Thứ Bảy, 31/01/2015 11:27

Thị trường bán lẻ nội địa trước nguy cơ mất thương hiệu Việt

Thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến những thương vụ mua bán, sáp nhập của các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu trong nước với các doanh nghiệp ngoại.

* Thị trường bán lẻ trước sự “đổ bộ” của DN ngoại

Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt Nam tại siêu thị Saigon Co.op Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là sự phát triển tất yếu của thị trường bán lẻ trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam. Nhưng thực tế này cũng cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa đang đứng trước nguy cơ bị đẩy ra khỏi thị trường truyền thống và đánh mất thương hiệu Việt.

Nhà bán lẻ ngoại xâm nhập thị trường Việt Nam

Trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam, từ 10 năm nay người dân đã biết đến các hệ thống bán lẻ lớn như Metro (Đức), Big C (Pháp), Lotte (Hàn Quốc), Parson (Malaysia), Aeon (Nhật Bản), với hai hình thức chủ yếu là siêu thị và trung tâm thương mại.

Việc các nhà đầu tư Thái Lan đang nhắm vào thị trường Việt Nam, nhằm mở rộng hệ thống bán lẻ ở khu vực Đông Nam Á, đón đầu các ưu đãi do Cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại được đánh giá là khá nhạy bén.

Năm 2014, Công ty Berli Jucker thuộc Tập đoàn ThaiBev của nhà tỷ phú thứ ba Thái Lan Sirivadhanakdi đã công bố mua lại toàn bộ hệ thống bán lẻ (19 siêu thị) Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 880 triệu USD. Đây được xem là thương vụ mua bán, sáp nhập lớn nhất từ trước đến nay trong ngành bán lẻ ở Việt Nam .

Chỉ trong năm 2013, danh thu của Metro là hơn 690 triệu USD.

Khi thông tin tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan công bố mua toàn bộ hệ thống bán lẻ của Metro nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội cũng lo ngại sẽ mất thị phần bán lẻ trong nước.

Các doanh nghiệp lo ngại, hàng hóa từ Thái Lan sẽ xâm nhập thị trường Việt Nam, gây khó khăn cho các nhà sản xuất nội địa, bởi tính cạnh tranh và thương hiệu của ta còn yếu.

Đến cuối năm 2014, Central Group - một tập đoàn lớn khác của gia đình ông Chirathivat, người giàu nhất Thái Lan- cũng tuyên bố Công ty Power Buy của tập đoàn đã mua 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và Giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu 100% Công ty Thương mại Nguyễn Kim.

Hiện, Nguyễn Kim có 21 siêu thị bán lẻ điện máy trong cả nước, là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam .

Đại diện Nguyễn Kim cho biết việc bán 49% cổ phần sẽ giúp công ty có thêm nguồn vốn để đầu tư mở rộng thị phần bán lẻ trong nước. Trong khi đó, Power Buy thì muốn mở rộng và thâm nhập sâu vào thị trường bán lẻ của Việt Nam .

Tháng 4/2014, Central Group vào Việt Nam với việc mở siêu thị Robins tại Hà Nội, vài tháng sau, tập đoàn này tiếp tục chi thêm 4 triệu USD mở thêm siêu thị thứ 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai siêu thị này đều bán các mặt hàng cao cấp, thương hiệu nổi tiếng thế giới đến từ các nước châu Âu và của Thái Lan.

Như vậy, thông qua cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp, các doanh nghiệp của Thái Lan đang xây dựng, mua lại hoặc có cổ phần đáng kể nhiều doanh nghiệp lớn như CP Group Việt Nam, Red Bull, Prime Group, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, rồi Metro Việt Nam hay hệ thống điện máy Nguyễn Kim.

Theo một số chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp bán lẻ của Thái Lan đang nỗ lực xâm nhập thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, đón đầu cơ hội do Cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại, khi hàng Thái vào Việt Nam với thuế suất bằng 0%.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: sự hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực bán lẻ với các doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo đúng định hướng của thành phố.

Hiện, số lượng hàng hóa thương hiệu Việt Nam được bày bán trong các hệ thống phân phối của các doanh nghiệp FDI tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chiếm từ 60-70% lượng hàng hóa.

Nhà bán lẻ nội còn nhiều “đất” sống

Thị trường Thành phố Hồ Chí Minh được các nhà đầu tư đánh giá rất tiềm năng, với dân số hơn 7,8 triệu người, có sức tiêu thụ mạnh mẽ là miếng bánh béo bở mà các doanh nghiệp bán lẻ muốn thâu tóm.

Các doanh nghiệp nội như Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), hệ thống siêu thị Maximark thuộc Công ty cổ phần đầu tư An Phong… chi phối phần lớn thị trường.

Hiện, các doanh nghiệp kể trên đang mở rộng hệ thống kênh phân phối về nông thôn, với mạng lưới hàng chục siêu thị, hàng trăm cửa hàng trên toàn quốc.

Theo kết quả khảo sát về thị trường khu vực nông thôn Việt Nam của Kantar Worldpanel (một công ty đa quốc gia chuyên tư vấn-nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới) công bố hồi tháng 11/2014 cho thấy: nông thôn hiện chiếm 68% dân số và đóng góp 60% tổng thu nhập quốc nội, với trình độ dân trí ngày càng được nâng cao. Về dài hạn, thu nhập và mức sống nông thôn đang tiếp tục được nâng lên. Nhờ đó, các trang thiết bị cơ bản cũng đã có mặt ở phần lớn các hộ gia đình.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nông thôn là thị trường còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Rất ít các nhà bán lẻ nội địa có khả năng khai thác ở khu vực này.

Tiềm năng cho ngành bán lẻ ở nông thôn đã rõ ràng, nhưng liệu các doanh nghiệp trong ngành có thể tận dụng triệt để được cơ hội lớn này?

Thời gian qua, xu hướng mở rộng chuỗi bán lẻ về nông thôn đã được triển khai, nhưng chủ yếu từ phía các doanh nghiệp nội.

Bà Loan cho biết, thực tế hiện nay, các doanh nghiệp FDI chủ yếu chỉ đầu tư vào bán lẻ hiện đại (siêu thị/đại siêu thị, trung tâm mua sắm). Đến nay, kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 25% thị phần, nghĩa là các doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội chủ yếu cạnh tranh với nhau ở 25% thị phần bán lẻ này. Trong đó, 10% thị phần do các nhà bán lẻ nước ngoài chiếm giữ.

Bên cạnh sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội, sự xâm nhập của các doanh nghiệp ngoại vào thị trường bán lẻ Việt Nam cũng mang tới nhiều cơ hội hợp tác phát triển.

Saigon Co.op là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu của Việt Nam đang có mức tăng trưởng khá về doanh số. Theo đánh giá của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Saigon Co.op là doanh nghiệp có mức doanh thu cao nhất năm 2014, với tổng doanh số bán hàng khoảng 24.000 tỷ đồng.

Co.op hiện đang triển khai chiến lược đưa hàng về nông thôn khá hiệu quả với mạng lưới các siêu thị Co.opmart, cửa hàng Co.opFood, của hàng bách hóa Co.op… phủ hầu khắp các tỉnh thành cả nước.

Hiện, Saigon Co.op có 70 siêu thị bao gồm 28 siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và 42 siêu thị tại các tỉnh thành cả nước, chưa kể các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa của Co.op đang được người dân ưa thích.

Tiếp nối thành công của các hệ thống phân phối Co.opmart, Co.op Food, năm 2013, Saigon Co.op công bố ra mắt mô hình kinh doanh mới - đại siêu thị.

Cùng với đối tác NTUC FairPrice (một đơn vị hợp tác xã tại Singapore, nhà bán lẻ chiếm hơn 60% thị phần tại đảo quốc Sư tử với 250 điểm bán ở nhiều mô hình kinh doanh), liên doanh Saigon Co.op và NTUC Fair Price sẽ cùng đầu tư mô hình kinh doanh chuỗi đại siêu thị.

Cửa hàng đầu tiên mang tên Co.opXtra Plus vừa bán lẻ, vừa phân phối số lượng lớn tại quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh ra đời. Đây là đại siêu thị đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh, đánh dấu cột mốc quan trọng trên tiến trình phát triển của thị trường bán lẻ của Saigon Co.op.

Dự kiến, trong năm 2015 sẽ có 5 đại siêu thị Co.opXtra và Co.opXtra Plus nữa ra đời và đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 15 đại siêu thị trong cả nước.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op cho biết: việc phát triển và đa dạng hóa các loại hình kinh doanh không nằm ngoài mục đích đem đến sự tiện lợi, phong phú trong lựa chọn của người tiêu dùng, góp phần bình ổn giá cả thị trường và phát triển hơn thị trường bán lẻ hiện đại trong nước. Đây cũng là định hướng chiến lược phát triển xuyên suốt của Saigon Co.op trong tương lai.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2.945.200 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2013, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3%, cao hơn mức tăng 5,5% của năm 2013.

Xét theo ngành hàng, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm đạt 2.216.000 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2013./.

Thái Nguyên

vietnam+

Các tin tức khác

>   Chủ tịch VCCI: Cần “thoái sức Nhà nước” ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công (31/01/2015)

>   Doanh nghiệp và AEC: Tự tin trước sức ép (31/01/2015)

>   Điểm mặt 39 nhà xe không chịu giảm cước (31/01/2015)

>   Hơn 40 doanh nghiệp Thái Lan đến TP.HCM xúc tiến đầu tư (30/01/2015)

>   Kim ngạch thương mại Việt Nam-Philippines phấn đấu vượt 3 tỷ USD (30/01/2015)

>   Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ thống lĩnh thị trường (30/01/2015)

>   Công nghiệp tăng trưởng cao tháng đầu năm (30/01/2015)

>   Việt Nam không bán phá giá cá tra, basa philê vào Mỹ (30/01/2015)

>   Sẽ có 77 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện trong năm 2015 (30/01/2015)

>   Thị trường nhập khẩu phân bón 2014: Trung Quốc chiếm trên 53% (30/01/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật