"Thuốc" tránh bẫy thu nhập trung bình
Giữa tuần qua, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố báo cáo tổng quan về đánh giá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Đó được coi là kênh thông tin tham khảo quan trọng, không chỉ về bản thân vấn đề đổi mới sáng tạo, mà còn về khả năng điều chỉnh, hoàn thiện khung chính sách liên quan, đặc biệt là chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ đắc lực cho phát triển bền vững.
Dựa trên sự phân tích số liệu về hệ thống khoa học, công nghệ cũng như mức đầu tư cho công tác nghiên cứu và kết quả thu được, khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu để phục vụ phát triển, các chuyên gia OECD đã nêu ra thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong quá trình hướng tới mục tiêu tạo mức tăng trưởng cao và bền vững.
Về cơ bản, một số điểm hạn chế đã được chỉ ra, liên quan đến năng suất lao động, hiệu quả xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chất lượng đào tạo đại học và đào tạo nghề, nguồn lực phục vụ cho đổi mới sáng tạo, khả năng kết nối giữa công tác nghiên cứu và nhu cầu của nền kinh tế… Việt Nam có điều kiện thuận lợi nhất định, đặc biệt là sự quan tâm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước đối với phát triển khoa học và công nghệ, luôn xác định phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.
Tuy nhiên, những hạn chế đã được chỉ ra cho thấy thách thức quan trọng mà chúng ta phải đối mặt và tìm ra cách vượt qua, chẳng hạn như với nguy cơ từ bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta đã có một khoảng thời gian duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, thu nhập bình quân tăng đáng kể nhờ những giải pháp phát triển phù hợp, đặc biệt là tận dụng lợi thế sẵn có. Giờ đây, vấn đề đặt ra là huy động nguồn lực để tạo tiền đề hiện thực hóa khả năng vượt ngưỡng thay vì sa lầy ở mức thu nhập trung bình. Đó là một bài toán khác hẳn, gian nan và khó hơn nhiều so với khi thực hiện nhiệm vụ thoát nghèo, vượt ra khỏi nhóm quốc gia kém phát triển. Vấn đề đặt ra là chuyển nền kinh tế từ chỗ phụ thuộc đáng kể vào công nghiệp khai thác tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ sang thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng, năng suất lao động, tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, trên cơ sở đó thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Yêu cầu nói trên mang tính cấp thiết, cần có một hệ giải pháp mang tính tổng thể cho nhiều lĩnh vực, trong đó có giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, nâng cao mức độ và khả năng đóng góp cho nền kinh tế của các cơ quan nghiên cứu nhà nước, tổ chức nghiên cứu tại các viện, trường bằng chính sách đầu tư thỏa đáng cho hoạt động của các đơn vị này.
Để tận dụng tốt nguồn lực phục vụ cho quá trình đổi mới và phát triển thì ngoài việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách nhằm nâng cao khả năng thu hút nhân tài, hạn chế chảy máu chất xám, tạo điều kiện đầy đủ cho các tổ chức nghiên cứu khoa học tại các viện, trường chủ động tham gia vào quá trình này một cách hiệu quả hơn.
Dục Tú
Hà nội mới
|