Thứ Hai, 15/12/2014 09:50

Khơi thông đồng vốn Tam nông: Vốn để đời

Sau Nghị định 41 về tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, năm 2014, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản. 

Ông Nguyễn Xuân Phú cho rằng, vốn của Agribank lúc này rất lý tưởng cho phát triển chăn nuôi của người nông dân

Đến nay NĐ 67 bước đầu triển khai còn NĐ 41 sau hơn 3 năm thực hiện đã phát huy hiệu quả.

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, họ luôn có khát khao cháy bỏng. Một trong những mong ước đó là muốn làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương và dạy dỗ con cái trưởng thành. Chúng tôi đã gặp những con người như thế!

Xin được bắt đầu câu chuyện với ông Nguyễn Xuân Phú – thôn Phong Lạc 1, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông Phú là người lính từng kinh qua trận mạc chiến tranh.

Từ đồng vốn vay

Sau giải phóng miền Nam, ông Phú trở về quê trên mình đầy thương tật, mất sức 61%. Với đồng trợ cấp ít ỏi những năm sau giải phóng, cuộc sống của vợ chồng ông rất khó khăn. Ông bảo, chiến tranh có lúc chưa hẳn đã khốc liệt bằng trận mạc làm kinh tế.

Tính toán của người lính trong thời buổi kinh tế thị trường không thể nhanh và thông thạo hơn lớp trẻ. Năm 1995, vợ chồng ông quyết định lấy “khối tài sản” của gia đình là ngôi nhà tranh ra thế chấp Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank) để vay vốn.

Tin tưởng người lính có cái sổ lương nên việc ngân hàng giải ngân cho ông Phú vay 2 triệu đồng vào năm 1995 quả thực không mấy khó khăn. Ông bảo, gọi là vay đầu tư cho nó oách chứ thực ra là mua con lợn, con gà để nuôi kiếm đồng lãi. “Ngày ngày, vợ chồng cặm cụi, vừa làm đồng áng, vừa trồng rau để chăn nuôi, có điều kiện lo cho lũ trẻ sớm hôm đến trường” – ông Phú tự sự.

Một vài lứa lợn được xuất chuồng, ông Phú trả nợ cho ngân hàng và tính vay thêm để mở rộng đầu tư. Lần này, ông bà mua máy xay xát, kết hợp với buôn cám phục vụ chăn nuôi. Một năm, hai năm rồi 10 năm, công việc của vợ chồng người lính ấy không mấy thay đổi. Thứ được coi là thay đổi lớn nhất ở trong gia đình ông chính là cơ ngơi nhà cửa và sự học hành của con cái. Mái nhà tranh dột nát đã được thay thế bằng căn nhà hai tầng kiên cố với tiện nghi, đồ dùng sinh hoạt đầy đủ, khang trang.

Đến nay trong chuồng trại của gia đình ông luôn duy trì 100 con lợn. Hiện dư nợ của ông ở Agribank là 370 triệu đồng nhưng mỗi năm doanh thu mà ông có được là 600 – 700 triệu đồng. Ông bảo, trừ chi phí đi thì vẫn còn lãi 200 triệu đồng.

Tôi nói, nay tuổi ông đã nhiều, làm ăn cũng có lãi, cuộc sống sung túc rồi, ông bà lăn lộn gì nữa cho nó vất vả? Ông Phú thật thà mà rằng: “Vẫn còn khỏe lắm. Vả lại, nhiều năm làm bạn với ngân hàng nông nghiệp nhưng có lẽ chưa bao giờ lãi suất được vay với mức ưu đãi như hiện nay. Tuy con cái đã trưởng thành, có của ăn của để nhưng còn sức khỏe thì cứ lao động thôi. Trước thì cho vui tuổi già, sau nữa góp sức cùng các con lo cho các cháu”.

Gần 20 năm chăn nuôi lợn nhưng gia đình ông Phú chưa một lần để xảy ra dịch bệnh. Năm 2008, dịch tai xanh xảy ra trên toàn tỉnh và Thọ Xuân là trọng điểm của dịch với hàng ngàn tấn lợn được tiêu hủy. Riêng đàn lợn của ông Phú không bị dính dịch. Ông Phú bảo, có người bạn làm ở Trạm thú y thường xuyên tư vấn cho nên việc tiêm phòng đối với đàn lợn được tuân thủ nghiêm ngặt. Hồi xảy ra dịch tai xanh, ông Phú đã mua bạt che chắn bốn phía chuồng và cách ly người ngoài tiếp xúc với lợn.

Dường như đồng lãi nào làm ra được, ông bà Phú đều dồn hết vào việc học cho con. Không phụ lòng bố mẹ, các con của ông Phú đều học hành giỏi giang và trưởng thành. Đứa con gái đầu của ông bà hiện đang làm việc ở Cục Thuế tỉnh, con rể là giảng viên Học viện Quân sự. Cô con gái út đang làm việc ở Sở KH-CN tỉnh Thanh Hóa. Cậu con trai làm việc ở Công an huyện Thọ Xuân. Sự trưởng thành của con, chính là niềm vui lớn lao của vợ chồng ông Phú.

Ngân hàng làm khách hàng

Cách đó không xa, vợ chồng anh Phạm Đình Hiệu ở phố Neo cũng được đánh giá là người nông dân vượt lên khó khăn, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Không chỉ là khách hàng có uy tín của Agribank mà rất nhiều lần Agribank là khách hàng của anh Hiệu.

Tôi hỏi, đâu đó vẫn có chuyện ngân hàng “làm khó” người vay, vậy khi họ là khách hàng, anh có gây khó dễ lại không? Anh Hiệu cười rồi bảo, chúng tôi hợp tác với nhau trên tinh thần tin tưởng cùng có lợi.

Công bằng mà nói, anh Hiệu không chỉ tạo niềm tin với ngân hàng mà anh đã tạo được niềm tin vững chắc với hàng ngàn hộ dân ở Thọ Xuân. Đã chục năm nay, anh vay vốn của ngân hàng để đầu tư dây chuyền, nhà xưởng máy xay xát với công suất lớn. Anh bảo, Thọ Xuân là trọng điểm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa sản xuất ra nhiều sản phẩm lúa có năng suất cao. Song nếu chỉ dừng lại ở năng suất cao chưa hẳn đã mang lại giá trị lớn.

Từ suy nghĩ đó, việc lắp đặt hệ thống máy xay xát, anh Hiệu đã gom được một lượng lúa rất lớn của nhân dân trong huyện. Anh tiêu thụ lúa cho nông dân rồi bán gạo cho rất nhiều đại lý ở thị trấn, thành phố và ngay cả ở Hà Nội cũng có thương lái vào mua gạo tại cơ sở của anh.

Hằng năm, anh Hiệu mua hơn 5.000 tấn lúa và xuất bán trên 3.500 tấn gạo. Ngoài ra, anh còn làm dịch vụ bán cám phục vụ phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Mặc dù dư nợ hiện nay tại Agribank chỉ có 1,5 tỷ đồng nhưng doanh thu mỗi năm mà anh có được là khoảng 30 tỷ đồng. Anh nói, sau khi trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận cũng được 500 - 700 triệu đồng.

Tôi hỏi, anh và ngân hàng làm khách hàng với nhau khi nào? Anh Hiệu cho hay: “Lúc mùa vụ đến thì tôi là khách hàng. Khi đó tôi có thể vay ngân hàng 2 – 3 tỷ đồng là bình thường. Khi mùa vụ kết thúc, tôi cũng có chừng ấy tiền để gửi ở ngân hàng. Tôi không để thời gian nhàn rỗi và luôn làm cho đồng tiền sinh ra tiền”. Xác nhận điều này, ông Vũ Văn Vốn – Giám đốc Agribank chi nhánh Thọ Xuân, Thanh Hóa khẳng định điều anh Hiệu chia sẻ là đúng.

Làm kinh tế giỏi nhưng vợ chồng anh Hiệu không quên nhiệm vụ được xác định là trọng tâm. Đó là việc chăm lo các con khỏe mạnh và học giỏi. Hiện hai người con gái của anh đang theo học đại học tại Hà Nội. Còn cậu con trai út đang học lớp 9.

Đến ngày 31/10, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của Agribank Thanh Hóa đạt 13.741 tỷ đồng, bằng 88% trên tổng dư nợ, trong đó cho vay theo Nghị định 41 đạt 7.293 tỷ đồng, tăng 1.118 tỷ đồng so với đầu năm.

Có được kết quả này, theo ông Hoàng Văn Lưu – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa là ngay sau khi có Nghị định 41, Tỉnh hội đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành chỉ thị 35; Agribank Thanh Hóa tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 15 “Tổ chức thực hiện Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Từ tỉnh đến xã thành lập ban chỉ đạo do một đồng chí Phó chủ tịch UBND làm trưởng ban. Nhờ đó đã nắm bắt được sát tình hình, nhu cầu cần vốn của nhân dân cũng như hướng dẫn kịp thời cho người dân sử dụng vốn vay được hiệu quả.

Văn Hùng

nông nghiệp việt nam

Các tin tức khác

>   Xét xử phúc thẩm “đại án” Huyền Như và đồng phạm tại TPHCM: 4.000 tỉ đồng bị chiếm đoạt và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (15/12/2014)

>   Xét xử phúc thẩm “đại án” Huyền Như và đồng phạm tại TPHCM: 4.000 tỉ đồng bị chiếm đoạt và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (15/12/2014)

>   Giao dịch ngân hàng cùng Ebanking VietABank (16/12/2014)

>   Hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán (13/12/2014)

>   VCB sẽ trình cổ đông bầu bổ sung Giám đốc Chi nhánh Hà Nội vào HĐQT (12/12/2014)

>   Giá USD lại vượt 21.400 đồng (12/12/2014)

>   Nhân viên ngân hàng... rất khổ (12/12/2014)

>   Nhìn thẳng và thừa nhận sự thật về tỷ giá (12/12/2014)

>   Dòng tiền đang đổ vào đâu? (12/12/2014)

>   Tăng vốn điều lệ Công ty Mua bán nợ Việt Nam (11/12/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật