Giá cà phê mất các mốc quan trọng
Giá cà phê giảm mạnh, thị trường nội địa mất mốc 40 triệu đồng/tấn, sàn kỳ hạn xuống sâu dưới mức tâm lý 2.000 đô la/tấn. Xét về kinh doanh, ai chưa bán được trong hai tháng đầu vụ xem như đã để mất một cơ hội.
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa kỳ hạn robusta Ice châu Âu (tác giả cập nhật)
|
Vuột mất cơ hội
Thu hoạch cà phê đang ở đỉnh điểm. Lãnh đạo của một đơn vị xuất khẩu ước tính đến nay nhịp độ thu hái trên toàn vùng Tây Nguyên, vựa cà phê của cả nước, đạt chừng 65%.
Hai trận bão số 4 và số 5 liên tiếp vừa qua tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến vùng cà phê, nhưng mưa có thể làm hàng ra chậm một đôi ngày. Tại một số nơi, mưa do ảnh hưởng bão đã kích hoa của vụ sau ra sớm, đây là đợt hoa “lãng phí” không sinh trái sau này. Nhiều nhà vườn báo vụ này sản lượng giảm, nên tâm lý mất mùa cho niên vụ tới 2015/16 càng lớn, ý định ghim hàng càng tăng mạnh.
Mặt khác, bên lề hội nghị của Hiệp hội Cà phê & Ca cao tuần trước tại TPHCM, một số nhà xuất khẩu thú thật rằng từ đầu niên vụ mới 2014/15 họ vẫn chưa bán được bao nhiêu vì e ngại giá tăng bất ngờ khi nghe thông tin mất mùa từ các nơi báo về. Mặt khác, năm nay ngân hàng rộng tay hơn cho nông dân vay để khỏi bán mạnh từ đầu vụ tránh gây sức ép làm giá giảm trên thị trường.
Vậy mà giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên cứ rớt đều từ đầu tháng 12 đến nay. Tại các tỉnh Tây Nguyên, giá cà phê nguyên liệu hôm qua 12-12 thực sự mất mốc 40 triệu đồng/tấn để chỉ còn quanh mức 39,5 triệu đồng/tấn. Dù vẫn còn niềm tin giá tăng lại, nhiều người vẫn không khỏi tiếc vì đã vuột mất cơ hội đầu niên vụ khi giá trong hai tháng trước đây vững trên mức 40-42 triệu đồng/tấn.
Tiếc nuối giá cao đầu niên vụ vẫn còn lởn vởn khi giá xuống, nhiều người đang cậy nhờ ngân hàng cho vay để khỏi bán ra với giá thấp như hiện nay. “Năm nay các ngân hàng cho vay với định mức cao hơn. Cụ thể là hai trăm triệu đồng trên một héc-ta cà phê thế chấp. Điều này giúp cho bà con có điều kiện để giữ cà phê lại,” một nhà vườn vay được tiền vui mừng loan báo trên một mạng thông tin thị trường cà phê.
Giá kỳ hạn không theo cung-cầu
Như một thói quen đã sẵn khi bắt đầu tham gia thị trường cà phê thế giới, không ít nhà xuất khẩu và nông dân nước ta vẫn tin giá giao dịch trên các sàn kỳ hạn phản ánh cung-cầu của thị trường cà phê thế giới một cách tuyệt đối. Thật ra, tại nhiều nước sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu lớn khác, ít ai lưu ý nó mà chỉ xem như là một kênh thông tin tham khảo.
Quả thật, trong thời gian qua, tuy thông tin mất mùa nặng xuất phát từ hai nước sản xuất và xuất khẩu lớn, đáng ra giá kỳ hạn phải tăng, giá cà phê trên hai sàn vẫn rớt liên tục. Ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế-chính trị và nhất là cuộc chiến tranh tiền tệ hiện nay giữa các siêu cường đã làm giá hàng hóa nguyên liệu tăng giảm thất thường, giá giảm gây khó khăn cho nhiều nước cung cấp.
Đồng đô la Mỹ tăng giá, một chỉ báo nền kinh tế Mỹ hồi phục, đã làm làn sóng đầu tư vào thị trường cổ phiếu tăng mạnh. Nếu trước đây, khi các sàn chứng khoán lao đao, các quỹ đầu tư phải chuyển vốn của mình vào “ẩn náu” trên thị trường kỳ hạn hàng hóa, thì nay hình như họ đang rút bớt vốn từ các sàn hàng hóa về sàn chứng khoán. Giới kinh doanh trên thị trường tài chính cho hay rằng có hai quỹ đầu tư chỉ số giá hàng hóa tại Mỹ đã rút gần 6 tỉ đô la ra khỏi sàn hàng hóa, từ 171,1 tỉ xuống còn 165,3 tỉ đô la thời gian qua.
Chính vì vậy, không chỉ cà phê, nhiều loại hàng hóa khác có sàn kỳ hạn đều cùng số phận mất giá trong trào lưu thoái vốn chung. Người thiệt hại không ai khác là người sản xuất và các nước quá dựa vào xuất khẩu nguyên liệu.
Về cà phê, tuần qua sàn kỳ hạn robusta Ice Châu Âu đóng cửa có lúc giảm xuống mức sâu nhất tính từ đầu niên vụ đến nay. Phiên ngày 11-12, giá kỳ hạn robusta chỉ còn 1.965 đô la Mỹ/tấn, mất 233 đô la/tấn so với đỉnh 2.189 đô la/tấn lập ngày 13-10-2014. Phiên cuối tuần 12-12 giá đóng cửa sàn robusta chốt mức 1.974 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1). Giá kỳ hạn arabica Ice New York cũng chẳng khá hơn, phiên cuối tuần này chỉ còn 174 xu/cân Anh (cts/lb) so với ngày 11-10 là 225,75 cts/lb, mất tương đương 81,74 cts/lb hay trên 1.800 đô la/tấn.
Tồn kho đạt chuẩn tăng
Biểu đồ 2: Tồn kho đạt chuẩn sàn robusta Ice châu Âu tăng dần (nguồn: NewEdge)
|
Tồn kho đạt chuẩn (certs) cà phê robusta thuộc sàn Ice châu Âu đến hết ngày 8-12 lên mức 124.640 tấn, tăng 6.800 tấn so với lần báo cáo trước cách đấy hai tuần, giá trị thời điểm đến hôm nay 13-12 ước chừng 246 triệu đô la Mỹ. Tồn kho đạt chuẩn sàn arabica New York đang ở mức 139.381 tấn với giá trị hiện nay ước chừng 535 triệu đô la Mỹ. Như vậy, riêng vốn sử dụng cho tồn kho hàng thực của cả hai sàn cà phê đến nay đạt 781 triệu đô la Mỹ.
Số liệu tồn kho đạt chuẩn cà phê có ảnh hưởng nhất định đến hướng giá giao dịch của các sàn kỳ hạn cà phê thế giới.
Nguyễn Quang Bình
tbktsg
|