Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc cho vay ngoại tệ
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, ngày 25/12/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư 43/2014/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là TCTD) đối với khách hàng vay là người cư trú (Thông tư 43).
* NHNN công bố đối tượng được cho vay ngoại tệ
Điểm sửa đổi lớn nhất của Thông tư 43 so với quy định hiện hành là cho phép các TCTD được tiếp tục cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu và cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đến hết ngày 31/12/2015 thay vì đến 31/12/2014.
Cụ thể, TCTD được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn: (i) Cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu năm 2015 để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; (ii) Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được TCTD giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Theo quy định trước đó tại Thông tư 29/2013/TT-NHNN ngày 06/12/2013 của Thống đốc NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD đối với khách hàng vay là người cư trú (Thông tư 29) thì trong 4 nhu cầu quy định được vay ngoại tệ thì chỉ có 2 quy định có thời hạn hiệu lực đến ngày 31/12/2014 là cho vay ngắn hạn với doanh nghiệp đầu mối xăng dầu và cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu.
Trước thời điểm ban hành Thông tư 43, đã có những phân tích liên quan đến biến động nhẹ của tỷ giá những ngày đầu tháng 11, trong đó có đề cập đến việc các ngân hàng sẽ dừng cho vay bằng ngoại tệ sau ngày 31/12/2014 theo một số quy định tại Thông tư 29. Theo phân tích của một số chuyên gia, không nhất thiết phải hạn chế hoặc dừng hẳn cho vay ngoại tệ vì các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện vay ngoại tệ thường có doanh thu bằng ngoại tệ nên việc vay ngoại tệ và trả nợ vay khi doanh thu ngoại tệ về cũng giúp doanh nghiệp cân đối dòng vốn và tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, khi vay ngoại tệ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải bán ngay ngoại tệ cho các TCTD giúp tăng nguồn cung ngoại tệ trên thị trường.
Tuy nhiên, tại Thông tư 29, chỉ có 2 quy định về thời hạn áp dụng đến ngày 31/12/2014 nói trên. Còn tại Thông tư 43 thay thế Thông tư 29 thì NHNN sẽ tiếp tục cho phép các TCTD được tự quyết cho vay ngoại tệ đối với 2 đối tượng: doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đến hết năm 2015.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, sau khi đánh giá tình hình cho vay ngoại tệ thời gian qua và cân nhắc để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% như Quốc hội đề ra trong năm 2015 thì NHNN nhận thấy, cần có nhiều giải pháp hỗ trợ. Do đó, Thống đốc NHNN tiếp tục cho phép các TCTD cho vay ngắn hạn ngoại tệ đối với 2 nhu cầu vay là doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thêm 1 năm nữa, tới hết năm 2015.
Việc gia hạn này sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn, khi vay ngoại tệ với mặt bằng tỷ giá ổn định như hiện nay và lãi suất cho vay thấp hơn so với tiền đồng. Việc gia hạn này còn giúp TCTD có điều kiện mở rộng tín dụng để thực hiện chỉ tiêu NHNN đề ra. Dư nợ cho vay ngoại tệ của hai đối tượng doanh nghiệp này chiếm khoảng 30% trong tổng dư nợ cho vay ngoại tệ của toàn hệ thống. Trong đó, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối chiếm khoảng 6%, còn nhu cầu cho vay đối với dự án xuất khẩu chiếm 24%.
Ngoài hai đối tượng trên, Thông tư 43 cũng quy định TCTD xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn: (i) Cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; (ii) Cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.
Ngoài ra, TCTD xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn ngoài các nhu cầu vốn nêu trên thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy định tại các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị và các văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau khi được NHNN chấp thuận bằng văn bản đối với từng trường hợp cụ thể theo trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 thay thế Thông tư số 29.
Phương Linh
sbv
|