Cảng container quốc tế Cái Lân mỗi tháng lỗ 1 triệu USD: Nhà đầu tư ngoại “thôn tính” nhà đầu tư nội?
Chính thức đi vào hoạt động vào tháng 8.2012, Cty TNHH cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) - liên doanh giữa Cty CP đầu tư cảng Cái Lân (CPI-Việt Nam) và Cty TNHH SSA Holdings International Việt Nam (SSA-Mỹ), theo tỉ lệ 51% và 49% - cho đến thời điểm này vẫn liên tục lỗ nặng, khiến đối tác trong nước, dù nắm cổ phần chi phối, “hoa mắt, chóng mặt” vì những khoản lỗ kinh hoàng.
Lý do lỗ, theo giải thích của lãnh đạo CICT có vẻ hợp lý, nhưng liệu đằng sau câu chuyện lỗ triền miên này có việc nhà đầu tư ngoại đang tìm cách “thôn tính” nhà đầu tư nội như đã từng xảy ra ở nhiều Cty liên doanh trước đó?
Cầu cảng dài 594m, độ sâu trước bến -13m, cho phép cảng container quốc tế Cái Lân tiếp nhận tàu 3.500 TEU
|
Mỗi tháng lỗ 1 triệu USD
CICT có tổng vốn đầu tư 155,3 triệu USD, trong đó cổ đông trong nước gồm Vinalines, cảng Quảng Ninh, Geleximco và các nhà đầu tư cá nhân giữ 51% cổ phần; số còn lại do SSA nắm giữ.
Theo thông báo mới nhất của CICT, chỉ tính riêng trong 11 tháng của năm 2014, số lỗ của liên doanh này là trên 218 tỉ đồng. Không tiết lộ chi tiết tổng số lỗ kể từ khi cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc của CICT đón con tàu container đầu tiên cách đây hơn 2 năm, nhưng một lãnh đạo CICT khẳng định rằng: Bình quân mỗi tháng lỗ 1 triệu USD.
Có hay không nhà đầu tư ngoại “thôn tính” nhà đầu tư nội?
Theo ông Trần Nam Trung - Phó Tổng Giám đốc CICT, cảng Cái Lân là cảng nước sâu, chủ yếu đón tàu lớn, nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, nên thời gian gần đây, các hãng tàu chủ yếu dùng tàu cỡ nhỏ và vừa, và vì thế thường chọn Hải Phòng làm điểm đến do hạ tầng giao thông, hậu cần thuận tiện hơn. Một số hãng tàu lớn như Maersk và Cosco có ghé qua cảng Cái Lân nhưng cũng chỉ để giảm tải để có thể đi vào cảng Hải Phòng. Vì thế, mặt hàng chủ đạo của CICT là hàng container trong 11 tháng đầu năm nay chỉ đạt 96.617 TEU, bằng 44% kế hoạch. “Hơn nữa, nhiều cảng bên Hải Phòng đã hết khấu hao nên giảm giá chi phí thấp hơn ít nhất 10USD/TEU so với CICT, cùng với hạ tầng bên đó thuận lợi hơn, nên CICT khó có thể cạnh tranh nổi” - ông Trung cho biết.
Ông Trịnh Vũ Khoa - Giám đốc VOSA Quảng Ninh, đơn vị làm đại lý cho 80% các hãng tàu biển tại Quảng Ninh - thừa nhận, CICT chỉ là sự lựa chọn sau cùng bởi chi phí tàu vào xuất và nhập hàng ở cảng của CICT luôn cao hơn các cảng khác, cùng những chính sách cứng nhắc. “Nhiều tàu vào nhận hàng xong phải ra vội cảng rồi mới cân, đong, đo, đếm lượng hàng vì nếu ở lại sẽ phải trả phí ít nhất 200USD/giờ. Trong khi đó, các cảng khác tạo điều kiện hết mức cho các tàu vì ra ngoài cảng cân, đong, đo, đếm lượng hàng sẽ không an toàn bằng ở trong cảng” - ông Khoa chia sẻ.
Một lý do nữa khiến CICT liên tục lỗ là do cơ cấu vốn vay của dự án chiếm tỉ lệ quá cao - 67,82% (hơn 105 triệu USD) trong tổng mức đầu tư nên chi phí lãi vay là rất lớn. Cụ thể, CICT phải trả lãi vay hơn 4,4 triệu USD năm 2012; gần 9,5 triệu USD cả gốc và lãi vay năm 2013; gần 13,6 triệu USD gốc và lãi năm 2014…
Ông Patrick Avice - Tổng Giám đốc CICT - cho biết, ban đầu không nghĩ tình hình khó khăn như vậy, bởi các ngành chức năng đều nói “các cảng bên Hải Phòng đã quá tải và sẽ không mở rộng thêm, nhưng sau đó lại liên tục mở rộng”.
Nhà đầu tư ngoại đề nghị thoái vốn trong nước
Cho đến nay, các khoản trả gốc, lãi suất ngân hàng và các nguồn vốn khác đều trích từ lợi nhuận kinh doanh và vốn do SSAHVN cho CPI vay. Vì thế, số nợ của CPI mỗi ngày một lớn, mà một trong những chủ nợ chính là đối tác trong liên doanh của mình. Được biết, trong hơn 105 triệu USD vốn vay thì có tới hơn 100 triệu USD là vay của các ngân hàng nước ngoài; số còn lại vay từ chính SSA.
Chính sự nợ nần, lỗ triền miên khiến dòng tiền của CICT ngay trong tháng 12 này bị thiếu hụt ít nhất 7,9 triệu USD. Để bù đắp sự thiếu hụt này, CICT cần sự hỗ trợ từ các cổ đông dựa trên tỉ lệ cổ phần tương ứng; theo đó, CPI đóng 4,03 triệu USD, SSA đóng 3,87%. Tuy nhiên, Vinalines và CPI không có khả năng tiếp tục góp vốn để hỗ trợ sự thiếu hụt vốn này, ngày 3.12.2014, các ngân hàng cho vay đã đồng ý cho CICT dãn trả nợ gốc 4 triệu USD trong khi chờ Chính phủ phê duyệt phương án thoái vốn và chỉ phải trả 2,7 triệu USD tiền lãi vào ngày 15.12.2014. Để CICT có nguồn tài chính thanh toán kịp thời vào ngày 15.12.2014, SSA đề xuất cung cấp cho CICT một khoản vay không tính lãi để trả lãi cho ngân hàng. Tuy nhiên, Vinalines không đồng ý với giải pháp này vì không giải quyết được triệt để tình hình tài chính của liên doanh và sẽ hình thành gánh nặng tài chính rất lớn đối với CICT sau này, trong đó có CPI.
Được biết, SSA cũng đã có kiến nghị về việc thoái vốn của CPI và Vinalines trong liên doanh CICT và hiện đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu. Theo CICT, Bộ GTVT đã trình lên Thủ tướng Chính phủ về sự thay đổi trong kế hoạch tái cơ cấu của Vinalines bao gồm đề xuất phê duyệt giảm cổ phần của CPI tại CICT. Theo CICT, thoái vốn của CPI nhanh trong CICT là biện pháp hữu hiệu hiện nay để tránh việc các ngân hàng cho vay thu hồi và đóng cửa dự án.
Cảng container quốc tế Cái Lân được trang bị hiện đại nhất trong các cảng biển khu vực miền Bắc.
|
Vấn đề, ai sẽ mua số cổ phần CPI tại CICT khi mà số lỗ, số nợ cùng thị trường đang khó khăn trong bối cảnh hiện nay? Nếu nhà đầu tư trong nước e ngại, để nhà đầu tư nước ngoài mua thì có thể rằng cán cân quyền lực trong liên doanh có thời gian hoạt động 50 năm nay sẽ thay đổi: Quyền chi phối sẽ thuộc về các đối tác nước ngoài khi tỉ lệ cổ phần của họ vượt qua mức 49% hiện nay.
CICT xin được khai thác hàng rời và đề xuất thành lập văn phòng kiểm định chất lượng xe và thiết bị cơ giới tại Cái Lân...
lao động
|