Dỡ bỏ hạn ngạch, EU sẽ “ngập chìm” trong bơ sữa?
Liên minh châu Âu (EU) sẽ dỡ bỏ hạn ngạch sản xuất đối với sản phẩm bơ vào ngày 31/3 tới đây để khai thác nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao đối với sản phẩm làm từ bơ sữa tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc - nơi có có nhu cầu tiêu thụ sữa bột có xuất xứ nước ngoài tăng mạnh sau khi một loạt các vụ bê bối về sữa nhiễm độc ở trong nước được loan báo.
Sản phẩm sữa của hãng Canida được bày bán tại Nantes (Pháp). (Nguồn: AFP/TTXVN)
Mặc dù hạn ngạch này được áp dụng kể từ năm 1984 để hạn chế tình trạng cung vượt cầu, nhưng EU vẫn là nhà sản xuất bơ sữa số một thế giới và là nhà xuất khẩu lớn thứ hai của sản phẩm này.
Sở giao dịch chứng khoán Euronext đã công bố kế hoạch tạo ra các hợp đồng giao dịch trong tương lai (có thể là từ 3-6 tháng hoặc lâu hơn) với một mức giá được thỏa thuận trước đối với các sản phẩm bơ, sữa bột không béo và sữa bột để hạn chế rủi ro về biến động giá cả đối với cả người nông dân và các nhà chế biến thực phẩm.
Kế hoạch trên của Euronext đang nhận được phản ứng trái chiều từ các chuyên gia. Trong khi Công ty tư vấn về nông nghiệp Agritel (Pháp) gọi đây là một “tin tốt lành” thì Gerard Calbrix, chuyên gia kinh tế thuộc Hiệp hội Chế biến sữa tại Pháp (ALTA), lại tỏ ra nghi ngờ sáng kiến này.
Theo ông Calbrix, sáng kiến về một hợp đồng giao dịch trong tương lai đối với sản phẩm sữa bột đã được Euronext giới thiệu vào năm 2010 tuy nhiên không được hưởng ứng. Bên cạnh đó, sữa rất nhanh hỏng do đó sẽ không thể có một thị trường cho sản phẩm này.
Động thái dỡ bỏ hạn ngạch đối với các sản phẩm bơ đang khiến người nông dân lo ngại do nguồn cung tăng quá nhanh sẽ khiến giá của các sản phẩm bơ sữa giảm và tác động đến tài chính của họ.
Thêm vào đó, Michel Portier, Giám đốc công ty tư vấn Agritel, nhận định “dấu chấm hết” của hạn ngạch đối với sản phẩm lúa mỳ và ngô sẽ khiến người nông dân phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường thế giới.
Phương Nga
Vietnam
|