Thứ Tư, 24/12/2014 13:06

Xuất khẩu gỗ nối đà tăng trưởng

Ước tính kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ năm 2014 đạt khoảng 6,5 tỉ USD, tăng 15% so với năm ngoái. Với sự ấm lại của các nền kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản… kim ngạch này dự báo sẽ được tiếp tục duy trì.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đây là chia sẻ của ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA).

Ông có thể đánh giá về tình hình xuất khẩu gỗ trong năm 2014 và dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2015? 

Ông Huỳnh Văn Hạnh: Ước tính, kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2014 có thể đạt 6,4-6,5 tỉ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2013. Đây là mức tăng trưởng cao, nhưng theo đánh giá của chúng tôi vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường.

Hiện nay, nền kinh tế của các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật, Anh đang ấm dần. Nếu như họ vẫn có mức tăng trưởng GDP tốt trong năm tới và những ưu đãi chính sách sau quyết định của Thủ tướng Chính phủ đưa ngành chế biến trở thành 1 trong 10 ngành trọng điểm tới năm 2020 thì dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ trong năm 2015 sẽ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng.

Thị trường đang mở ra, trong số 70 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ trên thế giới thì Việt Nam mới chiếm 2,56% thị phần. Như vậy, còn rất nhiều cơ hội để tăng trưởng nhanh và chiếm lĩnh thị phần trong thời gian tới.

Hiện nguồn gỗ nguyên liệu của các DN Việt Nam được nhập chủ yếu từ tiểu vùng sông Mekong nhưng từ tháng 12/2014 đã dừng lại. Liệu việc này có ảnh hưởng tới nguồn nguyên liệu của ngành chế biến gỗ?

Ông Huỳnh Văn Hạnh: Hiện nay, kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Lào đang cao nhất trong số các nước mà chúng ta nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Nhưng có một đặc điểm là Lào muốn xuất khẩu sang các nước phải qua con đường của Việt Nam và Thái Lan vì họ không có đường bờ biển.

Việc họ đi qua con đường của Việt Nam làm tỉ trọng nhập khẩu gỗ của chúng ta tăng lên nhưng thực tế chúng ta không sử dụng nhiều, chủ yếu sử dụng một số ít cho các công trình xây dựng và tiêu dùng nội địa, còn lại là tạm nhập tái xuất, tức đưa qua Việt Nam rồi đi sang nước thứ ba.

Thực tế, sau Lào, Hoa Kỳ, quốc gia có trình độ quản lý rừng bền vững và tin cậy, hiện là nước đứng thứ hai xuất khẩu gỗ vào Việt Nam nhưng nếu chúng ta loại trừ những yếu tố tạm nhập tái xuất đi thì chính Hoa Kỳ là nước xuất khẩu gỗ vào Việt Nam nhiều nhất.

Trước kia, có tới 60 quốc gia cung ứng gỗ cho Việt Nam nhưng kể từ khi có yêu cầu của Luật Lacey (Hoa Kỳ) và Hiệp định Đối tác Tự nguyện (FLEGT) của EU thì số lượng quốc gia cung ứng gỗ hiện nay giảm xuống chỉ còn 30 nước với kim ngạch nhập khẩu gỗ vào khoảng 1,8 tỉ USD trong năm nay.

Ông đánh giá như thế nào về những thuận lợi cũng như thách thức của ngành gỗ năm 2015?

Ông Huỳnh Văn Hạnh: Việt Nam hiện dần đang trở thành một nước sản xuất và xuất khẩu gỗ hợp pháp. Nguồn cung gỗ rừng trồng, cây cao su và gỗ từ các cây phân tán như cây ăn trái trong nước chiếm khoảng 50%, còn lại 50% tổng nhu cầu gỗ nguyên liệu đều nhập từ các nước có trình độ quản lý rừng trồng tốt nên đều là nguồn gỗ hợp pháp.

Về mặt thị trường, kinh tế đang ấm dần tại các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản… khiến nhu cầu nhập khẩu gỗ tăng cao. Trong khi Trung Quốc là quốc gia sản xuất nhiều đồ gỗ nhất thế giới nhưng bị áp lực về thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ. Đây là những ưu thế thuận lợi mà nếu biết tận dụng cơ hội thì có thể gia tăng giá trị xuất khẩu của mình trong những năm tới.

Đặc biệt, việc tham gia đàm phán Hiệp định FLEGT của EU cũng sẽ củng cố hình ảnh là Việt Nam rất quan tâm tới môi trường do việc đàm phán này không bắt buộc và là sự tự nguyện của mỗi quốc gia. Do đó, nếu sản phẩm gỗ sản xuất tại Việt Nam được EU thừa nhận thì các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand cũng sẽ thừa nhận kết quả đàm phán đó.

Song, để tận dụng được cơ hội này, trước tiên, các DN cần cải tiến về phương pháp quản trị lao động của mình bằng cách nâng cấp hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ để thay thế bớt lao động. Chính sự gia tăng công nghệ cũng làm chất lượng sản phẩm ổn định hơn.

Bên cạnh đó, các DN cũng cần chú trọng trong hiệu quả sử dụng nguyên liệu. Những năm qua theo đánh giá của chúng tôi, các DN sử dụng nguyên liệu gỗ vẫn chưa hiệu quả, gây lãng phí.

Đỗ Hương (thực hiện)

chính phủ

Các tin tức khác

>   Thanh tra 17 dự án BOT, trị giá 50.624 tỷ đồng (24/12/2014)

>   Nhiều sai phạm tại Fosco (24/12/2014)

>   Thưởng Tết sẽ không cao (24/12/2014)

>   Sơn La kêu gọi đầu tư vào 21 dự án trọng điểm (24/12/2014)

>   Tuần tới, vé xe, cước taxi sẽ giảm (24/12/2014)

>   Nhà nước giữ tỷ lệ sở hữu lớn ở bauxite Tân Rai (23/12/2014)

>   Bộ Tài chính yêu cầu phạt doanh nghiệp chậm giảm cước (23/12/2014)

>   Giá xăng giảm sâu, hàng tiêu dùng vẫn án binh bất động (23/12/2014)

>   Trước giảm giá, quỹ bình ổn của Petrolimex còn dư 1.955 tỷ đồng (23/12/2014)

>   EVN lãi lớn, hoãn tăng giá điện? (23/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật