Các nước Tiểu vùng Mekong chi 30 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng
Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 5 (GMS 5) tại Bangkok (Thái Lan) vừa kết thúc vào ngày 20/12.
Lễ khánh thành cây cầu hữu nghị thứ tư Thái Lan-Lào.
|
Một trong những quyết định quan trọng được thông qua đó là trong vòng 10 năm tới, sáu nước thuộc lưu vực sông Mekong sẽ dành 30 tỷ USD cho các dự án phát triển, chủ yếu trong lĩnh vực giao thông, nhằm kết nối các nước trong khu vực.
Theo tờ Bangkok Post (Thái Lan), khoản chi 30 tỷ USD nói trên sẽ được phân bổ cho 7 lĩnh vực từ thiết lập các đặc khu kinh tế hỗn hợp dọc theo biên giới các thành viên, xây dựng các tuyến đường sắt thiết yếu cho đến việc cải thiện luật lệ về giao thông, sản xuất năng lượng để bán ra ngoài khu vực, khuyến khích đầu tư tư nhân trong khối tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Hiện nay, Trung Quốc đang vươn lên thành nước dẫn đầu, và nỗ lực tận dụng thế mạnh của mình để phá vỡ tình trạng bị cô lập về mặt địa lý của vùng Vân Nam, đồng thời mở rộng cửa ngõ các nước Đông Nam Á cho hàng hóa Trung Quốc.
Hôm 20/12, Thủ tướng Lý Khắc Cường, trưởng phái đoàn Trung Quốc, đã thông báo cấp 3 tỷ USD tín dụng cho năm nước Đông Nam Á để cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao sản xuất và xóa đói giảm nghèo. Trong số 3 tỷ USD nói trên, có khoảng 1,6 tỷ USD dành cho việc hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc.
Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng được hình thành năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), là chương trình hợp tác hoàn chỉnh nhất trong hợp tác Tiểu vùng Mekong, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar, cùng với Trung Quốc.
Sáu nước thuộc Tiểu vùng Mekong mở rộng trong thời gian qua đã đẩy mạnh các chương trình hợp tác trong đó cơ sở hạ tầng có vị trí quan trọng./.
vietnam+
|