Hàng tiêu dùng vẫn giữ giá dù giá xăng và cước vận tải đã giảm
Giá xăng đã giảm liên tiếp 10 lần với tổng mức giảm 5.390 đồng/lít, tuy nhiên giá thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn không có tín hiệu giảm, thậm chí nhiều mặt hàng còn tăng giá nhẹ so với cùng thời điểm tháng 11.
Điều này đang hoàn toàn đi ngược với tình trạng “té nước theo mưa” mỗi khi xăng tăng giá.
Cung ứng rau xanh ra thị trường. (Nguồn: TTXVN)
|
Qua khảo sát tại các chợ Hôm, chợ Mơ... vào ngày 2/12, giá cả các loại thực phẩm vẫn không có nhiều thay đổi so với thời điểm đầu tháng 11. Cụ thể, giá thịt bò vẫn ở mức rất cao, từ 220.000-240.000 đồng/kg, giá gà ta từ 120.000-140.000 đồng/kg, đùi gà 65.000-70.000 đồng/kg, thịt rọi, thịt thăn giá 100.000-110.000 đồng/kg. Giá trứng vịt vẫn giữ ở mức 30.000 đồng/chục, trứng gà ở mức 32.000 đồng/chục.
Đặc biệt, các loại rau củ đã có mức tăng giá nhẹ từ 1.000-2.000 đồng. Rau cải xanh ở mức 5.000 đồng/mớ, cải ngọt 8.000 đồng/mớ, rau ngót khoảng 3.000 đồng/bó, rau muống 18.000 đồng/mớ, cà chua 13.000-15.000 đồng/kg, khoai tây 13.000-15.000 đồng/kg... Ngoài ra, các mặt hàng cá, tôm, bí, xà lách, đỗ... vẫn có giá bán không đổi so với đầu tháng 11.
Chị Nguyễn Thu Phương, tiểu thương bán thịt tại chợ Hôm (Hà Nội), cho biết mặc dù giá xăng đã giảm mạnh nhưng sức ép của việc giảm giá xăng lên các mặt hàng tiêu dùng là không đáng kể. Giá các mặt hàng chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung ứng hàng cũng như nhu cầu tiêu dùng. Với thời tiết đang chuyển lạnh, việc sản xuất và cung ứng các loại thực phẩm, đặc biệt là rau, củ, quả, thực phẩm tươi sẽ bị hạn chế. Do đó, giá cả các mặt hàng này không giảm là điều dễ hiểu, và dự báo thời gian tới, với nhu cầu tiêu dùng về cuối năm tăng cao, giá cả các mặt hàng này sẽ còn có thể tiếp tục tăng nhẹ.
Tuy nhiên, về phía các chuyên gia, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho rằng khi giá xăng tăng thì người bán hàng tăng giá. Nhưng khi giá xăng giảm liên tiếp thì hầu hết người kinh doanh đều lấy lý do thời tiết và cung-cầu để giữ giá bán. Mặc dù trong vấn đề kinh doanh, đặc biệt là ở các mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau, gạo... thì yếu tố cung-cầu của thị trường mang yếu tố quyết định. Nhưng rõ ràng, việc giá tiêu dùng không giảm giá là nghịch lý, bởi giá xăng, dầu có tác động ít nhiều khoảng 10% lên giá thành.
Theo ông Phú, vấn đề cốt yếu là do khâu phân phối trung gian hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng còn nhiều hạn chế. Giá thịt lợn hơi tại thị trường Hà Nội nhiều tháng giữ ở mức 35.000 đồng/kg, trong khi đó giá bán tại chợ là 90.000-100.000 đồng/kg tùy loại.
Cả nước tồn kho đến 600 tấn đường, nhưng người dân vẫn phải mua với giá 24.000 đồng/kg, trong khi giá bán tại nhà máy chỉ 10.000-12.000 đồng/kg. Giá tại nơi sản xuất đưa ra rất thấp nhưng đến tay người tiêu dùng thì cao chót vót. Hàng đến tay người tiêu dùng phải qua 4-5 khâu phân phối, mỗi lần lại tăng giá lên 10-15%. Vì vậy, để giá hàng hóa giảm thì phải làm tốt khâu phân phối, trong đó cần phải giảm bớt các kênh phân phối trung gian. Doanh nghiệp sản xuất và cung ứng phải cùng nhau liên kết để đưa hàng đến tay người tiêu dùng tốt nhất, rẻ nhất có thể.
Ông Phú cũng cho rằng, các cơ quan chức năng có thể xem xét, tổ chức lại hệ thống phân phối hiện nay đối với các mặt hàng thiết yếu như đường, dầu ăn, lương thực, thực phẩm... để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng./.
Đức Dũng
Vietnam+
|