Thứ Hai, 08/12/2014 06:50

Vì sao khó “hút” doanh nghiệp?

Các cơ chế, chính sách dành cho nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia; các nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế còn thấp là những gì đã và đang diễn ra ở nước ta, không chỉ ở lĩnh vực nông nghiệp. Đây là quan điểm nhận được sự đồng tình của các đại biểu dự hội thảo KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tổ chức ngày 6-12.

Như "muối bỏ biển"!

Theo Vụ KH-CN&MT (Bộ NN&PTNT), nguồn ngân sách dành cho sự nghiệp khoa học của ngành trong 3 năm gần đây khoảng 700 tỷ đồng/năm; trong đó, tiền lương cho 11 viện nghiên cứu trực thuộc chiếm khoảng 40%, chi phí trực tiếp cho công tác nghiên cứu khoa học khoảng 150 tỷ đồng/năm. Các đóng góp từ KH&CN trong tổng nguồn thu ước tính là khoảng 25-30%. Số liệu thống kê trên cho thấy, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao KH&CN trong nông nghiệp còn thấp so với yêu cầu, chỉ chiếm khoảng 0,21% GDP trong lĩnh vực nông nghiệp (trong khi Trung Quốc là 1,55%, Hàn Quốc là 3,4%). Hiện tại, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn - nông dân chỉ đáp ứng khoảng 55-60% nhu cầu.

Sản xuất giống nấm mới tại Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp). Ảnh: Bảo Lâm

Trong bối cảnh đó, từ năm 2011 đến nay, Bộ NN&PTNT đã công nhận 138 giống cây trồng cho sản xuất và 9 tiến bộ kỹ thuật. Dự kiến, đến năm 2015 sẽ có khoảng 50-60 giống cây trồng sẽ được công nhận, trong đó nhóm cây lương thực, cây thực phẩm là 35-40 giống; cây công nghiệp, cây ăn quả 15 - 20 giống.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, hoạt động KH&CN ngành nông nghiệp hiệu quả chưa cao. Số lượng các sản phẩm thành phẩm liên quan đến khoa học ứng dụng chưa nhiều, tỷ lệ thương mại hóa thấp, khiến các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam mới chỉ đạt về số lượng, thiếu sức cạnh tranh về chất lượng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Thiếu cơ chế phối hợp

Cả nước hiện có 33.000 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó hơn 93% DN vừa và nhỏ, 90% DN có vốn dưới 10 tỷ đồng và tỷ lệ đầu tư cho KH&CN chiếm rất nhỏ. Trong số 350 DN có tiềm năng phát triển thành DN KH&CN, chỉ có 28 DN (8%) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù số DN đầu tư cho KH&CN chưa nhiều, nhưng có những DN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn coi việc nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của DN và đã đầu tư rất lớn cho hoạt động này. Điển hình là Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Giống cây trồng trung ương… đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho Quỹ phát triển KH&CN. Tuy nhiên không phải những DN này đều gặp thuận lợi trong quá trình đầu tư cho KH&CN.

Theo Tổng Giám đốc Công ty giống Thái Bình Trần Mạnh Báo, có quá nhiều giống tốt được các đơn vị của ngành nông nghiệp nghiên cứu thành công, nhưng chưa đưa vào sản xuất. Chẳng hạn, nghiên cứu KH&CN theo kế hoạch, hết tiền, nghiệm thu xong rồi để đấy. Trong khi đó, Công ty Giống Thái Bình sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng để mua bản quyền, nếu như giống cây trồng đó thực sự tốt; điều quan trọng là DN cần các nhà khoa học đồng hành ngay từ khi "thai nghén" để DN vừa là người đồng hành, vừa là mạnh thường quân của các nhà khoa học. DN không thể ném tiền tỷ ra mua bản quyền nếu không biết chính xác chất lượng.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) Huỳnh Văn Thòn cho biết: Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc hỗ trợ nông dân và các HTX xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, công ty đã chủ động đầu tư công nghệ, thuốc bảo vệ thực vật, giống kho chứa, hỗ trợ ở tất cả các khâu (thu hoạch, vận chuyển, sấy, dự trữ), tạo điều kiện cho nông dân chủ động giá bán và thời điểm bán lúa. Song mô hình này cũng rất khó nhân rộng. Trên thực tế có quá quá ít DN đủ tầm để đồng hành đưa KH&CN đến với nông dân.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, nhìn tổng thể nông nghiệp Việt Nam không còn là nền nông nghiệp lạc hậu, nhiều ngành đã tiếp cận tiến bộ khoa học, kỹ thuật của thế giới. Các tiến bộ khoa học đã đóng góp khoảng 30% giá trị tăng trưởng nông nghiệp, giữ vai trò quan trọng trong khâu lai tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi mới, tăng năng suất, thay thế giống nhập ngoại. Các giống cây trồng mới như lúa, cao su, cà phê, tiêu... đã đạt năng suất cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, do hệ thống chuyển giao tiến bộ KH&CN còn nhiều hạn chế, năng lực nắm bắt công nghệ mới kém, nên đa phần nông sản Việt thua kém các đối thủ cạnh tranh cả về chất lượng lẫn giá thành, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp.

Nhiều ý kiến DN tại hội thảo bày tỏ đồng tình với quan điểm phát triển KH&CN trong nông nghiệp không chỉ trông chờ đầu tư của Nhà nước, mà cần phải có những cơ chế thu hút, khuyến khích DN tham gia mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu, chuyển giao, liên kết với nông dân, các cơ sở nghiên cứu khoa học; Nhà nước cần làm tốt hơn vai trò kiến tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển.

Theo Bộ KH&CN, ở các địa phương, tổng kinh phí đầu tư cho nghiên cứu triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 35% tổng kinh phí sự nghiệp KH&CN. Giai đoạn 2008-2013, tổng kinh phí nhà nước đầu tư cho nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là 2.143 tỷ đồng.

Bạch Thanh

hà nội mới

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp quảng cáo khóc ròng (08/12/2014)

>   Hàng bình ổn thấp hơn giá thị trường 5%-10% (08/12/2014)

>   Quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời: Vẫn là bài toán nan giải (07/12/2014)

>   Thanh toán trực tuyến vẫn lỗi hẹn với người tiêu dùng Việt Nam (07/12/2014)

>   Cửa khẩu Móng Cái kẹt cứng vì hàng vạn người qua xách hàng (07/12/2014)

>   Thuốc sản xuất trong nước mới đáp ứng 50% nhu cầu (07/12/2014)

>   Công nhân ít làm thêm, DN Âu - Mỹ 'ngán' Việt Nam? (07/12/2014)

>   “Bò cười”… sữa tươi nguyên chất (06/12/2014)

>   Uber cần ràng buộc đối tác về nghĩa vụ nộp thuế (06/12/2014)

>   Nhỏ và yếu nên phải ra rìa? (06/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật