Phải cải thiện chất lượng tăng trưởng
Dù nền kinh tế đang ở vùng đáy nằm ngang, song vấn đề cải thiện chất lượng tăng trưởng mới là điều cốt lõi giúp kinh tế Việt Nam khởi sắc
Phải tìm cách để kinh tế Việt Nam tham gia tốt nhất vào chuỗi giá trị toàn cầu, phân công lao động quốc tế. Đó là ý kiến được TS Nguyễn Đại Lai, chuyên gia đến từ Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ tại tọa đàm “Nền kinh tế đã đến đáy?” do CLB Các nhà kinh tế tổ chức cuối tuần qua tại TP HCM. Nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định nền kinh tế đang phục hồi nhưng tốc độ chậm.
Tiền rất nhiều, không lo lạm phát
Năm 2014, nền kinh tế có nhiều chuyển biến theo hướng tốt hơn như duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá, lãi suất cho vay giảm, cán cân thanh toán thặng dư… Hiện cả lý thuyết lẫn thực tế đều cho thấy tiêu dùng giảm, cầu về lao động giảm, sản lượng giảm và lạm phát giảm. “Nếu không cẩn thận sẽ giảm phát chứ không phải lo chống lạm phát. Chúng ta đừng “say sưa” vào việc năm nay có lạm phát hay không, sức cầu không có thì làm sao có lạm phát. Lo chính là đưa tiền vào đâu, bởi tiền trong ngân hàng hiện nay rất nhiều, lãi suất lại giảm. Quan trọng là có thay đổi được cơ cấu nền kinh tế, làm cho nó ấm lên hay không mới là quan trọng” - TS Nguyễn Đại Lai đặt vấn đề.
Trả lời câu hỏi “Nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu?”, TS Bùi Trinh - chuyên gia kinh tế độc lập - dẫn ra các số liệu và cho rằng khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang lấn lướt hoàn toàn khu vực kinh tế trong nước, chiếm đến 68% kim ngạch xuất khẩu, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng đóng góp vào nền kinh tế lại không tương xứng. Điều này cũng cho thấy, sản xuất của khối DN trong nước đang gặp khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 10 tháng của năm 2014 vẫn tăng 10,9% so với cùng kỳ. Trong một thời gian dài, cộng đồng DN đã phải hoạt động trong môi trường quá nhiều khó khăn từ nội tại yếu kém đến mọi mặt về tài chính, năng lực. Nền sản xuất chưa có đột phá mà vẫn là gia công xuất khẩu.
Doanh nghiệp phải chủ động thay đổi
Trong bài tham luận của mình, ông Lương Văn Tự, nguyên trưởng đoàn đàm phán WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cho rằng Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN, ngân hàng tiếp tục tính toán, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn. Ngay bản thân mỗi DN cũng cần chú ý đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và thương hiệu bằng cách tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và nguồn nhân lực…
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó nắm bắt cơ hội, nếu không có sự đầu tư nâng cao năng lực Ảnh: Hồng Thúy
|
Khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam với các thị trường được ký kết, cộng đồng DN sẽ còn gặp khó khăn hơn, khó nắm bắt cơ hội nếu không có sự đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh từ bây giờ. Hàng hóa các nước trong khu vực ASEAN sẽ tràn vào từ đầu năm 2015 khi thị trường nội khối mở cửa tự do. Chưa kể, từ đầu năm 2018, Việt Nam phải mở cửa thị trường hoàn toàn theo cam kết gia nhập WTO, áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn, đòi hỏi một sự chuẩn bị năng lực lớn ở cả cấp điều hành nền kinh tế lẫn khu vực DN.
Để làm được điều này, trong quá trình điều chỉnh, nền kinh tế phải gắn chặt với phát triển khoa học công nghệ và chế tác. Cần nhìn rõ vấn đề cốt lõi của sự phát triển bền vững là sự sáng tạo, khoa học kỹ thuật thì mới có định hướng và quyết tâm. “Nền kinh tế đang có hình dạng nằm ngang, chỉ khi có sự cải thiện về chất lượng của sự tăng trưởng thì mới có thể tạo được sự khởi sắc. Việc điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế phải để ý đến thời điểm phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế thế giới, phải “đón lõng”nắm bắt cơ hội. Một trong những yếu tố cần thiết là Việt Nam tham gia vào được chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và phân công lao động của quốc tế” - TS Nguyễn Đại Lai nhấn mạnh.
Vũ Phong
Người Lao động
|