Thứ Bảy, 27/12/2014 11:03

Kiều hối ngày càng tăng về chất và lượng

Năm 2014, lượng kiều hối nước ta sẽ đạt xấp xỉ 11 - 12 tỷ USD. Lượng tiền này đang được đầu tư ngày càng nhiều cho sản xuất và kinh doanh, tạo ra sự phát triển cho nền kinh tế Việt Nam.

* Năm nay Việt Nam nhận khoảng 12 tỉ USD kiều hối

* Kiều hối gửi về Việt Nam được dùng vào việc gì?

 

Theo báo cáo “Nghiên cứu về toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam và những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” do Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) công bố: Đến hết năm 2014, lượng kiều hối của Việt Nam sẽ đạt từ 11 - 12 tỷ USD. Như vậy, trong 25 năm qua (1990 - 2014), dòng kiều hối chảy vào Việt Nam không ngừng gia tăng, với mức tăng trưởng ngoạn mục trung bình lên tới 38,6 %. Chỉ tính đến hết năm 2013, tổng giá trị kiều hối đã vượt mức 80 tỷ USD. Theo đó, giá trị của kiều hối dao động ở mức tương đương 8% GDP của cả nước.

Trong giai đoạn 2007 – 2013, kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện) và lớn hơn cả vốn viện trợ phát triển chính thức ODA đã giải ngân. Đặc biệt, trong giai đoạn 2004 - 2006, kiều hối là nguồn vốn lớn nhất của đất nước. Cho đến nay, Việt Nam vẫn đang nằm trong danh sách 10 nước nhận nguồn tiền kiều hối lớn nhất thế giới.

“Nhưng đáng mừng là dù xét dưới bất cứ góc độ nào: vĩ mô hay vi mô thì phần lớn tác động của kiều hối ở nước ta vẫn là tích cực, tác động tiêu cực chỉ chiếm một phần nhỏ”- Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Hiện nay, có đến 40% gia đình được hỏi cho rằng kiều hối có vai trò quan trọng và đáng kể trong đời sống hàng ngày. Chủ yếu, lượng kiều hối được chi cho mục đích tiêu dùng (35%), riêng thành phố Hồ Chí Minh là 44 – 45%. “Trong bối cảnh tổng cầu ở Việt Nam giảm mạnh thì việc tư nhân tăng tiêu dùng cũng là một cách kích thích cơ hội kinh doanh để kinh tế hồi phục”- ông Thành nhận định.

Hoa Kỳ hiện là quốc gia chuyển tiền kiều hối về Việt Nam nhiều nhất. Giai đoạn 2010 - 2013, lượng kiều hối từ Hoa Kỳ chiếm tới khoảng 57% tổng số kiều hối chính thức của cả nước. Trong cùng kỳ, các quốc gia chuyển kiều hối lớn tiếp theo là Úc (khoảng 9% tổng giá trị cả nước), Canada (8,4%), Đức (hơn 6%), Campuchia (hơn 4%) và Pháp (khoảng 4%).

Mục đích lớn thứ hai của kiều hối là để phục vụ cho việc đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tiết kiệm và y tế, giáo dục. Tuy nhiên, trong khoảng từ 3 – 5 năm trở lại đây, lượng kiều hối chi cho mục đích đầu tư đang có tỷ lệ ngày càng tăng. Riêng trong lĩnh vực đầu tư, tiền gửi ngân hàng sinh lãi chiếm 30%, sản xuất và dịch vụ chiếm 27 - 30%, đầu tư và kinh doanh vàng chiếm khoảng 20% và thị trường bất động sản chiếm 16 - 17%. 

Như vậy lượng kiều hối đổ về Việt Nam đang tăng không chỉ về “lượng” mà cả về “chất”. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam đánh giá: Trong vòng 20 năm trở lại đây, Việt nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, cán cân thanh toán của Việt Nam được cải thiện, dự trữ ngoại tệ ở mức cao, thu nhập bình quân gia tăng, đời sống người dân được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo. Có được điều này là nhờ sự nỗ lực của các tổ chức cơ quan chính phủ trong việc huy động mọi nguồn lực xã hội. Một trong những nguồn lực quan trọng phải kể đến chính là nguồn kiều hối. Chính nguồn tiền này đã góp phần cải thiện thu nhập của người dân và giúp phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.

Dựa trên tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu, tỷ giá VND/USD, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm 2015 và 2016, dòng tiền kiều hối đổ về Việt nam sẽ tiếp tục tăng trưởng so với con số năm 2014.

Thu Hà

công thương

Các tin tức khác

>   Seabank chi hơn 124.5 tỷ đồng trả cổ tức 2013 (27/12/2014)

>   MaritimeBank sẽ mua tối đa 6.7 triệu cp làm cổ phiếu quỹ (26/12/2014)

>   Vụ Huyền Như: Luật sư so bì mức án với các bị cáo vụ 'bầu Kiên' (26/12/2014)

>   Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc cho vay ngoại tệ (26/12/2014)

>   Vụ Huyền Như: Tài khoản của khách hàng tại VietinBank đều an toàn (26/12/2014)

>   Agribank chuyển hội sở, điều chỉnh logo (26/12/2014)

>   Vụ Huyền Như: VietinBank không 'tặng quà Giáng sinh' cho bị hại (26/12/2014)

>   ĐHĐCĐ VCB: Thông qua việc sáp nhập một ngân hàng khác (26/12/2014)

>   Phòng chống việc thanh toán thẻ quốc tế giả mạo (26/12/2014)

>   Vay vốn mua nhà: Thời nay sẵn tiền quá (26/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật