Thứ Sáu, 05/12/2014 17:17

Tăng trưởng tiền lương toàn cầu chững lại dưới mức tiền khủng hoảng

Tăng trưởng tiền lương trên toàn thế giới vào năm 2013 đã giảm xuống mức 2%, so với mức 2,2% của năm 2012, và tới nay vẫn chưa bắt kịp mức 3% của giai đoạn tiền khủng hoảng theo báo cáo tiền lương toàn cầu 2014-2015 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Tốc độ tăng trưởng khiêm tốn này chủ yếu có được nhờ các nền kinh tế G20 mới nổi, khu vực có mức tăng lương đạt 6,7% năm 2012 và 5,9% năm 2013.

Ngược lại, ở các nền kinh tế phát triển, tốc độ tăng lương trung bình dao động ở mức 1% mỗi năm từ 2006 và rồi giảm dần xuống chỉ còn 0,1% năm 2012 và 0,2% năm 2013.

“Tốc độ tăng lương đã giảm xuống mức gần 0 trong nhóm các nước phát triển trong hai năm vừa qua, trong đó một số quốc gia thậm chí còn có tình trạng giảm lương,” Bà Sandra Polaski, Phó Tổng Giám đốc phụ trách về chính sách của ILO cho biết. “Điều này ảnh hưởng đến tình hình kinh tế nói chung, dẫn dến việc nhu cầu tiêu dùng hộ gia đình ở hầu hết các nền kinh tế nói trên bị chững lại và làm tăng nguy cơ giảm phát ở khu vực đồng Euro,” bà chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế của ILO, Kristen Sobeck, một trong những tác giả của báo cáo, nhận định: “Thập niên vừa qua cho thấy các quốc gia đang phát triển và mới nổi đang từ từ thu hẹp khoảng cách về mức tiền lương trung bình với các quốc gia phát triển, thế nhưng tiền lương ở các nền kinh tế phát triển vẫn duy trì mức trung bình cao gấp ba lần nhóm các nước đang phát triển và mới nổi”.

Báo cáo cũng thể hiện sự chênh lệch lớn ở mức tăng lương giữa các nước đang phát triển thuộc các nhóm khu vực khác nhau. Ví dụ, năm 2013, tiền lương tăng 6% ở Châu Á và 5,8% ở Đông Âu và Trung Á, nhưng chỉ tăng 0,8% ở Châu Mỹ Latin và vùng Caribê. Tại Trung Đông, tiền lương tăng 3,9%, nhưng ở Châu Phi, tốc độ tăng chỉ ở mức 0,9%, mặc dù số liệu tại các khu vực này chưa được thống kê đầy đủ.

Tăng năng suất vượt tăng lương

Năng suất lao động – giá trị của hàng hóa và dịch vụ do một người lao động có việc làm sản xuất ra – tiếp tục vượt mức tăng lương ở các nền kinh tế phát triển trong những năm gần đây. Thực tế này là sự tiếp tục của một xu hướng dài hơn từ giai đoạn trước đó và chỉ chững lại một thời gian ngắn trong thời kỳ khủng hoảng tài chính những năm 2008-2009.

Sự chênh lệch ngày càng gia tăng giữa tiền lương và năng suất cho thấy phân khúc GDP dành cho lao động ngày càng giảm, trong khi phần đổ vào vốn đầu tư ngày một tăng, nhất là ở các nền kinh tế phát triển.

Xu hướng này đồng nghĩa với việc người lao động và gia đình họ được hưởng lợi ít hơn từ tăng trưởng kinh tế so với các chủ đầu tư nắm giữ vốn trong tay.

Báo cáo này phân tích chi tiết những xu hướng gần đây về bất bình đẳng thu nhập hộ gia đình và vai trò của tiền lương đối với các xu hướng đó.

Tiền lương đang là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình tại các quốc gia phát triển, mới nổi và đang phát triển, đặc biệt là trong nhóm các gia đình trung lưu. Trong khi đó, 10% số hộ gia đình có thu nhập cao nhất và 10% số hộ thu nhập thấp nhất lại phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn thu nhập khác.

Ở các nền kinh tế phát triển, tiền lương thường chiếm khoảng 70 đến 80% thu nhập của các hộ gia đình có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động.

Tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nơi công việc tự làm phổ biến hơn, đóng góp của tiền lương đối với thu nhập hộ gia đình thường nhỏ hơn. Tiền lương chiếm khoảng 50% đến 60% thu nhập hộ gia đình ở Mexico, Liên bang Nga, Argentina, Brazil và Chile và khoảng 40% ở Peru, hoặc 30% ở Việt Nam.

“Ở nhiều nước, bất bình đẳng xuất phát từ thị trường lao động, đặc biệt là trong phân phối tiền lương và việc làm,” chuyên gia về thống kê kinh tế và tiền lương của ILO, Rosalia Vazquez-Alvarez, đồng thời là một tác giả của báo cáo cho biết.

Những xu hướng bất bình đẳng gần đây mang nhiều tính chất hỗn tạp, nhưng ở phần lớn các quốc gia nơi bất bình đẳng đang gia tăng, chẳng hạn như Hoa Kỳ hay Tây Ban Nha, sự thay đổi về tiền lương và việc làm đang là nguyên nhân chủ yếu.

Ngược lại, ở những nước mà bất bình đẳng đã được thu hẹp, như Brazil, Argentina, hay Liên bang Nga, tiền lương và sự gia tăng số lượng việc làm đang là nhân tố thúc đẩy cải thiện tình trạng bất bình đẳng.

Theo báo cáo này, không thể lý giải vì sao phụ nữ, lao động di cư và lao động trong nền kinh tế phi chính thức lại chịu mức lương thấp hơn, dựa vào những đặc điểm có thể quan sát được, như cách người ta vẫn căn cứ vào trình độ học vấn và kinh nghiệm để lý giải chênh lệch tiền lương giữa các cá nhân. Những chênh lệch tiền lương giữa các nhóm lao động khác nhau như vậy cũng góp phần làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng chung.

Thách thức về chính sách

“Tình trạng đình trệ tăng lương phải được giải quyết như một vấn đề liên quan đến công bằng và tăng trưởng kinh tế,” bà Polaski phát biểu. “Và bởi vì tình trạng bất bình đẳng chung có một phần lớn nguyên nhân là do bất bình đẳng về tiền lương, nên cần phải có các chính sách về thị trường lao động để giải quyết vấn dề này”.

Bà cho biết thêm: “Mặc dù các cơ chế tái phân phối tài khóa như thuế và các chính sách an sinh xã hội cũng là một phần giải pháp, nhưng các cơ chế này không thể giải quyết triệt để tình trạng bất bình đẳng. Một chiến lược toàn diện sẽ phải bao gồm các chính sách tiền lương tối thiểu, tăng cường thương lượng tập thể, xóa bỏ phân biệt đối xử đối với các nhóm lao động dễ bị tổn thương, cũng như các chính sách thuế cấp tiến và các hệ thống an sinh xã hội đầy đủ”.

“Các công ty, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần nhận được sự hỗ trợ tốt hơn để phát triển và tạo việc làm. Nhiều quốc gia có thể nỗ lực hơn nữa để giúp doanh nghiệp vay vốn dễ dàng hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khởi nghiệp”.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng cần có các chiến lược phối hợp ở cấp quốc tế. Nếu nhiều quốc gia tìm cách tăng cường xuất khẩu bằng cách kiềm chế lương hay giảm phúc lợi xã hội, hậu quả sẽ là sản lượng và thương mại bị suy giảm nghiêm trọng.

H.H

hà nội mới

Các tin tức khác

>   “Vàng đen” giá rẻ - món quà Giáng sinh với nhiều nền kinh tế (05/12/2014)

>   ECB giữ nguyên lãi suất, sẵn sàng hành động để hỗ trợ nền kinh tế (05/12/2014)

>   Chính phủ Anh tiến hành cắt giảm loại thuế bị "ghét" nhất (05/12/2014)

>   Đòn phản pháo của Nga (05/12/2014)

>   Top 10 ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới (05/12/2014)

>   Người dân Italy "thắt lưng buộc bụng" đón Giáng sinh năm nay (05/12/2014)

>   Bulgaria thiệt hại nặng do lệnh trừng phạt của EU đối với Nga (05/12/2014)

>   Dầu giảm gần 1% khi A-rập Xê-út hạ giá bán chính thức cho châu Á và Mỹ (05/12/2014)

>   Vàng rút lui khi ECB chưa tung gói kích thích mới (05/12/2014)

>   Nguy cơ “Chiến tranh lạnh” phiên bản mới (04/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật