắt trên cao này sẽ chạy theo lộ trình của tuyến đường sắt hiện hữu và khi hoàn thành, kẹt xe tại các điểm đường ngang giữa đường sắt - đường bộ trên địa bàn TP.HCM sẽ được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, do nguồn vốn chưa bố trí được nên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chưa xác định được thời điểm khởi động và hoàn thành tuyến đường sắt trên cao.


Minh Phong - Phước Tĩnh

vietnam+

Các tin tức khác

>   Thị trường bán lẻ nội địa trước nguy cơ mất thương hiệu Việt (31/01/2015)

>   Chủ tịch VCCI: Cần “thoái sức Nhà nước” ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công (31/01/2015)

>   Doanh nghiệp và AEC: Tự tin trước sức ép (31/01/2015)

>   Điểm mặt 39 nhà xe không chịu giảm cước (31/01/2015)

>   Hơn 40 doanh nghiệp Thái Lan đến TP.HCM xúc tiến đầu tư (30/01/2015)

>   Kim ngạch thương mại Việt Nam-Philippines phấn đấu vượt 3 tỷ USD (30/01/2015)

>   Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ thống lĩnh thị trường (30/01/2015)

>   Công nghiệp tăng trưởng cao tháng đầu năm (30/01/2015)

>   Việt Nam không bán phá giá cá tra, basa philê vào Mỹ (30/01/2015)

>   Sẽ có 77 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện trong năm 2015 (30/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật