Thứ Bảy, 29/11/2014 11:25

Việt Nam đã thực sự phát triển kinh tế thị trường?

Theo báo cáo mà nhóm nghiên cứu đến từ 4 cơ quan nghiên cứu và tư vấn kinh tế có uy tín mới công bố, để tiếp tục phát triển kinh tế thị trường, việc quan trọng nhất là nâng cao tính độc lập của tư pháp, không để các lợi ích nhóm can thiệp vào quá trình phân định kinh tế.

Thị trường và bàn tay nhà nước

Ngày nay, nền kinh tế thị trường đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Ngay tại Việt Nam, nền kinh tế thị trường đã được công nhận và đi vào cuộc sống kể từ sau Đổi mới đến nay. Đây là nhận định trong một báo cáo được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế độc lập đến từ 4 cơ quan nghiên cứu và tư vấn kinh tế có uy tín công bố hôm 27/11/2014 tại Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên một bản báo cáo đánh giá Việt Nam đã thực sự phát triển kinh tế thị trường được công bố.

Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù đã được thừa nhận rộng rãi, mức độ áp dụng cơ chế thị trường tại các nền kinh tế, bao gồm cả các nền kinh tế đã phát triển và đang phát triển là khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta không dễ dàng có thể phân biệt được sự khác biệt này, khác với khi phân biệt giữa nền kinh tế thị trường và nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung là khá rõ ràng. Tuy vậy, mức độ Chính phủ can thiệp vào các quá trình vận động của thị trường có thể là tiêu chí rõ hơn cho sự khác biệt.

Quyền tự do định giá và tự chủ sản xuất kinh doanh ngày càng mở rộng

Đơn cử như câu chuyện giá xăng thời gian gần đây, mặc dù đã qua 10 lần giảm, nhưng cước vận tải vẫn chưa giảm, cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Tài chính và cả Bộ Giao thông - Vận tải) đã có văn bản yêu cầu các DN rà soát lại chi phí và tính toán lại giá thành để có giá cước hợp lý. Nhưng động thái này đã gặp những quan điểm rất khác nhau từ ngay chính các nhà kinh tế, nhà khoa học.

Ông Nguyễn Đức Trung (CIEM) cho rằng, cần phải có sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước, nếu không chẳng những người tiêu dùng chịu thiệt, DN chịu thiệt mà nền kinh tế cũng chịu thiệt. Song, TS. Huỳnh Thế Du (Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright) lại cho rằng: không nên can thiệp mà hãy để thị trường tự điều tiết, DN tự tính toán để đưa ra mức giá hợp lý và cạnh tranh. TS. Vũ Đình Ánh cũng đồng quan điểm, ông nói: “Đã là thị trường thì DN phải có quyền tự định đoạt giá bán, ai có giá bán hợp lý thì sẽ có khách hàng”.

Kinh tế thị trường – nền tảng chưa vững chắc

Điều gì đã khiến Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới, với những thành tựu phát triển đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa có một nền kinh tế thị trường phát triển thực sự đầy đủ, chưa theo kịp sự phát triển của khu vực và thế giới? Việt Nam vẫn luôn loanh quanh ngoài top 100 của thế giới?...

Có rất nhiều lý do để lý giải về vấn đề này, như do các yếu tố quản trị và pháp trị của Nhà nước còn yếu kém. Thêm vào đó, DN tư nhân khó có tiếng nói trong việc giải quyết các tranh chấp. Việc thực thi của các công cụ pháp lý nhằm bảo vệ quyền tài sản của Việt Nam chưa được thực sự coi trọng và đang có xu hướng giảm...

Về hệ thống tài chính tiền tệ, mặc dù độ lành mạnh về tiền tệ đang có xu hướng cải thiện từ năm 2012 đến nay. Tăng trưởng cung tiền M1 so với tăng trưởng GDP, những bất ổn về lạm phát và tỷ giá đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, quy mô các NHTMCP Nhà nước vẫn ở mức cao.

Về mức độ tự do kinh doanh, mặc dù Luật DN ban hành năm 2005 đã tạo đà cho tự do kinh doanh mở rộng đáng kể, song theo phân tích của ông Phạm Đức Trung thì chưa có bước đột phá nào từ năm 2006 đến nay. Hiện tại mới chỉ xếp hạng 105/178; chi phí thành lập DN vẫn còn khá cao, chỉ số bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư còn thấp. Quyền tự do định giá và tự chủ sản xuất kinh doanh ngày càng mở rộng nhưng phạm vi và cách thức can thiệp giá của Nhà nước chưa phù hợp với yêu cầu kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, hệ thống cạnh tranh bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực đã dần hình thành, nhưng kết quả phân bổ nguồn lực không tương xứng với cơ cấu của hệ thống DN.

Đặc biệt, tính minh bạch của cơ chế định giá còn thấp, nhất là trong giá cả các đầu vào quan trọng là năng lượng và đất đai. Thị trường đất đai do tính đặc thù Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, vô hình trung đã tạo ra rủi ro trong việc thu hồi đất cho DN, các quy định pháp luật còn khiến DN khó khăn trong quá trình nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo nhóm nghiên cứu, để tiếp tục phát triển kinh tế thị trường, việc quan trọng nhất là nâng cao tính độc lập của tư pháp, không để các lợi ích nhóm can thiệp vào quá trình phân định kinh tế. Với những đánh giá khác nhau về kinh tế thị trường ở Việt Nam, nghiên cứu được thực hiện nhằm tạo cơ sở để biết được Việt Nam đã phát triển kinh tế thị trường như thế nào, giúp các nhà hoạch định chính sách biết được những lĩnh vực hoặc ngành nghề nào mà cơ chế thị trường vẫn chưa thực sự vận hành đầy đủ để phát huy hết công năng của nó, TS. Đinh Tuấn Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. Nghiên cứu cũng đã đưa ra những hàm ý chính sách và những khuyến nghị góp phần cải thiện những khiếm khuyết để thị trường phát triển và vận hành tốt hơn.

Linh Ly

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Quốc hội: Cuối 2015, cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế (28/11/2014)

>   TPHCM phấn đấu tăng trưởng năm 2014 đạt 9,7% (28/11/2014)

>   Nợ công: Cần tổng thể các giải pháp ngắn, trung và dài hạn (28/11/2014)

>   Trước áp lực cạnh tranh, hơn 60.340 doanh nghiệp bị “thanh lọc” (27/11/2014)

>   Hà Nội tập trung tái cơ cấu kinh tế trong nửa đầu năm 2015 (26/11/2014)

>   Ông Nguyễn Xuân Thành: Việt Nam sẽ thoát khỏi thời kỳ tăng trưởng chậm vào năm 2015 (26/11/2014)

>   CPI bất ngờ giảm: Lo nhiều hơn mừng (25/11/2014)

>   CPI tháng 11 cả nước giảm 0.27% so với tháng trước (24/11/2014)

>   GDP bình quân đầu người của TP Hồ Chí Minh đạt 5.131 USD (23/11/2014)

>   TP.HCM ưu tiên vốn tập trung thực hiện sáu chương trình đột phá (23/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật