Không dễ khi đầu tư vào Myanmar
Tuy đã thực hiện cải cách thể chế chính trị, sửa đổi, bổ sung các bộ luật và mở cửa thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nhiều chuyên gia và DN đánh giá cho thấy không “dễ” khi đầu tư vào Myanmar bởi chi phí đầu tư khá cao và có nhiều ngành nghề, lĩnh vực mà chỉ DN Myanmar mới được phép kinh doanh.
Ông U Myo Min Htwe- Giám đốc điều hành Công ty tư vấn WIN Consulting - một trong những công ty tư vấn luật hàng đầu tại Myanmar - cho biết, hiện đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa DN lớn của các nước khi đầu tư và xúc tiến thương mại vào thị trường này. Mặt khác, có tới 11 hoạt động kinh tế cấm DN nước ngoài đầu tư, một số trường hợp đặc biệt cần liên doanh thì DN nước ngoài chỉ được chiếm tối đa 80% vốn đầu tư.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tham gia Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar
|
Theo ông U Myo Min Htwe, Luật Đầu tư nước ngoài của Myanmar quy định khi thành lập công ty phải có vốn tối thiểu 150.000 USD tiền mặt hoặc ngoại tệ, được ưu đãi về thuế trong 5 năm đầu, các năm sau tiếp tục được miễn, giảm thuế tùy loại hình kinh doanh. Ngược lại, DN có dự án đầu tư quy mô nhỏ hoặc vốn đầu tư thấp hơn, khoảng 50.000 USD thì không cần đăng ký với cơ quan đầu tư nước ngoài mà hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, ví dụ như DN hoạt động trong các ngành dịch vụ, tư vấn kỹ thuật.
Giữa tháng 11/2014, Công ty TNHH Tài chính BIDV tại Yangon, Myanmar đã nhận giấy phép thành lập tạm thời trên cơ sở vốn góp của Việt Nam (70%) và phần còn lại của Công ty Tài chính tiêu dùng vi mô Mahar Bawaga. Công ty này được hoạt động trong lĩnh vực tài chính vi mô, nhận tiền gửi, chuyển tiền và các hoạt động tài chính khác phù hợp với quy định pháp luật Myanmar.
|
Chi phí cho việc thuê, mua bất động sản của Myanmar còn khá cao. Ông Vũ Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar - cho hay, giá thuê văn phòng loại A dao động từ 80 - 100 USD/m2, căn hộ cao cấp từ 5.000 - 6.000 USD và phải trả tiền thuê trước một năm. Do hạ tầng giao thông chưa được nâng cấp nên chi phí vận tải tại Myanmar còn cao so với các nước trong khu vực và Việt Nam.
Theo ông Cường, quốc gia này có chính sách cho thuê đất xây dựng nhà máy tối đa 50 năm, có thể gia hạn thêm hai lần, mỗi lần được gia hạn 10 năm. Tuy vậy, việc thuê đất dài hạn rất khó, bởi lẽ, giá đất cho thuê là giá cao “theo kỳ vọng của tương lai” nên chỉ có thể ký hợp đồng thuê 5 năm một lần.
Do Myanmar thực hiện theo thể chế liên bang nên ông Cường “hiến kế”, chủ đầu tư cần xúc tiến dự án với chính quyền địa phương để thỏa thuận chính sách ưu đãi riêng, hoặc có thể hợp tác, thành lập liên doanh với chính quyền để hưởng ưu đãi.
Ngoài ra, còn nhiều khó khăn khác như thiếu công nhân kỹ thuật và cán bộ quản lý cấp trung, cải cách luật pháp còn chưa theo kịp nhu cầu thực tế, bộ máy hành chính cần mất nhiều thời gian để hiểu các luật mới.
“Không phải hàng hóa nào của Việt Nam cũng phù hợp để xuất khẩu sang Myanmar, DN Myanmar cũng không thiếu kinh nghiệm làm ăn với nước ngoài. Khác với Việt Nam, DN đầu tư vào Myanmar phải chủ động tìm hiểu lĩnh vực mình quan tâm dựa trên thế mạnh, thu thập dữ liệu, xây dựng dự án đầu tư, sau đó mới nên tiếp cận chính quyền địa phương” - ông Cường lưu ý và nhấn mạnh rằng, đầu tư sang Myanmar phải có chiến lược trung và dài hạn.
Khôi Nguyên
báo công thương
|