Nợ công cao không hẳn là xấu!
Một tỷ lệ nợ công cao so với GDP không hẳn là xấu, miễn là nền kinh tế có tỷ lệ tăng trưởng tốt, vì đó là một cách để sử dụng đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn, nếu sử dụng đúng mục đích của nợ công để đầu tư hiệu quả, tránh tham nhũng cũng như bộ máy công quyền quan liêu.
Nợ công thường chỉ đề cập đến nợ quốc gia, nhưng ở một số nước nó cũng bao gồm cả các khoản nợ của quốc gia, tỉnh và thành phố. Vì vậy, hãy cẩn thận khi so sánh nợ công giữa các quốc gia để đảm bảo tính chính xác. Bất kể những gì được gọi là nợ công thì đó đều là kết quả của nhiều năm Chính phủ những quốc gia đó chi tiêu nhiều hơn từ nguồn thu thuế.
Tỷ lệ nợ công cao so với GDP không hẳn là xấu
Hầu hết các nhà đầu tư thường đánh giá mức độ rủi ro bằng cách so sánh nợ công với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đặc biệt quan tâm khi tỷ lệ nợ so với GDP đạt đến mức độ giới hạn quan trọng là sắp vượt trần nợ công. Đó thường là mức 90% đối với các nước phát triển và 70% đối với các nước BRICS (gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Việt Nam định nghĩa "trần nợ công" (debt ceiling) là dưới 65% và có dự kiến nới rộng ngưỡng nợ công tối ưu bình quân giai đoạn 2014-2020 (được đề xuất) lên 68% GDP.
Một tỷ lệ nợ cao trên GDP có thể làm cho quốc gia đó khó khăn hơn để trả nợ nước ngoài và có thể dẫn đến việc các chủ nợ muốn được trả lãi suất cao hơn khi cho vay. Ngoài ra, nếu một quốc gia không thể trả nợ đúng hạn thì có thể gây ra hoảng loạn trên thị trường trong nước và quốc tế.
Gặp trường hợp nợ công quá cao, Chính phủ các nước thường phải quan tâm nhiều hơn đối với việc trả nợ, ít dám đầu tư thêm, khiến quốc gia đó phải thắt chặt chi tiêu, như là "các biện pháp thắt lưng buộc bụng" (austerity measures), và thường đưa đến tăng trưởng thấp, hay dẫn đến chỗ phá sản, mất khả năng thanh toán. Điều đó có nghĩa là thu nhập quốc gia đó giảm, khiến tăng trưởng kinh tế thấp vì ám ảnh nợ nần quá lớn nên không dám tăng chi để kích thích.
Tuy nhiên, một tỷ lệ nợ công cao so với GDP không hẳn là xấu, miễn là nền kinh tế có tỷ lệ tăng trưởng tốt, vì đó là một cách để sử dụng đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn, nếu sử dụng đúng mục đích của nợ công để đầu tư hiệu quả, tránh tham nhũng cũng như bộ máy công quyền quan liêu.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích kinh tế thường không xác định một tỷ lệ cụ thể nợ so với GDP như là một chỉ báo lý tưởng để đánh giá nợ công. Thay vào đó, họ tập trung vào tính bền vững của mức nợ. Nếu một quốc gia có thể tiếp tục trả lãi cho khoản nợ của mình mà không cần tái cấp vốn hoặc làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế thì thường được coi là ổn định.
Để khắc phục rủi ro từ việc tỷ lệ nợ công tăng cao so vói GDP, người ta thường áp dụng hai nhóm biện pháp: cắt giảm chi tiêu Chính phủ/thâm hụt ngân sách và khuyến khích tăng trưởng. Chẳng hạn, ngân hàng trung ương có thể khuyến khích tăng trưởng bằng cách cắt giảm lãi suất và trên lý thuyết có thể giúp hoạt động cho vay thương mại dễ dàng hơn. Chính phủ cũng có thể tăng thuế như một cách để trả nợ, nhưng biện pháp này sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.
Cẩn trọng khi so sánh nợ công của Việt Nam với nước ngoài
Hiện nay, nhiều người hay so sánh nợ công của Việt Nam so với Mỹ, Nhật Bản - Là những quốc gia có tỷ lệ nợ công cao nhất thế giới, trong đó Nhật Bản đội sổ với tỷ lệ nợ công gần 228%, Mỹ xếp thứ 6 với tỷ lệ nợ công là 101.5%, tức là xếp sau Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha, Singapore. So sánh này được đưa ra để lập luận rằng tỷ lệ nợ công của Việt Nam không thấm vào đâu so với những nước kể trên nên không đáng ngại và vẫn có thể tiếp tục vay tiền tài trợ các dự án phát triển kinh tế. Đó là cách so sánh khập khiễng cực kỳ nguy hiểm.
Tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ cao nhưng ít rủi ro và không quan trọng đối với một đất nước mà đồng tiền được dân chúng trong nước hay giới đầu tư nước ngoài tin dùng. Họ có thể phát hành nợ bằng đồng tiền riêng của mình một cách dễ dàng. Chẳng hạn, Mỹ có thể chỉ cần "in thêm tiền" (print more money) để trả nợ. Vì lý do này, nguy cơ vỡ nợ công của Mỹ là rất thấp dù các món nợ công của Mỹ ngày càng phình ra.
Nhật Bản có tỷ lệ nợ so với GDP đến năm 2014 mấp mé 228% và đã được tích lũy trong nhiều thập kỷ. Nhật Bản cũng không có nguy cơ vỡ nợ cao bởi vì hầu hết các khoản nợ của Chính phủ Nhật Bản được tài trợ bởi công dân của họ nên không bị áp lực tăng lãi suất và hoạt động chi tiêu công của Chính phủ Nhật Bản được giám sát chặt chẽ.
Các quốc gia khác dù có tỷ lệ nợ thấp nhưng nguy cơ vỡ nợ không phải không có. Lý do là các khoản nợ đó nếu đi vay từ chủ nợ bên ngoài thì chủ yếu bằng đồng tiền mạnh như USD. Điều này có nghĩa là quốc gia đi vay nợ còn phải chịu rủi ro tỷ giá, mức nợ có thể gia tăng mạnh khi giới đầu tư không còn niềm tin và đồng nội tệ bị mất giá
Phạm Quốc Hoàng - William D. Dudley
|