Thứ Ba, 23/12/2014 20:44

Giá xăng giảm sâu, hàng tiêu dùng vẫn án binh bất động

Với mức giảm giá xăng dầu ồ ạt như vừa qua, người tiêu dùng có quyền hy vọng giá cả hàng hóa sẽ theo chân mặt hàng xăng dầu giảm mạnh. Tuy nhiên, khảo sát trên thị trường sau cú “đại hạ giá” của mặt hàng xăng dầu cho thấy, giá cả trên thị trường không hề biến động như kỳ vọng.

Các tiểu thương cho biết, giá rau xanh vẫn giữ nguyên như cũ.

Ngày 22.12, giá xăng giảm một mạch 10,3%, đẩy giá xăng RON 92 xuống còn 17.881đ/lít. Đây là đợt giảm giá xăng dầu lần thứ 12 tính từ tháng 7.2014 đến nay, nâng tổng mức giảm của mặt hàng xăng tới 8.267đ/lít, giảm diezel 5.825đ/lít; giảm 5.553đ/kg đối với dầu mazut. 

Thực phẩm không theo giá xăng

Mặt hàng thực phẩm đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm vẫn duy trì ở mức cao sau đợt nhích giá cách đây khoảng 10 ngày. Các loại thủy sản vào cuối năm giá chưa có xu hướng giảm. Cụ thể tại chợ Thái Hà, Q.Đống Đa, chỉ có một vài mặt hàng thực phẩm, rau củ dao động giảm giá nhẹ. Các loại rau như cà chua, rau muống, cải vẫn dao động từ 10.000-15.000 đồng/kg tùy loại, giá các loại rau ăn sống vẫn dao động quanh mức 20.000-30.000 đồng/kg.

Các tiểu thương cho biết, giá rau xanh vẫn giữ nguyên như cũ, chỉ có một số loại giảm 1.000-3.000 đồng/kg do thời tiết ấm lên trong vài ngày gần đây.

Đặt câu hỏi giá xăng dầu thời gian qua đồng loạt giảm sâu sao cửa hàng không điều chỉnh giảm giá rau, thịt, bà Oanh– một người bán hàng phân trần: “Mình nhập rau về có thấy giảm giá đâu mà mình giảm, mình cũng đang mong giảm để khách mua nhiều hơn chứ gần Tết rồi mà ít người mua hàng quá!”.

Bà cũng cho biết thêm, tại chợ, có một số hàng rau nhập về từ cách đây 2-3 ngày nhưng vẫn gần như còn nguyên vì “ế ẩm” khách.

Dạo một vòng quanh khu vực ăn uống ở một số quận trên địa bàn Hà Nội, đa phần các loại đồ ăn như bún, phở, cơm văn phòng,… vẫn được bán với mức giá như cũ. Chủ hàng ăn đều giải thích với lý do giá nguyên liệu nhập vào đều được đặt hàng trước, nên giá xăng, giá thực phẩm giảm tác động không nhiều, giá mặt bằng đắt đỏ cũng khiến các loại đồ ăn ở đây luôn có xu hướng tăng giá chứ không giảm.

“Nếu rau, thực phẩm giảm giá thì chúng tôi sẽ không phải nghĩ nhiều. Nói là giá xăng dầu giảm nhưng ngày nào chúng tôi cũng lấy nguyên liệu thịt cá, rau củ đủ loại mà có thấy thứ nào giảm đâu, thậm chí còn tăng đều đều”, nhân viên một quán ăn trên Đê La Thành phân trần.

Tại một số siêu thị lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội như VinMart, Minh Hoa,… các nhân viên cũng cho biết giá các mặt hàng tại đây không giảm giá dù cũng có nghe thông tin giá xăng dầu giảm mạnh. Theo anh L, giám sát mặt hàng khô tại siêu thị Vinmart: “Các mặt hàng tại đây hiện đang giảm giá vì có đợt khuyến mại của riêng siêu thị nhân dịp cuối năm chứ không có giảm giá theo đợt giảm giá xăng dầu”.

Và thông thường, nếu các mặt hàng bên anh có giảm giá là do giá từ nhà cung cấp giảm, nếu nhà cung cấp chưa có quyết định thì bên siêu thị vẫn giữ nguyên như vậy.

Tại một số cửa hàng sữa, về những sản phẩm sữa nhập ngoại, các nhân viên tại một số cửa hàng sữa trên địa bàn Hà Nội đều cho biết giá sữa từ sau đợt áp giá trần vẫn được giữ nguyên, không có dấu hiệu giảm. Một số cửa hàng quần áo cũng cho biết, giá quần áo nhập về vẫn như cũ thậm chí còn cao hơn vì vào mùa mới. Chỉ có quần áo của mùa hè, hay thuộc hàng mẫu cũ mới giảm giá.

Cuối năm, giá không tăng: Đáng mừng?

Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến cho rằng: Đang là mùa lễ hội cuối năm nếu hàng hóa không tăng cũng là một trong những tín hiệu đáng mừng cho người tiêu dùng.

Theo nhận định của Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội ông Vũ Vinh Phú: Dù giá xăng có tiếp tục giảm đến lần thứ 12-13 đi chăng nữa thì giá hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa thiết yếu ít có khả năng giảm. Nguyên nhân là bởi tổng cầu ở mức thấp mặc dù là dịp mua sắm cuối năm nhưng người dân dường như thờ ơ với nhu cầu này. Giá hàng hóa chỉ có xu hướng tăng chứ không giảm, đặc biệt là các dịch vụ từ cắt tóc, rửa xe… Giá hàng hóa giảm cũng là một trong những yếu tố kích thích cầu tăng.

Cũng theo ông Phú, với mức tổng cầu hiện nay, chỉ số CPI bất thường so với các năm, báo hiệu một năm khó khăn và tình trạng này chưa chắc sẽ được giải quyết từ nay đến Tết Ất Mùi. Qua đợt giảm giá xăng lần này, giá hàng hóa không giảm càng cho thấy rõ khâu phân phối của chúng ta có vấn đề khi lợi nhuận ở khâu này luôn chiếm tỉ lệ cao.

Để quyền lợi của người tiêu dùng đảm bảo thì các nhà bán lẻ cần phải tích cực hơn nữa vào khâu phân phối như 10 siêu thị có thể đặt hàng mua cũng một nhà cung cấp đảm bảo giá bán buôn, giảm chi phí vận chuyển, trung gian giảm giá thành sản phẩm thay vì 10 siêu thị đặt hàng 10 lần với mức giá bán lẻ như hiện nay.

Đặng Tiến - Thu Hà – Hoàng Hà

lao động

Các tin tức khác

>   Trước giảm giá, quỹ bình ổn của Petrolimex còn dư 1.955 tỷ đồng (23/12/2014)

>   EVN lãi lớn, hoãn tăng giá điện? (23/12/2014)

>   Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng với nền kinh tế toàn cầu (23/12/2014)

>   Sản phẩm Kềm Nghĩa chiếm 80% thị phần cả nước (23/12/2014)

>   Luật có xóa được tình trạng “phép vua thua lệ làng” (23/12/2014)

>   Cảng container quốc tế Cái Lân mỗi tháng lỗ 1 triệu USD: Nhà đầu tư ngoại “thôn tính” nhà đầu tư nội? (23/12/2014)

>   Xem xét khởi tố vụ án ở thủy điện Đạ Dâng (23/12/2014)

>   Điều chỉnh Đề án tái cơ cấu Tập đoàn TKV (22/12/2014)

>   Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 2014 ước đạt 30,8 tỷ USD (22/12/2014)

>   Hoàn thiện quy định chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành cty cổ phần (22/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật