Thứ Tư, 26/11/2014 09:07

Ông Nguyễn Xuân Thành: Việt Nam sẽ thoát khỏi thời kỳ tăng trưởng chậm vào năm 2015

Theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Thành, Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc từ nền kinh tế nhưng vẫn chưa thoát khỏi thời kỳ tăng trưởng chậm và ông kỳ vọng vào năm 2015 sắp tới.

* Vai trò của Giám đốc tài chính đang dần được đánh giá cao hơn trước

* Sự thật nào đằng sau những thất bại trong đầu tư?

Tại Diễn đàn CFO Việt Nam 2014 với chủ đề "Đi lên từ thất bại" - "Building Success From Failure" được tổ chức bởi Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam (VCFO) phối hợp cùng Hiệp hội Giám đốc Tài chính Nhật Bản (JACFO) và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) vào ngày 25/11/2014, diễn giả khách mời đã chia sẻ về viễn cảnh kinh tế Châu Á và Việt Nam đến năm 2015.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại Diễn đàn CFO Việt Nam 2014 với chủ đề "Đi lên từ thất bại" - "Building Success From Failure" tổ chức vào ngày 25/11/2014

Châu Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Chính sách công, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Nhà nghiên cứu của Viện Rajawali về Châu Á tại Trường Harvard Kenedy - cho biết, về vĩ mô trong ngắn hạn, theo dự báo của IMF trong báo cáo tháng 10/2014, dù kinh tế toàn cầu đi lên hay đi xuống thì khu vực Châu Á vẫn năng động nhất với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất.

Trong thời gian 6 năm qua, các nền kinh tế Châu Á, đặc biệt là các nước mới nổi (trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippine) ngày một lệ thuộc vào dòng vốn nước ngoài, không chỉ là dòng vốn trực tiếp mà còn cả dòng vốn đầu tư gián tiếp vào trái phiếu và cổ phiếu. Nhịp thở của nền kinh tế vĩ mô tại các quốc gia này chịu tác động rất lớn bởi các dòng vốn quốc tế.

Đưa ra minh chứng cho vấn đề này, ông Thành cho biết những con số kinh tế của quý 1/2014 là rất xấu. Vào tháng 5/2013, Fed tuyên bố giảm dần việc mua trái phiếu dài hạn để rút bớt hỗ trợ từ chính sách tiền tệ. Động thái này đã làm đổi chiều dòng vốn quốc tế từ quý 2-3/2013, kéo theo sự đi xuống của các nền kinh tế Châu Á trong quý 1/2014. Đến quý 2-3/2014, các nền kinh tế Châu Á mới hồi phục lại. Tuy nhiên, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, nền kinh tế Châu Á vẫn tăng trưởng cao nhất và lệ thuộc ngày càng nhiều vào các dòng vốn quốc tế, tức là phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn, trong đó chủ yếu là Mỹ.

Riêng trong khu vực Châu Á, từ trước năm 2009, Việt Nam luôn tự hào là nền kinh tế tăng trưởng thứ hai (cao nhất là Trung Quốc). Cụ thể về tốc độ tăng trưởng, Trung Quốc vẫn tiếp tục bứt phá trong khi Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam là quá trình tăng trưởng song song với nhau. Xét về thu nhập bình quân đầu người, từ năm 2009, Việt Nam và Ấn Độ gần như đi lên tương đồng nhau. Tuy nhiên, thành quả tăng trưởng kinh tế của cả bốn nền kinh tế trong 6 năm qua lại đi theo những chính sách, chiến lược phát triển khác nhau.

Trong đó, Trung Quốc chọn ưu tiên tuyệt đối cho tăng tưởng nhanh, hiệu quả thuần túy về kinh tế cho dù phải trả giá cho ô nhiễm và bất cân đối cơ cấu. Việt Nam cũng gần như đi theo mô hình tăng trưởng của Trung Quốc nhờ huy động nguồn lực từ tài chính để phục vụ tăng trưởng cao. Nhưng khác biệt của Việt Nam là mức đầu tư, tăng trưởng cũng như cái giá phải trả cho môi trường thấp hơn so với Trung Quốc. Riêng Indonesia và Ấn Độ là hai nước có nền kinh tế khá thú vị với những cải cách dân chủ. Hiện nay tại Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ xuất hiện 3 thế hệ chính trị mới, với chính sách chính trị trong thời gian tới sẽ được định hình bởi 3 liên minh chính trị, và tăng trưởng kinh tế ở 3 quốc gia này đều duy trì sự ổn định. Còn Việt Nam vẫn phải chờ đợi ít nhất trong 2 năm nữa.

Xét về bản chất của tăng trưởng trong thời gian qua, mô hình tăng trưởng của Việt Nam dựa rất nhiều vào đầu tư, chiếm tỷ lệ chi phối so với các quốc gia khác. Phần đóng góp với tăng trưởng từ năng suất rất là thấp. Ông Thành nhấn mạnh nền kinh tế của Việt Nam rất “nghiện” đầu tư, trong đó đầu tư chủ yếu từ tài trợ bằng tín dụng. Từ năm 2000-2005, Việt Nam đã đẩy mức đầu tư lên 40% GDP, trong khi đó tín dụng cũng được bơm từ năm 1995 mới chỉ chiếm 20% GDP, năm 2005 tăng lên 80% GDP và lên đỉnh điểm vào năm 2010 tăng lên 130% GDP. Từ năm 2011, khi dự trữ ngoại hối giảm xuống đáng kể và nền kinh tế quá bấp bênh, nợ xấu thời điểm đó được NHNN công bố là 17%, Việt Nam bắt đầu hãm đầu tư xuống còn 30% GDP, tín dụng từ đỉnh cao giảm xuống dưới 100% GDP. Ông Thành cho biết vừa rồi Việt Nam có cắt “nghiện” nhưng chưa cắt khỏi hoàn toàn, nền kinh tế còn bức bối do không có đầu tư và tín dụng nên tăng trưởng thấp.

Việt Nam sẽ thoát tăng trưởng chậm vào năm 2015

Việt Nam như cỗ máy với 4 động cơ truyền thống là khu vực kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nông nghiệp – hộ gia đình – cá thể và doanh nghiệp FDI. Trong những năm 2001-2006, khu vực FDI và tư nhân trong nước bắt đầu phát triển mạnh, ngành nông nghiệp cũng hoạt động tốt. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước không tăng trưởng mạnh nhưng sự kém hiệu quả chưa dẫn đến đổ vỡ.

Đột nhiên từ năm 2009, cả khu vực doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và nông nghiệp đều gặp trục trặc và khó khăn. Chỉ có khu vực FDI tiếp tục có kết quả tốt chủ yếu nhờ nhóm ngành thâm dụng lao động và không bị tác động nhiều bởi những khó khăn kinh tế nội địa và yếu kém của thể chế kinh tế Việt Nam. Do đó Việt Nam chỉ còn một động cơ kéo là FDI duy trì tăng trưởng kinh tế trong 6 năm qua.

Riêng trong năm 2014, động lực tăng trưởng kinh tế đã cải thiện đáng kể. Ông Thành cho biết có 4 nhân tố chính giúp cải thiện nền kinh tế xét theo yếu tố từ cung và cầu. Về cung, thứ nhất, Việt Nam có sự tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi 8.6% trong 9 tháng đầu năm. Thứ hai, bức tranh này cũng được cải thiện một phần bởi chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc gia tăng khai thác tài nguyên, trong đó các ngành khai thác đóng góp 10% vào GDP và tỷ lệ đóng góp cho ngân sách nhà nước lớn hơn nhiều. Về phía cầu, sự gượng ép cũng từ phía chính sách khi Việt Nam khởi động lại các dự án đầu tư công với tài trợ bằng trái phiếu Chính phủ là nhân tố thứ ba. Cuối cùng là câu chuyện xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI.

Theo nhận định của ông Thành, Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc từ nền kinh tế nhưng vẫn chưa thoát khỏi thời kỳ tăng trưởng chậm. Đặc biệt là khu vực ngân hàng với sức ép về nợ xấu liên tục tăng trong thời gian qua. Tốc độ huy động tiền của ngân hàng vẫn tăng 12% trong khi cho vay chỉ tăng ở mức 6%, phần chênh lệch còn lại được đổ vào trái phiếu Chính phủ. Ngân sách Việt Nam không cho phép sử dụng tiền thực để xử lý nợ xấu mà được cất vào kho VAMC và trích lập dự phòng trong 5 năm. Cái giá phải trả của cơ chế này là nợ xấu vẫn nằm đấy, còn tín dụng vẫn tăng trưởng chậm, nhưng đổi lại ít nhất Việt Nam cũng ổn định về vĩ mô, ông Thành nhận định.

Ông Thành chia sẻ thêm, mô hình tăng trưởng trong thời gian qua của Việt Nam là không bền vững, dẫn tới sụt giảm của nền kinh tế. Việt Nam ở trong đợt tăng trưởng chậm thứ hai kể từ khi đổi mới nền kinh tế, cụ thể lần đầu tiền tăng trưởng chậm là sau khủng hoảng Châu Á 1997 và hiện nay tăng trưởng chậm kể từ sau khủng hoảng toàn cầu năm 2009. Trong lần đầu tiên, Việt Nam mất 3 năm tăng trưởng chậm, sau đó đã phục hồi, tuy nhiên lần tăng trưởng chậm thứ hai này đã mất 6 năm tính từ năm 2008. Ông Thành cho rằng Việt Nam vẫn chưa có khả năng thoát ra khỏi tình trạng này trong năm 2014 mà phải kỳ vọng đến năm 2015.

Với kỳ vọng trong năm 2015 - là năm nhiều áp lực trong việc sử dụng cả chính sách tài khóa và tiền tệ để duy trì tăng trưởng ở mức trên 6%. Mũi nhọn trong chính sách tập trung vào cổ phần hóa DNNN. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng sẽ tiếp tục ban hành các thông tư cải thiện việc giám sát tài chính để tránh trồi sụt trong nền kinh tế và duy trì sự an toàn. Điển hình như giới đầu tư tài chính trong những ngày vừa qua xôn xao về Thông tư 36 của NHNN. Đặc biệt, dự kiến trong năm 2015 sẽ hoàn tất đàm phán một số hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định TPP, Hiệp định thương mại tự do VN-EU…

Minh Hằng

Các tin tức khác

>   CPI bất ngờ giảm: Lo nhiều hơn mừng (25/11/2014)

>   CPI tháng 11 cả nước giảm 0.27% so với tháng trước (24/11/2014)

>   GDP bình quân đầu người của TP Hồ Chí Minh đạt 5.131 USD (23/11/2014)

>   TP.HCM ưu tiên vốn tập trung thực hiện sáu chương trình đột phá (23/11/2014)

>   Chỉ số giá tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh tháng 11 giảm 0,36% (22/11/2014)

>   Nợ công cao không hẳn là xấu! (23/11/2014)

>   Sản xuất công nghiệp Hà Nội tăng 4.6% trong tháng 11 (22/11/2014)

>   CPI Hà Nội tháng 11 giảm 0.3% (21/11/2014)

>   Đầu tư công: Biết tiết kiệm nhờ... thiếu tiền? (21/11/2014)

>   Thu chi và nợ nần quốc gia từ góc nhìn của WB (20/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật