Vụ bầu Kiên: “Không phải là tù bao nhiêu năm, mà là...”
Ngày 10/12, phiên xét xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận. Các bị cáo và luật sư đã lần lượt trình bày các quan điểm gỡ tội. Tuy nhiên, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa khẳng định: Cáo trạng buộc tội các bị cáo là đúng và có căn cứ pháp lý.
Đối đáp lại ý kiến của các luật sư và bị cáo, Viện Kiểm sát nêu quan điểm với từng tội danh của bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Về tội kinh doanh trái phép, bị cáo Kiên tiếp tục đưa ra các khái niệm trong Luật DN, Luật đầu tư, Quyết định 165, để khẳng định hành vi góp vốn mua cổ phiếu, cổ phần là không phải đăng ký kinh doanh.
Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa
|
Viện Kiểm sát cùng quan điểm với bị cáo về công văn số 6388 của Bộ KH-ĐT về khái niệm kinh doanh. Theo đó, kinh doanh là việc thực hiện liên tục 1 số hoặc toàn bộ công đoạn của quá trình đầu tư, phải có 3 tiêu chí: được thực hiện liên tục; nhằm mục đích sinh lợi; hoạt động đầu tư thông qua giao dịch nhằm mục đích sinh lợi là hoạt động kinh doanh.
Cụ thể: Việc 5 công ty của bị cáo Nguyễn Đức Kiên góp vốn mua cổ phần là hoạt động liên tục nhằm mục đích sinh lời, như vậy có căn cứ để khẳng định đây là hành vi kinh doanh.
Tại công văn 935 của Tổng cục thống kê về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007, thì hoạt động mua cổ phần, cổ phiếu được xếp vào mã 64990. Trong khi đó, 5 công ty mà bị cáo thực hiện kinh doanh có mã ngành 64990 nhưng không có đăng ký kinh doanh là vi phạm pháp luật.
Đối với Công ty Thiên Nam, DN này được đăng ký năm 1995, thay đổi lần thứ 7 vào năm 2000. Theo qui định của pháp luật, trường hợp thay đổi người đại diện pháp luật thì phải thay đổi đăng ký kinh doanh mới, giấy đăng ký kinh doanh cũ phải nộp lại cho cơ quan cấp phép kinh doanh.
Cũng theo VKS, hoạt động của Thiên Nam chịu sự điều chỉnh của Quyết định số 03 của NHNN. Hoạt động kinh doanh vàng trạng thái được xếp vào mã 46624, như vậy Thiên Nam đã kinh doanh mà không có đăng ký kinh doanh.
VKS khẳng định có căn cứ để kết luận bị cáo Kiên phạm tội kinh doanh trái phép.
Về hành vi cố ý làm trái liên quan đến việc ủy thác cho các nhân viên ACB gửi tiền tại NH khác, sau khi viện dẫn các văn bản pháp luật, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bản thân việc các NH mang tiền huy động từ khách hàng đi gửi lòng vòng không thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Việc ACB ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi là chủ trương trái luật. Việc nhận tiền gửi, sử dụng số tiền này phải tuân theo Luật TCTD chứ không thể theo Luật dân sự. Trong luật dân sự cũng không có chế định ủy thác, mà chỉ có ủy quyền. Chủ trương ủy thác cá nhân đi gửi tiền là sai tính đến thời điểm ban hành nghị quyết dừng thực hiện ủy thác.
VKS cho rằng, hành vi ủy thác cá nhân gửi 718 tỷ đồng là trái qui định của Luật TCTD năm 2010. Luật này qui định TCTD không được kinh doanh bất kỳ lĩnh vực khác. TCTD chỉ được kinh doanh những lĩnh vực được NHNN cho phép.
Hiểu rộng hơn, trong hoạt động của TCTD không được phép làm những gì luật pháp không cấm mà chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép.
Xem xét kỹ thì thấy trong các tài liệu không có qui định nào TCTD được ủy thác cho cá nhân gửi tiền sang TCTD khác.
Về hành vi này,bị cáo Kiên cho rằng cáo trạng quy kết bị cáo chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành của ACB là không chính xác. Lý do, bị cáo chỉ sở hữu 3,3% cổ phần của ACB. Theo quy định ai sở hữu 5% trở lên mới là cổ đông lớn.
Bị cáo cho rằng vị trí của bị cáo tại ACB được thể hiện tại biên bản họp HĐQT của ACB tháng 8-2011. Bị cáo chỉ là Phó chủ tịch hội đồng sáng lập, có vai trò tư vấn. Việc có thực hiện theo hay không thuộc vào bản lĩnh của HĐQT ACB.
Các ý kiến của bị cáo trong 5 năm giữ vị trí Phó chủ tịch HĐ sáng lập, bị cáo luôn có những ý kiến chính xác, đúng pháp luật.
Hoạt động của ACB minh bạch, công khai, không ai có quyền điều hành ACB tự ý, theo ý kiến chủ quan của mình, một ý kiến có thể phủ quyết được tất cả các ý kiến khác.
“Tôi có vị trí rất cao ở ACB. Nhưng ở mỗi thời điểm khác nhau có vị trí khác nhau. 5 năm làm Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập, tôi chỉ là chỗ dựa cho anh em, chứ không tham gia vào quá trình ra các quyết định của ACB.
Các anh em có nhiều lời khai, hành xử bất lợi cho tôi, nhưng tôi không trách móc các anh ấy. Tôi cần làm rõ tại phiên tòa này, trách nhiệm của tôi ở đâu trong từng vấn đề" - bị cáo Kiên nói.
Sau phần ý kiến của Viện Kiểm sát và luật sư, bị cáo Lý Xuân Hải xin có một số câu hỏi mong muốn đại diện Viện Kiểm sát làm rõ.
Lý Xuân Hải cũng đề nghị được làm rõ trách nhiệm cá nhân bị cáo liên quan đến việc ra nghị quyết về mua cổ phiếu, còn “để mua cổ phiếu của ACB” theo bị cáo chỉ là suy luận. Bởi lẽ, chỉ đến thời điểm 30/6, khi gặp đại diện công ty kiểm toán, bị cáo Hải mới biết được thông tin ACBS mua cổ phiếu ACB.
“Đây không phải đơn giản là 8 năm tù mà còn là danh dự của tôi. Tôi không thể chịu trách nhiệm về việc tôi không làm” – bị cáo Hải giãi bày.
Ngày mai, tòa tiếp tục với phần tranh tụng.
LS Nguyễn Thị Bắc (Đoàn luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Công thương VN):
Trong việc ủy thác và quá trình thực hiên việc ủy thác cho 19 nhân viên ACB đứng tên gửi tiết kiệm vào NHCT – CN HCM và CN Nhà Bè, lãnh đạo và nhân viên ACB đã vi phạm pháp luật, đã phó thác tài sản cho Như, đặc biệt là vi phạm các qui định về trách nhiệm của chủ tài khoản thanh toán và của chủ thẻ tiết kiệm. Các sai phạm này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lợi dụng để thực hiện các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt toàn bộ 718 tỷ đồng của ACB.
|
Hoàng Sang
vietnamnet
|