Vụ Huyền Như: VietinBank khuyên bị hại chớ vội mừng
Đó là lời khuyên của một trong năm luật sư của VietinBank tại phần đối đáp quan điểm với công tố trong phiên phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như cùng các đồng phạm chiếm đoạt 4.000 tỷ sáng ngày 30-12.
Luật sư nói "VKS chỉ đề nghị HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của 5 nguyên đơn dân sự (công ty SBBS, Phương Đông, Toàn Cầu, An Lộc, Hưng Yên) huỷ một phần bản án sơ thẩm liên quan đến hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ của họ để điều tra truy tố lại Huyền Như về tội tham ô. Chứ VKS không phải đề nghị HĐXX chấp thuận yêu cầu của các đơn vị này đòi VietinBank cho họ trong vụ án này như có luật sư đã nhầm lẫn nêu ra".
Huyền Như và các bị cáo trong phiên xét xử. Ảnh: Hoàng Yến
|
Từ đây, luật sư đưa ra lời khuyên cho năm nguyên đơn dân sự này chớ vội mừng. Bởi nếu HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS thì biết đâu "quý vị chẳng những không thu hồi lại được tiền mà còn một ACB thứ hai, thứ ba"... Luật sư dẫn nguồn các kết luận điều tra bổ sung có phần xác định hành vi của các cá nhân lãnh đạo hai ngân hàng (mà các nguyên đơn dân sự này theo VietinBank là công ty sân sau của các ngân hàng-PV) có dấu hiệu của tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165, BLHS).
Cạnh đó, luật sư cũng đặt vấn đề khi phân tích hành vi của năm công ty trên VKS lại chỉ tập trung mặt hình thức, thủ tục mở tài khoản và tiền đã chuyển vào tài khoản để quy trách nhiệm cho VietinBank mà quên không quan tâm gì đến các hành vi, giao dịch bất hợp pháp trước khi mở tài khoản, mục đích mở tài khoản để làm gì, nguồn tiền từ đâu họ chuyển vào tài khoản và sử dụng thế nào.
Trong khi đối với ACB, NaviBank thì lại được VKS phân tích sâu bản chất, nội dung thật giao dịch, hành vi sai phạm của hai ngân hàng này khi mở và sau khi mở tài khoản, nguồn gốc tiền và mục đích mở tài khoản... Luật sư nhấn mạnh đây chính là điểm khác biệt quan điểm lớn nhất giữa công tố và các luật sư VietinBank. Đó cũng là lý do chúng ta không gặp nhau theo nhận định của VKS.
Các bị cáo trong phiên xét xử sáng 30-12. Ảnh: Hoàng Yến
|
Một luật sư khác của VietinBank cũng bày tỏ sự không đồng tình việc "tặng quà giáng sinh của VKS người có người không". Theo luật sư này, việc đề nghị huỷ một phần vụ án của VKS là phiến diện và chủ quan. Bởi hồ sơ vụ án không có gì mới. Hơn hai năm điều tra, truy tố mới được đưa ra xét xử sơ thẩm thể hiện một sự thận trọng trong đánh giá của các cơ quan tố tụng.
Tuy vậy đến nay, VKS lại đưa ra khái niệm mới "quan hệ pháp luật lưỡng tính". Luật sư nhấn mạnh: "Trong hàng chục năm hành nghề ông chưa biết đến khái niệm này chỉ có người lưỡng tính...". Cạnh đó, viện cũng không chỉ ra được VietinBank lơi lỏng chỗ nào mà có lúc đã thừa nhận ngân hàng này có hệ thống quản lý chặt chẽ...
Đi vào từng trường hợp cụ thể, luật sư VietinBank dẫn lời khai của lãnh đạo Công ty An Lộc tại cơ quan điều tra về mục đích mở tài khoản là "không có nhu cầu, việc mở nhằm mục đích cho một tổ chức tín dụng gửi tiền để hưởng chênh lệch". Như vậy, công ty này cùng mục đích mở tài khoản với nhóm nhân viên ACB và Navibank là nhằm hưởng lãi chênh lệch. Cùng một vấn đề nhưng VKS đặt hai quan điểm khác nhau nên luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại “phần gốc” còn lại của vụ án này.
Tương tự một luật sư khác của VietinBank cũng cho là trong việc chiếm đoạt tiền của Công ty Toàn Cầu, Huyền Như đã có 15 hành vi lừa đảo từ giả chữ ký, giả con dấu…
Luật sư dẫn hàng loạt lời khai của Huyền Như và một số người liên quan; một số quy định trong luật doanh nghiệp, điều lệ hoạt động… đề nghị HĐXX và cơ quan công tố phải xem xét rõ mục đích mở tài khoản của công ty này.
Phiên toà vẫn đang tiếp tục.
Hoàng Yến
pháp luật tphcm
|