Thứ Ba, 09/12/2014 17:16

Sẽ huy động nhiều nguồn vốn xã hội hóa vào hạ tầng giao thông

Dự kiến những năm tới, ngành giao thông vận tải sẽ huy động thêm nhiều nguồn vốn xã hội hóa với mức kỷ lục để đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” do Báo Giao thông Vận tải, Vụ Quan hệ Quốc tế, Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư tổ chức vào chiều nay (9/12).

Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP), trong những năm qua, việc thu hút nguồn vốn cho hạ tầng giao thông vận tải còn nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào vốn ODA và ngân sách Nhà nước. Ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ hàng năm cấp cho ngành giao thông chỉ khoảng 20.000 tỷ đồng, đáp ứng chưa được một nửa nhu cầu nên hàng năm ngành giao thông cũng chỉ giải ngân chỉ khoảng 50.000 nghìn tỷ đồng.

“Những năm gần đây, ngành giao thông đã có sự đột phá lớn trong việc kêu gọi vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông. Tính đến nay, ngành đã huy động tới khoảng 160.000 tỷ đồng để triển khai 65 dự án, công trình từ nguồn vốn ngoài ngân sách,” ông Huy nói.

Theo đó, số vốn này chủ yếu được huy động trong khoảng ba năm trở lại đây. Từ năm 2012 về trước, chỉ vỏn vẹn 22 dự án với tổng mức đầu tư khiêm tốn khoảng hơn 49.600 tỷ đồng; riêng năm 2013 huy động được 24 dự án tổng mức đầu tư 68.563 tỷ đồng. Năm 2014, số vốn thu hút cũng được 42.572 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2015 con số này sẽ còn cao hơn ở mức khoảng 45.000 tỷ đồng.

Riêng giai đoạn 2016-2020, dự kiến sẽ có một nguồn vốn “khủng” lên đến khoảng 235.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào giao thông.

“Không chỉ huy động vốn tập trung ở đường bộ, ngành giao thông cũng sẽ kêu gọi vốn xã hội hóa ở nhiều lĩnh vực như tuyến đường sắt Bắc-Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án cảng biến, đường thủy nội địa,” ông Huy cho hay.

Ông Huy cũng tiết lộ thêm, trong giai đoạn từ năm 2014-2020, ngành giao thông cần khoảng 960.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó khoảng 47% huy động ODA và vốn ngân sách. Số còn lại chắc chắn sẽ phải kêu gọi đầu tư xã hội hóa.

Đề cập đến quyền lợi của người dân có bị ảnh hưởng khi huy động nhà đầu tư bên ngoài vào tham gia các dự án giao thông và sẽ được thu phí hoàn vốn, ông Huy khẳng định, khi một dự án đấu thầu, có nhiều nhà đầu tư quan tâm và Bộ sẽ lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án.

“Hiện nay, mức thu phí đưa ra dựa trên quy định, mức trần và khung của Bộ Tài Chính. Khi làm việc với nhà đầu tư, Bộ Tài chính phải tính toán và đưa ra con số cụ thể đảm bảo hài hóa lợi ích Nhà nước và nhà đầu tư,” ông Huy cho biết thêm.

Liên quan đến dự án mở rộng Quốc lộ 1 sẽ được hoàn thành vào năm 2015, vị Phó trưởng Ban PPP khẳng định, số trạm thu phí BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) chắc chắn sẽ tăng lên, tuy nhiên, khoảng cách giữa các trạm thu phí là 70 km theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Bộ Giao thông Vận tải cam kết sẽ sắp xếp các trạm thu phí theo đúng khoảng cách.

Việt Hùng

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Siết chặt quản lý website thương mại điện tử (09/12/2014)

>   Điều hành giá theo thị trường đi liền với minh bạch thông tin (09/12/2014)

>   Nga có 7 dự án đầu tư mới tại Việt Nam (09/12/2014)

>   Việt Nam đã đầu tư gần 16 triệu USD tại Trung Quốc (09/12/2014)

>   Hà Nội: 73 doanh nghiệp vận tải giảm cước 3-16,67% (09/12/2014)

>   Năm 2014, Việt Nam nhập gì từ Trung Quốc? (09/12/2014)

>   Tổng đại lý gas ngồi trên… lửa (09/12/2014)

>   Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch được giao của DNNN (09/12/2014)

>   Mắt xích quan trọng trong chuỗi cảng biển của Gemadept hoạt động thế nào? (09/12/2014)

>   Năm 2015 sẽ đấu thầu thuốc tập trung ở cấp trung ương (09/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật