“Tham nhũng vẫn... ổn định!“
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng tham nhũng tại Việt Nam vẫn còn nghiêm trọng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng tham nhũng tại Việt Nam vẫn còn nghiêm trọng.
|
Trong buổi tọa đàm “Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển” diễn ra ngày 9.12, Tổng Thanh tra Chính phủ - ông Huỳnh Phong Tranh - nói rằng, trong 3 năm qua, chỉ số cảm nhận tham nhũng không tụt, không tăng có nghĩa là có tính ổn định. “Chúng ta chưa đạt được kết quả như mong muốn là từng bước đẩy lùi tham nhũng. Cần khuyến khích người dân chống tham nhũng” - ông Tranh nói.
Thiệt hại 6.740 tỉ đồng do tham nhũng
Thông tin về tình hình phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong buổi tọa đàm, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết: Năm 2014, cơ quan điều tra đã thụ lý 415 vụ án về tham nhũng (TN) với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỉ đồng, nộp thu ngân sách trên 1.500 tỉ đồng, chỉ đạt 22,3%, con số này cũng đã tăng hơn 14,1% so với năm 2013.
Tuy nhiên, TTCP khẳng định nhiều vụ không thể nào thu hồi lại được tài sản do các đối tượng đã tinh vi chuyển hoá dưới các dạng khác nhau. Cũng trong năm nay, gần 600 người đã bị điều tra TN. Cụ thể, các cơ quan đã tiến hành tố tụng 256 vụ với 593 bị can TN; hoàn thành xét xử sơ thẩm 287 vụ án TN, kết tội 673 tội phạm TN….
Từ những thông tin về PCTN nêu trên, đại diện của Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) khẳng định bất kỳ nỗ lực PCTN nào cũng sẽ không thể thành công nếu không dựa trên nguyện vọng của người dân, nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân và không có sự tham gia của người dân. Những văn bản như Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… đã tạo khuôn khổ pháp lý cho sự tham gia của người dân vào công tác PCTN.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng tham nhũng tại Việt Nam vẫn còn nghiêm trọng.
|
Đại diện TT cũng đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của người dân vào công cuộc PCTN như: Tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước (cụ thể như thông qua việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin); thực hiện các sáng kiến cho phép công dân, báo chí và các tổ chức xã hội dân sự cùng tham gia vào các nỗ lực của Chính phủ để tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình và liêm chính của các cơ quan công quyền; cải thiện các cơ chế giám sát và tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân về hoạt động của các cơ quan công quyền, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ công; tăng cường hơn nữa hiệu quả của các cơ chế giải quyết khiếu nại; cụ thể hóa và tăng cường hiệu quả của các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng.
Tham nhũng vẫn... ổn định!
Một thông tin thu hút được nhiều quan tâm của các đại biểu là chỉ số cảm nhận TN của Tổ chức minh bạch quốc tế vừa mới công bố. Theo đó, chỉ số cảm nhận tham nhũng 2014 (CPI 2014), xếp hạng 175 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và các chuyên gia trong nước về TN trong khu vực công ở mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ.Theo kết quả này, năm 2014 VN đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Một điều đáng chú ý là điểm số CPI của VN không thay đổi trong 3 năm liên tiếp (2012- 2014) và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.
Trong khi VN không có thay đổi về điểm số thì các quốc gia láng giềng lại đang cải thiện kết quả CPI của họ. Trong số 9 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá năm nay, VN đứng thứ 6, chỉ xếp hạng trên Lào, Campuchia và Myanmar. Đa số các quốc gia trong khu vực đều có cải thiện về mặt điểm số (tăng từ 1 đến 3 điểm).
Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho rằng có nhiều công cụ khác nhau để đánh giá tình hình, kết quả của công tác PCTN cũng như có nhiều cơ quan tổ chức khác nhau tham gia đánh giá về việc này. Nhận định cụ thể về chỉ số cảm nhận, ông Tranh nhận xét: ““Đánh giá về tình hình TN tại VN của TI không tăng, không giảm trong 3 năm qua là phù hợp với đánh giá của chính VN, nghĩa là thực tế TN chưa được cải thiện, vẫn còn nghiêm trọng trong khu vực công, chúng ta cần nỗ lực hơn, cần nhiều giải pháp phòng ngừa hơn nữa. Vậy nên chúng ta chưa hài lòng với kết quả này”.
lao động
|