Chủ Nhật, 21/12/2014 21:47

Tạo bước chuyển rõ nét hơn cho công tác xử lý nợ xấu

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) với vai trò là một trong những công cụ xử lý nợ xấu đã đạt được những kết qủa bước đầu và đang rốt ráo chuẩn bị những bước đi mạnh mẽ hơn trong guồng quay xử lý nợ xấu.

* Xử lý nợ xấu có cần đến “tiền thật”?

* VAMC xử lý nợ xấu: Cần tháo gỡ vướng mắc về pháp luật, thủ tục hành chính

 

Để mang lại góc nhìn rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC.

Xin ông cho biết những kết quả nổi bật mà VAMC đã thực hiện được trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Có thể nói, từ khi triển khai mua bán nợ đến nay, VAMC đã mua được 107.000 tỷ đồng của 4.600 khách hàng thuộc 39 tổ chức tín dụng. Nếu nói riêng về năm kế hoạch 2014 thì đến thời điểm này VAMC đã mua được 67.000 tỷ đồng nợ gốc với giá mua là 55.000 tỷ đồng.

Như vậy, về cơ bản từ nay đến cuối năm theo kế hoạch đề ra, chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Khả năng từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ mua được khoảng 120.000-125.000 tỷ đồng nợ gốc với giá mua khoảng 70.000-75.000 tỷ đồng.

Khi xây dựng kế hoạch 2014, VAMC đã xây dựng kế hoạch bán nợ, thu hồi nợ được 2.500 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay chúng tôi đã thu nợ, bán nợ được 4.000 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch đề ra, chúng tôi đã vượt nhiều. Đáng chú ý, trong kết quả thu nợ, bán nợ của 2014, có khoảng 50% là những khoản nợ khách hàng đã tự nguyện trả, còn lại 50% là VAMC cùng với tổ chức tín dụng bán tài sản đảm bảo.

Giải pháp của VAMC trong thời gian tới để giải quyết số nợ đã mua như thế nào, thưa ông?

Thực chất VAMC là mô hình riêng của Việt Nam và là một trong những công cụ xử lý nợ xấu. Trong đó, bên cạnh việc VAMC tiến hành phân loại nợ, cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ làm sao cho phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị, trường hợp không thể cơ cấu lại nợ thì mới tiến hành bán nợ, bán tài sản.

Chính vì vậy nên chúng tôi phải rà soát từng bước để làm, cộng với điều kiện Việt Nam chúng ta chưa có thị trường mua bán nợ. Bây giờ mới đang manh nha lập thị trường mua bán nợ, mà muốn lập thị trường mua bán nợ thì VAMC sẽ là đơn vị tiên phong đứng ra thực hiện việc này.

Tuy nhiên, để làm việc này không phải đơn giản, phải làm từng bước và chúng tôi đang có kế hoạch để làm sao xây dựng được một danh mục tài sản và giới thiệu danh mục tài sản đó đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Khi đó, hoạt động mua bán nợ bắt đầu sôi nổi thì sẽ đề nghị cơ chế để hình thành thị trường mua bán nợ. Trong thời gian tới, VAMC sẽ chủ động xây dựng kế hoạch mua bán nợ theo cơ chế thị trường để nó hòa đồng vào cùng với việc mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt, thì đó sẽ hình thành dần thị trường mua bán nợ.

Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu không dùng ngân sách cũng là một khó khăn cho VAMC. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay xử lý nợ xấu như VAMC đang làm, tôi cho rằng đó là bước đi phù hợp và khả năng trong giai đoạn 2015 bước chuyển sẽ rõ nét hơn.

Thứ nhất, việc xử lý nợ xấu không dùng ngân sách không có nghĩa là không xử lý được và khi xử lý được thì chúng tôi đã làm như thời gian qua bằng việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp...

Trong khoản nợ mà chúng tôi thu hồi được, có tới 50% khách hàng đã tự trả nợ cho các tổ chức tín dụng. Như vậy có thể thấy, trong số những khoản nợ xấu chúng tôi đã mua, có những doanh nghiệp vẫn tiếp tục làm ăn được và đã trả được nợ xấu.

Thứ hai, việc mua bán nợ xấu ở đây không có nghĩa là phải bán được tất cả các khoản nợ xấu đã mua mà phải xem xét cơ cấu hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không có khả năng phát triển được và dẫn tới ngừng hoạt động, phá sản thì dứt khoát phải xử lý.

Xử lý nợ xấu hiện nay đã có phương án mua bằng trái phiếu đặc biệt, trên cơ sở đó chúng tôi có thể đàm phán để xử lý dần từng bước và khi xử lý dần gặp người mua và người bán thống nhất nhau có thể thông qua đấu giá, thỏa thuận nhưng mục đích cuối cùng là đảm bảo ở tỷ lệ chấp nhận được phù hợp theo giá thị trường, đảm bảo hạn chế rủi ro đối với khách hàng cũng như đối với tổ chức tín dụng. Vì vậy, đòi hỏi hiện nay xử lý nợ xấu không cần vốn ngân sách là bài toán khó, tất nhiên sẽ có lời giải và sẽ không thể kỳ vọng chúng tôi phải xử lý khoản nợ xấu nhanh như các nước được.

Vậy kế hoạch triển khai mua nợ xấu theo giá thị trường của VAMC đang được chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Hiện nay chúng tôi đang xây dựng phương án và đã có một số danh mục để trình Ngân hàng Nhà nước cho phép chúng tôi triển khai mua bán theo giá thị trường. Một số danh mục trong đó có khả năng sẽ được phê duyệt và có thể triển khai trong đầu năm 2015.

Tuy nhiên, để mua theo giá thị trường cũng phải xét đến tiềm lực tài chính, mà VAMC hiện nay với vốn điều lệ 500 tỷ đồng chỉ có thể mua thí điểm để triển khai xem quá trình mua bán nợ theo giá thị trường còn vướng mắc gì và kiến nghị xử lý vướng mắc đó như thế nào liên quan đến luật, liên quan đến định giá tài sản ... Khi mua về rồi thì phải cơ cấu những khoản nợ ấy làm sao cho đẹp để bán chứ không phải mua về để bán ngay.

Như vậy, bên cạnh mua bán theo giá thị trường chúng tôi cần được trang bị về tài chính, nghĩa là vốn tự có cũng phải được tăng lên tối thiểu là 2.000 tỷ đồng để có cơ sở tài chính xây dựng phương án phát hành trái phiếu mà có thể chuyển đổi được nhằm mua những khoản nợ xấu theo giá thị trường. Tuy nhiên, để năm 2015 triển khai theo giá thị trường thì trước hết chúng tôi phải triển khai thí điểm từ những khoản nhỏ lẻ trước, khi có kinh nghiệm sẽ triển khai đồng loạt bài bản hơn và hạn chế được rủi ro.

Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, ông có kỳ vọng gì đối với việc xử lý nợ xấu trong năm tới?

Trước hết phải nói rằng VAMC là bước đi hết sức đúng đắn của Chính phủ cũng như của Ngân hàng Nhà nước. Đây cũng là bước đi phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, xử lý nợ xấu không dùng vốn ngân sách. Trải qua hơn 1 năm qua, chúng tôi cũng đã giải quyết được một số vấn đề.

Từ những vấn đề đó chúng tôi thấy rằng bước đi đã đúng, chủ trương đã đúng và quá trình triển khai đã có kết quả bước đầu và tôi cũng hy vọng rằng trng thời gian tới chúng tôi sẽ đạt được kết quả tốt nhất.

Tuy nhiên, trong quá trình đó sẽ có vướng mắc liên quan đến vấn đề cơ chế thì hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ và các cấp các ngành xem xét chỉnh sửa Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC sao cho phù hợp trong quá trình triển khai mua bán nợ xấu. Bên cạnh đó, cùng với sự phối hợp giữa cấp các ngành quyết tâm cùng với hệ thống ngân hàng tháo gỡ khó khăn thì tôi kỳ vọng rằng trong thời gian tới, việc xử lý nợ xấu của VAMC sẽ đạt được kết quả như mong muốn.

Đỗ Huyền

vietnam+

Các tin tức khác

>   Gỡ khó cho đầu tư bất động sản khi lãi suất biến động (21/12/2014)

>   TS Nguyễn Trí Hiếu: Lãi suất huy động sẽ giảm từ 0.5-1% trong năm 2015 (20/12/2014)

>   NHNN chấp thuận cho Techcombank mua lại VCFC (20/12/2014)

>   Gây thất thoát 50 tỉ đồng: Thi hành án sai sót, sửa sai như đùa (20/12/2014)

>   DN nhập xăng dầu, xuất khẩu được vay ngoại tệ đến hết 2015 (19/12/2014)

>   Virus nhắm đến các ngân hàng trực tuyến (19/12/2014)

>   ‘Đại án’ 4.000 tỷ đồng: Đã có bị cáo kêu oan (19/12/2014)

>   Kéo dài cho vay ngoại tệ với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, xăng dầu (18/12/2014)

>   Kiều hối gửi về Việt Nam được dùng vào việc gì? (18/12/2014)

>   ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền ở VietinBank là vi phạm pháp luật? (18/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật