Dân Nga “liêu xiêu” vì đồng rúp mất giá
Quán Oyster Bar trước đây chuyên phục vụ các món ăn từ động vật thân mềm, nhưng khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây được thực hiện, nhà hàng đã buộc phải đổi tên. Giờ, quán phục vụ bánh mì kẹp thịt và pizza dưới một cái tên mới: No Oyster Bar.
Hãng tin AP dẫn lời Ilya Sokhin, đồng sở hữu quán cho biết, việc Nga cấm nhập khẩu hàu châu Âu đã gây ảnh hưởng nặng nề và lượng khách trung bình tại nhà hàng - một tòa nhà mới kiểu dáng đẹp nằm ở khu Gorky Park nổi tiếng - đã giảm hơn một nửa.
Nền kinh tế Nga năm nay đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bất ổn từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá dầu giảm, các biện pháp trừng phạt của phương Tây và những lệnh cấm nhập khẩu trả đũa của Nga. Những người Nga nghèo và tầng lớp trung lưu đang thách thức sự khẳng định của chính phủ rằng, việc đồng rúp mất giá 40% - giờ đang ở mức thấp kỷ lục 54 rúp đổi được 1USD - sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến những người giàu có.
Uy tín của Tổng thống Vladimir Putin vẫn được đánh giá cao nhưng ông cũng đang phải đối mặt với sự giận dữ ngày càng tăng từ các gia đình trung lưu và những người Nga nghèo hơn khi chất lượng sống của họ bị giảm.
Mikhail Antonov, một người quản lý 27 tuổi tại cửa hàng bán đồ trẻ em, đã dự định dành tiền tiết kiệm trong năm nay để lái xe đi chơi với bạn từ Moscow đến Đức và dành một tuần để ghé thăm các chợ Giáng sinh và nông thôn. Nhưng 30.000 rúp anh đã tiết kiệm được hôm nay không còn giá trị 670 euro nữa, chỉ còn chưa đầy 450 euro và anh đã phải hủy bỏ chuyến đi.
Theo Vladimir Kantorovich, Phó chủ tịch Hiệp hội lữ hành Nga, du lịch nước ngoài trong dịp nghỉ đông đã giảm 30% và các chuyến đi đến châu Âu đã giảm khoảng 50%. Hôm qua, hãng hàng không hàng đầu của Nga, Aeroflot, đã tăng giá vé bằng tiền rúp lên 15%.
Olga Kupriyanova, một giáo sư luật 35 tuổi tại Đại học quốc gia Moscow cho biết, gia đình 4 người của cô đã cảm nhận được khó khăn khi mỗi bữa phải suy tính ăn gì. Lạm phát dự báo đạt 10% trong đầu năm tới và giá thực phẩm đang tăng nhanh nhất. Theo Cơ quan Thống kê Liên bang, gà đã tăng giá hơn 27% so với năm ngoái, thịt lợn tăng giá 25% và kiều mạch tăng giá 48%. Người Nga trung bình dành khoảng 30% thu nhập cho thực phẩm, trong khi mức này của người Mỹ là 6,7%.
Hôm 2/12, Bộ phát triển kinh tế của Nga điều chỉnh dự báo kinh tế cho năm 2015, dự đoán tăng trưởng chỉ đạt 0,8% thay vì 1,2%. Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết, các biện pháp trừng phạt đã làm Nga mất 40 tỷ USD và sự sụt giảm giá dầu cũng làm “bốc hơi” nguồn thu thêm 90-100 tỷ USD nữa.
H.Vân
hà nội mới
|