Xuất khẩu sang Lào: Mục tiêu tăng trưởng 14 - 15%
Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành năm 2015, tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam sang Lào có thể tăng khoảng 15% giai đoạn 2015 - 2020 nhờ lợi thế thị trường và định hướng xuất khẩu sang Lào của Bộ Công Thương.
Đó là thông tin ông Trần Bảo Giám - Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào - chia sẻ trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương mới đây.
Theo ông Giám, hợp tác thương mại Việt Nam - Lào thời gian qua đã có những bước phát triển với nhiều thỏa thuận và chính sách của mỗi nước nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trao đổi hàng hóa và đầu tư. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Lào cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi năm 2011 đạt mức tăng 38,1% so với năm 2010, năm 2012 tăng 53,7%, năm 2013 tăng có 8,7% và riêng 11 tháng năm 2014, tăng trưởng xuất khẩu đạt 6,9% so với cùng kỳ năm 2013
Về đầu tư, Chính phủ Lào đã cấp phép đầu tư cho 413 dự án của Việt Nam với tổng số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam đứng thứ 2 trong các quốc gia đầu tư vào Lào, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, dịch vụ, hạ tầng, nông - lâm nghiệp và khai khoáng…
Dù vậy, một trong những trở lực cho hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Lào hiện nay là sức tiêu thụ của thị trường Lào yếu do khả năng thanh toán hạn chế, chi phí vận tải cao do điều kiện hạ tầng vận tải yếu kém. Đáng chú ý, mạng lưới phân phối hàng Việt tại Lào chưa được quan tâm thiết lập như chợ, cửa hàng, siêu thị và điều này rõ ràng thể hiện sự thiếu liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối Việt Nam trong việc cung ứng hàng.
Thị trường Lào vẫn còn nhiều “dư địa” cho hàng hóa Việt Nam và các doanh nghiệp phải chủ động, tích cực hơn tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa vững mạnh trước thềm AEC 2015.
Để giải quyết vướng mắc này, ông Giám cho biết, Bộ Công Thương đã định hướng xây dựng phát triển xuất khẩu sang Lào theo mô hình tăng trưởng bền vững, hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Lào tăng bình quân 14 - 15%/năm trong thời kỳ 2015 - 2020. Giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020.
Với nhóm hàng xuất khẩu nhiên liệu (xăng dầu), khoáng sản thô (chủ yếu là than đá), định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Lào từ 25% năm 2013 xuống còn 20% vào năm 2020.
Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản - nhóm có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp, mục tiêu của các mặt hàng này là chiếm khoảng 15% tổng giá trị xuất khẩu sang Lào vào năm 2020. Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo là nhóm có tiềm năng phát triển, phấn đấu tăng tỷ trọng nhóm hàng này từ 47% năm 2013 lên 65% vào năm 2020.
Hùng Cường
báo công thương
|