Thứ Ba, 16/12/2014 21:21

Sẽ rút giấy phép hoạt động của doanh nghiệp không trồng rừng thay thế

Việc nhiều doanh nghiệp không tiến hành trồng rừng thay thế theo đúng kế hoạch hoặc tiến độ còn chậm, hiệu quả còn thấp đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận trong xã hội. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thống nhất với Bộ Công Thương sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Bình Định chuẩn bị cây giống cho kế hoạch trồng rừng. (Ảnh: Ly Kha/TTXVN)

Đối với các doanh nghiệp trồng rừng thay thế chậm tiến độ sẽ chịu xử phạt theo đúng quy định, đặc biệt kiên quyết không cấp hoặc thu hồi rút giấy phép hoạt động đối với các cơ sở doanh nghiệp cố tình không thực hiện nghiêm túc trồng rừng thay thế.

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát tại cuộc Họp trực tuyến công tác trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, do Bộ này vừa tổ chức chiều nay (16/12), tại Hà Nội.

Đánh giá công tác thực hiện trồng rừng thay thế trong thời gian qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, các địa phương đã có những cố gắng nhất định, công việc có tiến triển, một số địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, còn rất nhiều địa phương thậm chí là chưa trồng được trên thực tế, thậm chí còn chưa có phương án thực hiện nên nhìn chung là tiến độ còn rất chậm.

Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi cũng nêu rõ, tổng hợp báo cáo của các địa phương đến tháng 12 mới chỉ có 28/55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã trồng rừng thay thế được 7.191ha; trong đó diện tích trồng rừng trong năm nay là 4.648 ha đạt 35% tiến độ kế hoạch năm; bao gồm diện tích trồng rừng thay thế các dự án thủy điện 2.445ha, đạt 22% kế hoạch; diện tích trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển sang mục đích khác 2.203ha, đạt 104% kế hoạch.

Bên cạnh các địa phương tích cực, chủ động triển khai, đã cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng rừng thay thế theo tiến độ kế hoạch năm nay, gồm: Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Kon Tum. Vẫn còn số lớn các địa phương có diện tích trồng rừng thay thế lớn, nhưng chưa trồng như: Lai Châu, Thanh Hóa, Gia Lai, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Phước, Trà Vinh.

Một số địa phương có diện tích trồng rừng thay thế lớn nhưng kết quả đạt thấp như: Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Phú Yên, Lạng Sơn.

Nguyên nhân của việc này là do, các chủ dự án được phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng không thực hiện quy định của pháp luật, dẫn đến tồn đọng kéo dài, việc giải quyết phức tạp hơn, làm cho quy định của pháp luật không được thực hiện nghiêm túc; nhận thức về trồng rừng thay thế ở nhiều nơi còn thiếu nhất quán, nên thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm.

Một số địa phương đã chấp thuận cho chủ dự án nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, nhưng lại để vốn tồn đọng, thậm chí có ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Trung ương cho sử dụng số tiền đã thu này để chi cho các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng thay vì chỉ sử dụng cho thực hiện nhiệm vụ trồng rừng thay thế.

Đặc biệt, nhiều chủ dự án không thực hiện đúng trách nhiệm xây dựng phương án trồng rừng thay thế, thậm chí có biểu hiện trây ì, nhất là đối với các dự án đã hoàn thành việc khai hoang, chuyển mục đích sử dụng rừng và các dự án đã hoàn thành.

Bởi vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai nghiêm túc việc tăng cường chỉ đạo thực hiện trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác và phải xem đây là nhiệm vụ đột xuất quan trọng trong thời gian tới để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch.

Việc xử lý các trường hợp vi phạm, mọi trường hợp vi phạm các quy định của nhà nước trong việc trồng rừng thay thế phải được xử lý nghiêm túc đồng thời buộc trồng rừng thay thế đúng theo quy định ngay trong thời vụ gần nhất.

“Công tác trồng rừng thay thế phải hoàn thành trong năm 2015, trách nhiệm chính của trồng rừng thay thế là của các chủ đầu tư. Do đó, trường hợp chủ dự án không có điều kiện tổ chức trồng rừng thay thế, phải lập phương án trồng rừng thay thế và nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để trồng rừng theo phương án được duyệt trong Quý 1 năm 2015,” Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu./.

Thanh Tâm

vietnam+

Các tin tức khác

>   Sau Uber, đến lượt xe ôm thông minh (15/12/2014)

>   Vụ xây trái phép biệt phủ trong rừng cấm Hải Vân: Đà Nẵng sẽ tổng kiểm tra, rà soát các công trình (15/12/2014)

>   Tìm chủ cho mỏ vàng ngàn tỷ ở Bắc Kạn (13/12/2014)

>   Cháy chợ Nhật Tân, Hà Nội: Tổng thiệt hại hơn 2 tỉ đồng (13/12/2014)

>   Yahoo đóng cửa văn phòng ở Việt Nam, Malaysia, Indonesia (12/12/2014)

>   Nhập hàng EU coi chỉ dẫn địa lý (12/12/2014)

>   Hoãn thu phí xe máy tại TPHCM (11/12/2014)

>   Không quản được thì cấm và… buông (11/12/2014)

>   3 sổ tiết kiệm 400 triệu bị bỏ quên 15 năm (11/12/2014)

>   Xét xử “bầu” Kiên: Các luật sư viện dẫn nhiều chứng cứ chứng minh các bị cáo vô tội (09/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật