Nguy cơ “Chiến tranh lạnh” phiên bản mới
Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra trong ngày 2-12 tại Brussels (Bỉ) đã kết thúc với nhiều quyết định quan trọng. Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ đe dọa tới an ninh toàn cầu và khả năng xoay chuyển trật tự thế giới, cuộc gặp mặt lần này đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận.
Chương trình nghị sự của hội nghị bao gồm nhiều vấn đề nóng như bất ổn tại Afghanistan, cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria. Tuy nhiên, tương tự như các cuộc gặp cấp cao của NATO thời gian gần đây, khủng hoảng tại Ukraine vẫn là chủ đề bao trùm các phiên thảo luận. Đây không phải là điều bất ngờ vì những căng thẳng ngày càng leo thang tại đất nước bên bờ Biển Đen kéo theo sự can dự của các bên liên quan đang đẩy NATO và Nga vào trạng thái đối đầu đáng lo ngại nhất kể từ khi Liên bang Xô Viết tan rã. Đáng chú ý là cuộc tranh giành quyết liệt nhằm vẽ lại đường ranh giới diễn ra giữa NATO và Nga tại Ukraine đang là nguyên nhân chính buộc các bên phải thay đổi mục tiêu chiến lược để có thể ứng phó với tình hình mới.
Hiện tại, cả NATO và Nga đều muốn gây ảnh hưởng tới tình hình tại Ukraine để giành được lợi thế. Nhìn từ lập trường của Mátxcơva, Ukraine có mối quan hệ sâu sắc về lịch sử, văn hóa, kinh tế và xã hội. Liên bang Xô Viết tuy đã tan rã, nhưng việc duy trì tầm ảnh hưởng đối với khu vực truyền thống vẫn là mối ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đối ngoại của Nga. Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc cho đến nay, phương Tây đã nhiều lần chạm tới cái được Mátxcơva cho là "giới hạn đỏ". Từ việc kết nạp hàng loạt các nước Baltic vào NATO cho tới chuyện thông qua các cuộc "cách mạng màu" để chia rẽ các quốc gia vốn nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Nga. Trong khi đó, Ukraine lâu nay vẫn được coi là vùng đệm ngăn cách NATO với xứ sở Bạch dương. Trong thời kỳ Chiến trạnh lạnh, đường biên giới của NATO cách Mátxcơva 1.800km. Tuy nhiên, khoảng cách này sẽ chỉ còn 500km nếu Ukraine gia nhập NATO. Còn theo quan điểm của Mỹ và các nước đồng minh, việc lôi kéo Ukraine là một bước đi quan trọng làm suy yếu sức mạnh nước Nga và có thể phá vỡ tham vọng xây dựng Liên minh Á - Âu của "ông chủ" Điện Kremlin Vladimir Putin.
Chính vì thế, cho tới thời điểm này, dù cuộc khủng hoảng Ukraine đã kéo dài hơn một năm, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ nhân nhượng trong cuộc đọ sức trên bàn cờ địa chính trị khu vực này. Ngược lại, những động thái cứng rắn được cả Nga và NATO đưa ra đang kéo hai phía gần một cuộc Chiến trạnh lạnh phiên bản mới trong thế kỷ XXI. Ngay tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO vừa diễn ra, khối quân sự lớn nhất hành tinh đã tiếp tục khẳng định sự hiện diện tại Đông Âu bằng việc gửi quân tới khu vực này tham gia vào các cuộc tập trận để đối phó với Nga. Lực lượng này sẽ được xây dựng từ lực lượng phản ứng nhanh của NATO (NRF) với số lượng khoảng 13.000 người. Trong trường hợp cần thiết, số lượng binh sĩ được huy động sẽ lên đến 40.000 người. Bên cạnh đó, NATO cũng có ý định thành lập một lực lượng tạm thời vào năm 2015 có trình độ rất cao với trụ cột là Đức, Na Uy, Hà Lan để sẵn sàng ngăn chặn và bảo vệ đồng minh khỏi các cuộc tấn công có thể xuất hiện ở biên giới.
Trong bối cảnh thời gian gần đây, cả Nga và NATO liên tiếp triển khai những cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh lạnh để phô diễn sức mạnh, nhiều nhà phân tích lo ngại động thái mới của NATO có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới và khiến quan hệ giữa Nga và NATO thêm bế tắc. Theo nhiều chuyên gia, quyết định này sẽ mở ra một thời kỳ đầy nguy hiểm - một giai đoạn đối kháng lâu dài với quá trình hàn gắn xa vời giữa hai bên.
Lâm Phương
hà nội mới
|