Tiền vẫn chảy vào ngân hàng
Dù lãi suất huy động liên tục giảm mạnh nhưng gửi tiết kiệm vẫn là: kênh được nhiều người lựa chọn đầu tư cho khoản tiền nhàn rỗi
Mức lãi suất tiền gửi thấp nhất trên thị trường hiện thuộc khối ngân hàng (NH) quốc doanh, chỉ 4%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, kỳ hạn 2-3 tháng dưới 5%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng cũng chỉ khoảng 6,3%/năm. Lãi suất huy động ở khối NH cổ phần có cao hơn chút đỉnh nhưng cũng nằm trong xu hướng điều chỉnh giảm.
Huy động tiền đồng tăng 14,74%
Chị Nguyễn Thị Minh - ngụ quận 9, TP HCM - bước vào một NH cổ phần trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2 để đáo hạn sổ tiết kiệm. Khoảng 2 tháng trước, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng tại NH này là 5,9%/năm, giờ chỉ còn 5,3%/năm. Kỳ hạn dài trên 12 tháng trước đây khoảng 8%/năm, nay chỉ còn 7,1%/năm. “Khoản tiền nhàn rỗi của tôi chỉ tầm 100 triệu đồng, ngoài kênh gửi NH ra, giờ biết đầu tư vào đâu dù thấy lãi suất ngày càng giảm” - chị Minh bộc bạch.
Nhiều người cho biết có tiền nhàn rỗi 200-300 triệu đồng nhưng cũng chọn gửi NH bởi kênh đầu tư bất động sản tuy có dấu hiệu hồi phục nhưng lại cần vốn lớn. Riêng chứng khoán, thị trường đang sôi động với hàng loạt công ty cổ phần hóa khá hấp dẫn nhưng nó chỉ dành cho những người am hiểu… Đối với vàng, ngoại tệ, cửa càng hẹp bởi giá vàng liên tục đổ đèo về quanh ngưỡng 35 triệu đồng/lượng, còn tỉ giá USD được NH Nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Gần đây, giá USD trong các NH thương mại có xu hướng tăng nhưng NH Nhà nước khẳng định chủ yếu do yếu tố tâm lý nên sẽ không có chuyện điều chỉnh tỉ giá.
So với cuối năm ngoái, lãi suất tiền gửi đã giảm từ 1,5%-2%/năm. Dù vậy, trong 11 tháng đầu năm, huy động vốn bằng tiền đồng vẫn tăng 14,74%, tiền gửi chủ yếu đến từ khu vực dân cư và thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục dư thừa…
Dù lãi suất xuống thấp nhưng vì các kênh đầu tư khác bế tắc nên đa số người dân vẫn chọn gửi tiết kiệm. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hồng Thúy
|
Lãi suất còn giảm tiếp?
Năm 2014, các NH thương mại thường điều chỉnh lãi suất giảm nhanh hơn so với trần lãi suất huy động của NH Nhà nước. Hiện trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng của NH Nhà nước là 5,5%/năm nhưng mức thấp nhất trên thị trường thời điểm này chỉ có 4%/năm với kỳ hạn 1 tháng. Ngay sau khi Vietcombank chủ động hạ lãi suất tiền đồng lần thứ 4 trong năm ở các kỳ hạn từ 0,1%-0,5%/năm, một số NH cổ phần cũng giảm theo.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,27% so với tháng trước và chỉ tăng 2,08% so với tháng 12 năm ngoái, rơi về mức thấp kỷ lục trong hơn 10 năm qua. Do ảnh hưởng của giá xăng dầu giảm, cơ quan này dự báo lạm phát cả năm chỉ khoảng 3%. Lâu nay, lãi suất thường được điều chỉnh căn cứ theo tốc độ kiểm soát lạm phát, nên việc lạm phát ở mức thấp cho thấy khả năng lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm.
Lãnh đạo một số NH chia sẻ việc hạ lãi suất huy động nhằm tiết giảm chi phí, tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế. Trong 11 tháng đầu năm, huy động tiền đồng tăng 14,74% nhưng tín dụng chỉ tăng 10,22% nên vốn khả dụng dư thừa. Lãnh đạo nhiều NH cho rằng khi các kênh đầu tư khác chưa thuận lợi, nếu dòng tiền ra khỏi NH thì sẽ đổ vào sản xuất - kinh doanh hoặc buôn bán, qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển… nên NH không lo dòng vốn chuyển dịch. Đón đầu xu thế lãi suất ổn định, đa số NH đang niêm yết lãi suất theo hướng gửi kỳ hạn càng dài lãi suất càng cao để tạo đường cong lãi suất, cân đối lại nguồn vốn trung dài hạn. Do đó, nếu có những khoản tiền nhàn rỗi, khách hàng nên gửi kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao hơn và chọn hình thức lãnh lãi hằng tháng.
Vũ Phong
Người lao động
|