TPHCM: Kim ngạch xuất khẩu tăng 8,8%
Theo báo cáo của UBND TPHCM, tính đến đầu tháng 12/2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Thành phố ước đạt trên 32 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như gạo, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau quả, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ… tăng cao so với cùng kỳ.
Đặc biệt, chất lượng xuất khẩu tiếp tục được nâng lên và phát triển theo hướng bền vững với tỷ trọng nhóm hàng công nghệ, chế biến, chế tạo chiếm trên 69%, vượt mục tiêu đề ra của TPHCM đến năm 2020 là 62%; nhóm hàng nông lâm, thủy sản chiếm trên 22%.
Thị trường xuất khẩu tiếp tục phát triển theo hướng đa đạng hóa, hạn chế dần sự phụ thuộc vào thị trường nhất định.
Hiện tại, hàng hóa xuất khẩu của TPHCM đã có mặt tại 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh ở khu vực Đông Bắc Á, tăng 32,5% (trong đó Hàn Quốc tăng 105%, Hong Kong tăng 98%, Nhật Bản tăng 13%, Trung Quốc chỉ tăng 4,1%.%).
Cơ cấu thị trường xuất khẩu đã dịch chuyển dần sang các thị trường tiềm năng như châu Âu, châu Mỹ. So với những năm trước, thị trường châu Á chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu, thì sang năm 2014, khu vực châu Á chiếm tỷ trọng còn 57%, châu Âu 17,94%, châu Mỹ trên 21%, châu Phi và châu Đại Dương trên 3%.
Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng nhẹ với tổng giá trị đạt gần 26 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2013 tăng gần 15%). Tín hiệu đáng mừng là các mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng nhanh sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng xuất khẩu của Thành phố trong thời gian tới.
Để chủ động nguồn nguyên liệu, tránh phụ thuộc vào một số thị trường, cũng như việc đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, các DN đã mạnh dạn tìm kiếm đối tác tại các thị trường mới.
Cụ thể như vải nguyên liệu đang tăng cường nhập khẩu ở Hong Kong tăng trên 31%, Hàn Quốc tăng trên 34%, Malaysia tăng 190%; bông sợi tăng nhập khẩu tại thị trường Tây, Trung Phi từ 14% năm 2013 lên 18% năm 2014.
Ngoài ra, các hoạt động đầu tư phát triển nguyên liệu hỗ trợ đang dần được hình thành và thay thế hàng nhập khẩu. Các DN trong nước đang hình thành chuỗi liên kết giữa DN xuất khẩu và DN sản xuất, tăng lên khoảng 18-20%, trong khi các địa phương khác chỉ ở mức từ 5-8%.
Trong năm 2015, để đạt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu lên 9-10%, bên cạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường truyền thống, TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai hàng loạt các giải pháp, trong đó tập trung nâng cao hoạt động tiến thương mại vào các thị trường mới có nhiều tiềm năng với những ngành hàng, mặt hàng phù hợp.
Thanh Thủy
chính phủ
|