“Vàng đen” giá rẻ - món quà Giáng sinh với nhiều nền kinh tế
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde vừa nhận định rằng sẽ có “kẻ khóc và người cười” khi giá dầu mỏ sụt giảm, song về cơ bản thì đây là một tin tốt lành với kinh tế toàn cầu.
Theo bà Lagard, các nền kinh tế tiên tiến và cũng là những nhà nhập khẩu dầu lớn của thế giới như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, và cả Trung Quốc có thể sẽ tăng thêm 0,8%.
Ngay trước đó, lo ngại về khả năng sẽ bị Mỹ “hất cẳng” ra khỏi vị trí dẫn đầu trên thị trường dầu mỏ, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định giữ nguyên sản lượng dầu ở mức 30 triệu thùng/ngày. Hậu quả là giá dầu thế giới đã sụt giảm liên tiếp và có lúc chạm đáy của 4,5 năm.
Tại trạm bán xăng ở New York, Mỹ
|
Trong phiên ngày 2/12, trên Sàn giao dịch NYMEX, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1/2015 giảm 2,12 USD và đóng phiên ở 66,88 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 2 USD xuống còn 70,54 USD/thùng.
Trước khi nhóm họp tại Vienna (Áo), OPEC ở thế tiến thoái lưỡng nan khi phải chọn giữa một là chấp nhận cắt giảm sản lượng dầu và nhường thị phần cho đối thủ Mỹ và hai là giữ nguyên nguồn cung - việc sẽ ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia của những nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ trong khối.
Quyết định cuối cùng đã được đưa ra bất chấp sự chia rẽ giữa các quốc gia trong khối, sau khi Saudi Arabia kiên quyết nói không với giảm cung. Các “đại gia” về dầu mỏ hy vọng qua việc giữ nguyên mức cung 30 triệu thùng dầu/ngày, “vàng đen” sẽ tiếp tục trượt giá, qua đó gián tiếp “đẩy” các nhà khai thác khí và dầu đá phiến của Mỹ ra khỏi thị trường.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là giá dầu cần phải giảm thêm bao nhiêu nữa mới có thể loại Mỹ ra khỏi cuộc chơi? Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khoảng 4% số dự án dầu đá phiến của Mỹ cần mức giá trên 80 USD/thùng để có thể hoạt động.
Trong khi đó, những dự án khác thuộc North Dakota vẫn có thể phát sinh lợi nhuận với mức giá trên 42 USD/thùng. Như vậy, OPEC đang tự đẩy mình vào “thế bí” với “con dao hai lưỡi” khi sự lao dốc của giá dầu đang “làm khổ” các nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga, Venezuela, Iran hay Iraq.
Cung thừa mứa, cầu chững lại
Những năm gần đây, sự bùng nổ của hoạt động khai thác dầu khí đá phiến tại Mỹ, sử dụng kỹ thuật bẻ gãy thủy lực và kỹ thuật khoan ngang, đã tạo thêm cho thị trường dầu thế giới khoảng 4 triệu thùng dầu/ngày. Mặc dù vậy, việc này chưa thể ngay lập tức khiến giá dầu giảm mạnh do những căng thẳng địa chính trị liên tiếp xảy ra tại khu vực Trung Đông. vốn được coi như “rốn dầu” của thế giới, mà điển hình là cuộc nội chiến ở Libya và Iraq...
Tuy nhiên, ván cờ đã lật ngược kể từ tháng 9/2014, khi những căng thẳng địa chính trị dịu bớt và các nước này bắt đầu quay trở lại với việc bơm dầu. Nguồn cung tăng đáng kể, nhưng nhu cầu về dầu chững lại do kinh tế toàn cầu trì trệ chính là nguyên nhân khiến dầu liên tục trượt giá từ mức đỉnh 115 USD/thùng trong tháng 6/2014 xuống còn dưới 70 USD/thùng trong tháng 12/2014.
Theo báo cáo của Ngân hàng Citibank, trên thị trường “vàng đen” hiện nay cung đã vượt cầu khoảng 700.000 thùng/ngày
Ai sẽ “đứng mũi chịu sào”?
Những hệ quả từ việc giá dầu giảm tới 35% kể từ tháng Sáu đến nay đang bắt lan ra ngoài lĩnh vực năng lượng, tác động tới kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngân sách quốc gia và cổ phiếu của các công ty năng lượng. Dầu trượt giá, kéo theo đó là những lo ngại về giảm phát, đang làm “khổ” Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), vốn đặt mục tiêu nâng lạm phát lên 2% từ mức 0,3%.
Tại Mỹ, những bang có hoạt động sản xuất dầu như Texas và North Dakota sẽ là nơi chịu “khổ” nhất với doanh thu sụt giảm. Hoạt động khai thác dầu đá phiến, tuy mang lại hiệu quả cao, nhưng lại tốn kém hơn kỹ thuật khai thác truyền thống rất nhiều, và chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khi giá dầu ở mức cao. Các chuyên gia năng lượng cho rằng với mức giá 70 USD/thùng người ta vẫn có thể khai thác dầu tại Mỹ nhưng mức giá trên 110 USD/thùng mới có thể thu hút các công ty phát triển hoạt động này.
Bên cạnh đó, giá dầu lao dốc gây tác động nghiêm trọng tới các nước sản xuất dầu mỏ phụ thuộc vào nguồn thu xuất khẩu dầu thô và sử dụng nguồn thu này như một chiếc “phao cứu sinh” cho ngân sách quốc gia. Điển hình là trường hợp của Venezuela khi Tổng thống nước này Nicolas Maduro ngày 2/11 đã thông báo cắt giảm 20% chi tiêu công để đối phó với giá dầu giảm. Bên cạnh đó, Caracas cũng không loại trừ khả năng giảm lương hưu và trợ cấp xã hội. Xuất khẩu dầu hỏa đem về đến 96% ngoại tệ cho Venezuela.
Tiếp đến là kinh tế Nga. Bất kỳ sự biến động nào của giá dầu thế giới đều có tác động mạnh tới nước Nga, đất nước vốn đang “vật lộn” với các biện pháp trừng phạt bao vây kinh tế từ phương Tây, bởi doanh thu từ xuất khẩu năng lượng đóng góp tới 45% ngân sách chính phủ và 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này; đồng thời kế hoạch chi tiêu chính phủ trong năm 2015 của Moskva được lập trên mức giá dầu là 100 USD/thùng.
Do đó, với tình hình hiện nay, Nga sẽ phải chọn cắt giảm chi tiêu hoặc “cắt xén” nguồn dự trữ ngoại hối trị giá 74 tỷ USD của mình. Ngày 2/12, Bộ Phát triển Kinh tế Nga đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 của nước này xuống còn 0,8% GDP thay vì mức dự báo 1,2% GDP trước đó của chính phủ nước này.
Tương tự Nga, Iran cũng cần giá dầu ở mức thấp nhất là 100 USD/thùng để cân bằng ngân sách quốc gia. Nếu giá dầu tiếp tục giảm, Iran sẽ phải sử dụng nguồn thu khác để bù đắp thâm hụt ngân sách, ví dụ như cắt giảm trợ cấp giá dầu trong nước song điều này tiềm ẩn rủi ro làm tăng nguy cơ bất ổn chính trị tại đây.
Chưa dừng lại ở đó, giá dầu giảm còn tác động tiêu cực đến các công ty dầu khí lớn. Cổ phiếu của Tập đoàn dầu khí Anh BP giảm 17% kể từ giữa tháng Sáu và cổ phiếu của hãng Chevron giảm 11%.
Cổ phiếu của SeaDrill, một trong những chủ sở hữu giàn khoan lớn nhất thế giới, giảm tới 18% trong ngày 26/11 và hãng này đã ngừng thanh toán cổ tức do đang chịu tổn thất từ dư thừa nguồn cung giàn khoan do một số công ty lớn đối phó với giá dầu giảm bằng cách hủy các dự án. Như một lẽ tất nhiên, khi doanh nghiệp bị “ốm” thì hệ thống ngân hàng cũng không tránh khỏi vòng ảnh hưởng.
Mới đây, tờ Thời báo Tài chính (Anh) đưa tin các ngân hàng trong đó có Barclays và Wells Fargo đang đối mặt với nguy cơ lỗ nặng vì khoản cho vay 850 triệu USD đối với hai công ty dầu khí lớn có trụ sở ở Mỹ là Sabine Oil & Gas và Forest Oil.
“Ngư ông đắc lợi”
Trong số những “ngư ông đắc lợi” thì đáng chú ý hơn cả là các hãng hàng không. Cổ phiếu của những hãng hàng không lớn như American Airlines (AAL) hay United Continental (UAL) đều tăng “đột biến” do các nhà đầu tư kỳ vọng giá dầu giảm sẽ khiến lợi nhuận tăng. Cụ thể, ngay sau khi OPEC quyết định giữ nguyên sản lượng dầu vào ngày 27/11, cổ phiếu của Air France - KLM, tại thị trường Paris đã tăng 6,86%, lên thành 8,52 euro/cổ phiếu. Cổ phiếu của AAL và UAL lần lượt tăng 7,9% (3,56 USD) và 8,2% (4,63 USD) lên 48,53 USD và 61,23 USD. Ngày 2/12, cổ phiếu của hãng Air Canada cũng chạm mốc cao nhất trong vòng sáu năm qua với 11,51 USD/ cổ phiếu.
Ở một khía cạnh khác, việc giá dầu lao dốc không phanh lại là tin vui đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc - những nước nhập khẩu dầu mỏ lớn của thế giới. Tại Pháp, tổng nhập khẩu nhiên liệu lên tới 66 tỷ euro trong năm 2013.
Theo thẩm định của Viện nghiên cứu kinh tế COE-Rexecode, có trụ sở tại Paris, thì Pháp sẽ tiết kiệm được ít nhất 5 tỷ euro về nhập khẩu nhiên liệu trong năm 2014. Ông Patrick Artus, phụ trách mảng nghiên cứu thuộc ngân hàng Natixis, cho rằng giá dầu giảm sẽ giúp tổng sản phảm quốc nội của Eurozone tăng thêm 0,5% và tính theo cả năm, sẽ tăng 0,25%. Thẩm định này trùng khớp với dự báo của IMF, theo đó, giá dầu giảm 30% thì tổng sản phẩm quốc nội của thế giới tăng 0,2%.
Giá dầu giảm là một món quà Giáng sinh sớm đối với người dân Anh khi mới đây ngày 29/11, bốn hãng bán lẻ lớn nhất nước này là Tesco, Sainsbury's, Morrisons và Asda đã đồng loạt giảm 2 xu Anh/lít xăng. Theo đó, mức giá trung bình của xăng và dầu diesel tại nước Anh đã giảm lần lượt xuống còn 122,62 xu Anh và 127,13 xu Anh, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2010.
Tại Mỹ, giá xăng bán lẻ trong ngày 27/11 cũng giảm xuống mức dưới 3 USD/gallon, so với mức trung bình 3,39 USD/gallon của năm nay khiến dịp nghỉ lễ Tạ ơn và “Ngày vàng mua sắm” (Black Friday) tại nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên nhộn nhịp hơn, thêm vào đó chi phí đi lại của người dân và chi phí vận hành của doanh nghiệp cũng được giảm đi đáng kể.
Cùng với đó là các hãng xe vận tải đường bộ, vốn có mức lãi rất eo hẹp, thậm chí còn bị lỗ, đã tiết kiệm được 318 triệu euro trong 12 tháng qua, theo số liệu của Liên đoàn vận tải đường bộ Pháp. Tại Trung Quốc, việc giá dầu đi xuống cũng làm giảm áp lực về tài chính đối với các nhà sản xuất gia công cùng những doanh nghiệp nhỏ của nước này.
Các chuyên gia dự đoán giá dầu có thể sẽ tụt xuống mức 40 USD/thùng trong thời gian tới.
Phương Nga
vietnam+
|