Thứ Ba, 30/12/2014 13:44

Từ 01/01/2015 Luật Phá sản năm 2014 có hiệu lực thi hành

Thủ tục phá sản tổ chức tín dụng như thế nào?

Ngày 19/6/2014 Quốc hội đã thông qua Luật Phá sản năm 2014 (Luật PS 2014). Luật này có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015, thay thế Luật PS 2004. Luật PS 2014 gồm 14 chương, 133 điều, có nhiều nội dung mới so với Luật PS 2004. Đối với các tổ chức tín dụng, Luật PS 2014 cũng có nhiều quy định mới so với Luật PS 2004.

* Cơ chế mới xử lý phá sản TCTD theo Luật phá sản 2014

TANDTC tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật Phá sản 2014.

Phải theo thủ tục kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước

Tổ chức tín dụng là một loại doanh nghiệp đặc biệt, thể hiện các đặc điểm, bao gồm: nội dung hoạt động (hoạt động với tư cách là một trung gian tài chính trong nền kinh tế); cách thức hoạt động (có thể có rất nhiều tài khoản phục vụ cho hoạt động của mình và đồng thời phải quản lý một số lượng tài khoản hết sức lớn của khách hàng); khả năng tác động của sự đổ vỡ của một tổ chức tín dụng đến nền kinh tế (diễn ra nhanh, ảnh hưởng rộng và tác động lâu dài). Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt (phá sản) của các tổ chức tín dụng được quy định mang tính đặc thù trong Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản pháp luật có liên quan khác. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng quy định về phá sản tổ chức tín dụng, tại Điều 155 dẫn chiếu một cách chung chung đến pháp luật về phá sản. Hơn nữa, việc phục hồi đối với tổ chức tín dụng được áp dụng theo thủ tục kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước trước khi tiến hành thủ tục phá sản.

Do vậy, Luật PS 2014 đã dành một chương riêng (Chương VIII), từ Điều 97 đến Điều 104 quy định về thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng. Đây là quy định hoàn toàn mới so với quy định của Luật PS 2004. Điều 99 Luật PS 2014, quy định: “Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán”. Việc tuyên bố phá sản tổ chức tín dụng được quy định theo Điều 104 Luật PS 2014. Theo đó, “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản lập xong danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, bảng kê tài sản của tổ chức tín dụng, Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này”. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang gấp rút lấy ý kiến góp ý để sớm ban hành văn bản hướng dẫn quan trọng này.

Trước khi phá sản, phải xử lý khoản nợ là khoản vay đặc biệt

Điều 100 Luật PS 2014, quy định: “Tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng mà bị tuyên bố phá sản thì phải hoàn trả khoản vay đặc biệt này cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác trước khi thực hiện phân chia tài sản theo quy định tại Điều 101 của Luật này”.

Khoản vay đặc biệt là khoản vay được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc tổ chức tín dụng khác cho tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán vay nhằm sử dụng trong quá trình giải quyết phá sản, phục hồi hoạt động kinh doanh. Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác trong các trường hợp: (1) Tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa đến sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng; (2) Tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả do các sự cố nghiêm trọng khác. Khoản vay đặc biệt được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác, kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng hoặc được chuyển đổi thành phần vốn góp, vốn cổ phần tại tổ chức tín dụng liên quan quy định về kiểm soát đặc biệt tại Điều 149 Luật Các tổ chức tín dụng.

Như vậy, để phù hợp và thống nhất với tinh thần quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và đảm bảo những đặc thù trong phá sản các tổ chức tín dụng, Luật PS 2014 bổ sung quy định về hoàn trả khoản vay đặc biệt tại Điều 100. Theo đó, tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng mà bị tuyên bố phá sản thì phải hoàn trả khoản vay đặc biệt này cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng khác trước khi thực hiện phân chia tài sản theo quy định của Luật PS 2014.

Quy định này nhằm đảm bảo tính ổn định, an toàn trong hoạt động của các ngân hàng. Bởi vì, hệ thống các ngân hàng hoạt động liên quan chặt chẽ và có thể gây ảnh hưởng dây chuyền đến nhau. Do đó, quy định này góp phần chặn đứng những cuộc phá sản dây chuyền có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống các ngân hàng có liên quan đến nhau, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của đất nước.

Luật gia Nguyễn Văn Khôi

Các tin tức khác

>   Vụ Huyền Như: VietinBank khuyên bị hại chớ vội mừng (30/12/2014)

>   Ngành ngân hàng 2014: Ấn tượng những con số! (30/12/2014)

>   Oceanbank: Bà Đào Thị Thúy trở thành Tân Chủ tịch HĐQT (30/12/2014)

>   Tăng dự trữ dầu, thay vì ngoại hối (30/12/2014)

>   NHNN quy định mức lãi suất dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở áp dụng cho 2015 là 5% (29/12/2014)

>   VKS: Trách nhiệm pháp lý sẽ khác nếu VietinBank biết các “thỏa thuận ngầm” (29/12/2014)

>   Ngân hàng... dửng dưng (29/12/2014)

>   Tình tiết bất ngờ khó hiểu quanh việc “siêu lừa” đòi lại biệt sự siêu sang cho mẹ (28/12/2014)

>   Vụ án Huyền Như: Chỉ có thể hủy toàn bộ bản án (28/12/2014)

>   Nợ xấu đang kìm hãm tăng trưởng (27/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật